Nhắc đến những dự án tỷ đô “chết yểu” có lẽ phải nhắc đến Dự án Bãi Biển Rồng (tỉnh Quảng Nam). Với diện tích 400 héc-ta, tổng vốn đầu tư lên đến 4,15 tỷ USD, Dự án Bãi Biển Rồng trở thành niềm mong mỏi sẽ chắp cánh cho du lịch biển Quảng Nam thăng hoa khi được cấp phép 8 năm trước.
Thế nhưng, sau khi có được giấy phép đầu tư, nhà đầu tư Tano Captial, LLC (Mỹ) lại không chịu nộp tiền ký quỹ, không triển khai xây dựng, buộc UBND tỉnh Quảng Nam ra quyết định thu hồi giấy phép. Kết quả của siêu dự án “chết yểu” này là một khu đất hoang vu.
Tháng 6/2015, UBND tỉnh Quảng Nam đã làm việc với lãnh đạo Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh (Tập đoàn Tuần Châu) và thống nhất để doanh nghiệp này nghiên cứu, xem xét khởi động lại Dự án Bãi Biển Rồng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có nhiều thông tin cụ thể về thời điểm triển khai lại dự án này.
Cũng tại Quảng Nam, một siêu dự án khác cũng “chết yểu” là Dự án Nam Hội An, tổng vốn đầu tư đăng ký 4 tỷ USD.
Với 1.500 héc-ta, dự án mang kỳ vọng lớn của 2 tập đoàn tài chính lớn vào thời điểm đó là Genting Berhad Malaysia và VinaCapital. Thế nhưng, chưa kịp triển khai dự án thì Genting bất ngờ rút khỏi dự án vào tháng 9/2012.
Mặc dù vẫn quyết tâm theo đuổi và rất nỗ lực tìm kiếm nhà đầu tư thay thế, nhưng vì nguồn lực có hạn, VinaCapital đã không thể một mình triển khai được dự án này. Phải đến giữa tháng 9/2015, tức là sau hơn 5 năm nhận được giấy phép, dự án mới rục rịch triển khai lại sau khi Tập đoàn tài chính Chow Tai Fook (Hồng Kông) chính thức tham gia với vai trò cổ đông lớn, cùng quản lý dự án với tập đoàn VinaCapital. Việc chậm triển khai đến 5 năm khiến cho giá trị dự án bị hao mòn khá nhiều.
Ngoài 2 siêu dự án tại Quảng Nam trên, dọc biển miền Trung và miền Nam cũng chứng kiến số phận bi đát của nhiều dự án tỷ đô khác như Thành phố Sáng tạo Nam Phú Yên (Phú Yên), với vốn đầu tư 1,68 tỷ USD; Công viên Thế giới kỳ diệu (Bà Rịa - Vũng Tàu) với số vốn đầu tư 1,3 tỷ USD…
Bóng dáng “lịch sử”?
Sự khó khăn của nền kinh tế, cùng sự trầm lắng của thị trường đã khiến hàng loạt dự án bất động sản phải dừng triển khai, trong đó có không ít dự án bất động sản nghỉ dưỡng tỷ đô. Dọc ven biển miền Trung, có thể dễ dàng chứng kiến cảnh nhiều khu đất vàng bị bỏ hoang do phong trào đầu tư một thời.
Bài học từ quá khứ khiến nhiều chủ đầu tư thận trọng hơn khi quyết định đầu tư vào phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, vốn được ví như cô gái đẹp, nhưng kiêu kỳ, chỉ những đại gia mới dám nhòm ngó.
Tuy nhiên, kể từ cuối 2014, khi thị trường bất động sản phát tín hiệu phục hồi, thanh khoản ở hầu hết phân khúc đều tăng trưởng, trong đó nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng của Vingroup, hay Sun Group hút khách đã thu hút nhiều nhà đầu tư đổ tiền vào phân khúc này.
Các dự án được công bố trong thời gian này có thể kể đến như Dự án Venus Cát Bà của Tập đoàn Giico; Dự án tổ hợp nghỉ dưỡng vịnh Vũng Rô của Liên doanh Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô và Tập đoàn Rose Rock; Dự án The Empire City của CTCP Bất động sản Tiến Phước và Công ty TNHH Bất động sản Trần Thái liên doanh với Denver Power Ltd (Anh)... Tuy nhiên, sau lễ công bố hoành tráng, là sự “án binh bất động” của chủ đầu tư.
Chẳng hạn, Dự án Venus Cát Bà, Giico công bố từ giữa tháng 9/2014, dự kiến sẽ khởi công vào quý IV/2015 và hoàn thành khu biệt thự đầu tiên trong năm 2016. Tuy nhiên, sau lễ công bố hoành tráng cuối năm 2014, dự án này bỗng dưng “mất tích”, bởi hiện đã hết quý I/2016, thông tin mới về dự án này gần như không có.
Cũng có tình cảnh tương tự là siêu Dự án tổ hợp nghỉ dưỡng vịnh Vũng Rô. Dự án này từng gây sốt với thị trường khi có mặt của gia đình tỷ phú Mỹ Rockerfeller. Tuy nhiên, sau khi ra mắt thị trường từ giữa tháng 4/2014, đến nay, dự án này gần như “im hơi lặng tiếng”.
Khá hơn 2 dự án trên, Dự án The Empire City đã được động thổ từ tháng 10/2015, dự kiến thi công các hạng mục chính trong giai đoạn 2016 - 2018 và đến 2022 sẽ hoàn thành toàn bộ dự án.
Tuy nhiên, việc dự án có được triển khai đúng kế hoạch hay không vẫn là dấu hỏi.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com