Những gì xảy ra trong thập kỷ tới khi kỷ nguyên tiền rẻ kết thúc?

Những gì xảy ra trong thập kỷ tới khi kỷ nguyên tiền rẻ kết thúc?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong hơn một thập kỷ sau cuộc khủng hoảng tài chính, các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đã giữ lãi suất ở mức thấp trong nỗ lực vực dậy nền kinh tế.

Kỷ nguyên của tiền rẻ đã thúc đẩy các khoản đầu tư rủi ro vào cổ phiếu công nghệ, tiền điện tử và IPO cửa sau được gọi là SPAC. Nhưng đại dịch Covid xuất hiện và các ngân hàng trung ương tăng gấp đôi chính sách tiền tệ nới lỏng để ngăn chặn suy thoái kinh tế toàn cầu, đã góp phần làm trầm trọng thêm một vấn đề hoàn toàn mới là lạm phát.

Hiện các quan chức ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đang tăng lãi suất để chống lại giá tiêu dùng cao ngất ngưởng. Ngay cả Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) - ngân hàng đi tiên phong trong chính sách tiền tệ nới lỏng với lãi suất gần bằng 0 - cũng đã bắt đầu phát đi tín hiệu thắt chặt. Sự thay đổi đột ngột này đại diện cho một kỷ nguyên mới đối với nền kinh tế, thị trường và nhà đầu tư toàn cầu phải cân nhắc lại yếu tố lợi nhuận và sự ổn định.

George Ball, chủ tịch của công ty đầu tư Sanders Morris Harris cho biết: “Tôi cho rằng bạn thỉnh thoảng có một bước ngoặt trong thời đại đầu tư và kinh tế, và chúng ta đang ở một trong những thời điểm đó sau hơn một thập kỷ lãi suất gần bằng 0”.

Ông tin rằng lãi suất của Mỹ sẽ ở mức trung bình “bình thường” hơn 3% trong thập kỷ tới, điều này sẽ dẫn đến một cách tiếp cận thận trọng hơn từ các nhà đầu tư.

Tim Pagliara, giám đốc đầu tư của công ty tư vấn đầu tư CapWealth cho rằng, nếu có một cụm từ ồn ào mới cho thực tế mới này, thì đó là “đang bình thường hóa trở lại”.

“Sẽ có rất nhiều sự đánh giá lại mọi thứ, từ bất động sản thương mại đến cách công chúng đầu tư nhìn vào những thứ như tiền điện tử”, ông cho biết.

Lợi nhuận thực tế hơn lời hứa hẹn - Nhà đầu tư chứ không phải nhà đầu cơ

Trong thập kỷ qua, hứa hẹn tăng trưởng là đủ để nhiều cổ phiếu tăng vọt. Lợi nhuận và một mô hình kinh doanh bền vững có thể đến sau. Nhưng với lãi suất tăng, các chuyên gia mà Fortune trao đổi đồng ý rằng, một phương pháp đầu tư có chọn lọc hơn và có ý thức về lợi nhuận sẽ là điều bắt buộc trong thập kỷ tới.

“Nhiều nhà đầu tư có thể mua cổ phiếu công nghệ để nắm giữ lâu dài. Và đó không chắc là những gì chúng ta có trong tương lai”, Jon Hirtle, chủ tịch điều hành của Hirtle Callaghan & Co. cho biết.

Lãi suất tăng làm tăng chi phí vay cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Điều đó làm chậm tăng trưởng kinh tế và giảm lợi nhuận doanh nghiệp, gây áp lực lên các công ty thua lỗ và nợ nần chồng chất.

Điều này cũng có nghĩa là định giá của các công ty này - những công ty tồi tệ nhất được các nhà phân tích dán nhãn là "zoobies" - sẽ thấp hơn nhiều so với hiện nay trong tương lai.

Và lãi suất tăng cũng có nghĩa là các tài khoản tiết kiệm và các khoản đầu tư ít rủi ro khác sẽ mang lại lợi nhuận tốt hơn so với những gì trong thập kỷ qua. Sự hấp dẫn của lợi nhuận cao hơn và ít rủi ro sẽ khuyến khích một số nhà đầu tư tránh xa việc đặt cược vào cổ phiếu.

“Những gì chúng tôi đang làm là không khuyến khích các nhà đầu cơ và chúng tôi khuyến khích những người tiết kiệm. Vì vậy, tôi nghĩ đó thực sự là một điều tích cực, ngay cả khi quá trình chuyển đổi sẽ rất gập ghềnh”, ông cho biết.

Lãi suất cao hơn làm sống lại những cơ hội cũ

Lãi suất cao hơn cũng sẽ làm sống lại sự hấp dẫn của đầu tư có thu nhập cố định và thúc đẩy danh mục đầu tư 60/40 cổ điển - một chiến lược phân bổ 60% cổ phần nắm giữ của danh mục đầu tư cho cổ phiếu và 40% cho trái phiếu.

Trong thập kỷ qua, nhiều nhà đầu tư đã sống theo phương châm “không có lựa chọn nào khác” để đầu tư vào cổ phiếu. Với lãi suất gần bằng 0, lý thuyết cho rằng cổ phiếu là khoản đầu tư duy nhất mang lại lợi nhuận đáng kể nhưng điều đó không còn đúng nữa.

Lợi suất trái phiếu tăng có nghĩa là danh mục đầu tư 60/40 cổ điển sẽ “quay trở lại” trong thập kỷ tới.

Triển vọng thú vị và thách thức khó khăn

Trong khi thập kỷ tới có thể là giai đoạn trở lại bình thường đối với các ngân hàng trung ương và nhà đầu tư, một số nhà dự báo cảnh báo rằng, nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt với những cơn gió ngược dữ dội có thể tạo ra một kịch bản ác mộng.

Nouriel Roubini, giáo sư Trường Kinh doanh Stern của Đại học New York và là Giám đốc điều hành của Roubini Macro Associates lập luận rằng, nợ công và nợ tư nhân gia tăng có thể châm ngòi cho một “cuộc khủng hoảng nợ do đình lạm”. Ngoài ra, một loạt “mối đe dọa lớn” đồng thời bao gồm biến đổi khí hậu và chi tiêu quá mức của chính phủ có thể dẫn đến “một biến thể khác của Đại suy thoái”.

Nhà đầu tư huyền thoại Stanley Druckenmiller cũng cảnh báo vào tháng 9 về “xác suất cao” rằng, thị trường chứng khoán Mỹ có thể “không thay đổi” trong 10 năm tới trong bối cảnh suy thoái kinh tế và phi toàn cầu hóa.

Căng thẳng gia tăng giữa các siêu cường toàn cầu sẽ làm chậm xu hướng toàn cầu hóa vốn đã tạo điều kiện cho hàng hóa và dịch vụ giá rẻ lưu thông tự do trong nhiều thập kỷ.

Mặt khác, Jon Hirtle cho biết ông tin rằng toàn cầu hóa vẫn chưa kết thúc. Ông nhận định rằng, những cảnh báo về phi toàn cầu hóa là ví dụ hoàn hảo về việc các nhà dự báo như Roubini và Druckenmiller quá tập trung vào các chu kỳ ngắn hạn.

“Xu hướng dài hạn vẫn rất, rất tích cực”, ông chỉ ra những tiến bộ gần đây trong điều trị ung thư và năng lượng nhiệt hạch có thể thay đổi hoàn toàn nền kinh tế toàn cầu.

Và Jon Hirtle không phải là người duy nhất lạc quan về tương lai của các nhà đầu tư và nền kinh tế.

George Ball nhận định rằng, những dự đoán về tình trạng đình lạm là một “sự ngụy biện” bỏ qua thực tế là có nhiều dữ liệu và sự đổi mới trong nền kinh tế hơn bao giờ hết. Ông lập luận rằng, kỷ nguyên mới đối với thị trường thể hiện sự làm sạch cần thiết, nhưng nền kinh tế toàn cầu sẽ phát triển tốt hơn ở mặt khác.

“Những giai đoạn hưng phấn cần phải được theo sau bởi những giai đoạn tiết chế. Sự gia tăng trong học tập, kiến thức và tốc độ cải thiện sẽ rất đáng chú ý. Và cuối cùng nó sẽ thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn so với những gì chúng ta đã từng làm thực sự trong hơn 100 năm qua”, ông cho biết.

Ông nói rằng, thập kỷ tới sẽ là một “khoảng thời gian rất thú vị đối với nhân loại” và đặc biệt là người Mỹ.

“Nếu chúng ta thực hiện, nếu chúng ta phản hồi đúng cách và chúng ta bắt đầu hành động theo cách thức lưỡng đảng, thì đó thực sự là một khoảng thời gian thú vị đối với những người Mỹ bình thường muốn thăng tiến”, ông cho biết.

Tin bài liên quan