Những dự án lớn trong kế hoạch cơ sở hạ tầng 1.000 tỷ USD của Trung Quốc

Những dự án lớn trong kế hoạch cơ sở hạ tầng 1.000 tỷ USD của Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trung Quốc đang bơm hàng nghìn tỷ nhân dân tệ vào đầu tư cơ sở hạ tầng, với kỳ vọng có thể giúp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vượt qua sự ảm đạm do đóng cửa vì Covid và rối loạn thị trường bất động sản.

Theo tính toán của Bloomberg dựa trên các thông báo chính thức, Bắc Kinh bơm ra 6.800 tỷ nhân dân tệ (khoảng 1.000 tỷ USD) từ quỹ chính phủ cho các dự án xây dựng.

Trong thời gian tới, đầu tư vào cơ sở hạ tầng có thể thúc đẩy việc làm, mang lại sự cứu trợ cần thiết cho hàng triệu người tìm việc bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế. Về lâu dài, biện pháp kích thích giúp Trung Quốc tham vọng trở thành một nền kinh tế đô thị hóa hơn, có thu nhập cao hơn, có khả năng cạnh tranh tốt hơn với Mỹ trong các lĩnh vực công nghệ cao như chất bán dẫn.

Cho dù các dự án thành công hay không đạt như kỳ vọng thì cũng sẽ giúp xác định triển vọng của Trung Quốc trong những năm tới.

Nhiều năng lượng tái tạo hơn châu Âu

Các sa mạc ở phía Bắc Trung Quốc có thể chứa một nguồn năng lượng tái tạo vô song. Trong những tháng gần đây, việc xây dựng các cơ sở điện gió và năng lượng mặt trời đã được bắt đầu, đến năm 2030, công suất năng lượng tái tạo của Trung Quốc sẽ bằng với toàn bộ châu Âu hiện nay.

Giai đoạn đầu tiên với khoảng 100 GW tua bin và tấm pin mặt trời sẽ được hoàn thành vào năm sau, trong khi một giai đoạn 450 GW khác được bắt đầu trong năm nay.

Tianyi Zhao, nhà phân tích năng lượng mặt trời của Trung Quốc tại BloombergNEF cho biết: “Các cơ sở năng lượng mặt trời và gió là động cơ chính của việc lắp đặt năng lượng tái tạo của Trung Quốc”.

Theo truyền thông Trung Quốc, giai đoạn 2 sẽ tiêu tốn hơn 3.000 tỷ nhân dân tệ (437 tỷ USD). Các đường dây tải điện siêu cao sẽ vận chuyển năng lượng đến vùng biển phía Đông đông dân cư. Công ty lưới điện quốc doanh của Trung Quốc có kế hoạch xây dựng 13 trong số đó trong năm nay.

Theo ANZ, kết hợp đầu tư vào năng lượng tái tạo và truyền tải điện, tổng “đầu tư xanh” của Trung Quốc có thể đạt 2.600 tỷ nhân dân tệ (379 tỷ USD) chỉ trong năm nay.

Đường hầm dẫn nước dài nhất thế giới

Việc xây dựng các kênh, đập và hồ chứa đã được đẩy mạnh với hơn 800 tỷ nhân dân tệ (117 tỷ USD) sẽ được đầu tư vào các dự án này trong năm nay.

Dự án tham vọng nhất là xây dựng một đường hầm dài 200 km chuyển nước từ sông Dương Tử đến một hồ chứa cấp nước cho miền Bắc Trung Quốc, một kế hoạch được gọi là Dự án chuyển nước Nam - Bắc. Đây sẽ là đường hầm dẫn nước dài nhất thế giới, vượt qua đường hầm dẫn nước dài nhất thế giới hiện ở Phần Lan trải dài 120 km.

Theo ước tính của các nhà nghiên cứu tại Đại học Melbourne, các dự án dẫn nước đi khắp Trung Quốc chiếm khoảng 1/3 chi tiêu cho cơ sở hạ tầng cấp nước của nước này. Các dự án được lên kế hoạch có thể làm tăng lượng nước có sẵn để sử dụng ở Trung Quốc lên 122 tỷ m3 hàng năm - tức là gấp khoảng 5 lần lượng nước mà Đức sử dụng mỗi năm.

Các nhà nghiên cứu đã viết trong một báo cáo gần đây: “Trung Quốc đã và đang âm thầm hướng tới một mạng lưới cấp nước tích hợp cao. Một mạng lưới như vậy sẽ cho phép nhà nước Trung Quốc di chuyển nước ở quy mô chưa từng có".

Từ thành phố đầy các tòa nhà bê tông đến các thành phố xanh hơn

Xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị, bao gồm đường đô thị, mạng lưới đường ống dẫn khí đốt, nước và công viên là lựa chọn phổ biến nhất để chi tiêu của các chính quyền địa phương, chiếm phần lớn chi tiêu cho cơ sở hạ tầng của Trung Quốc.

Kế hoạch mới nhất liên quan đến việc liên kết các thành phố hiện tại lại với nhau thành một khu vực duy nhất.

Sau nhiều thập kỷ bê tông hóa tràn lan, trọng tâm đang chuyển sang các thành phố xanh hơn. “Thành phố mới sinh thái hồ Songya” của miền Trung Trung Quốc bắt đầu được xây dựng trong năm nay với chi phí ước tính khoảng 200 tỷ nhân dân tệ, sẽ để lại 70% diện tích cho không gian xanh và nước.

Đó là tỷ lệ các tòa nhà trên không gian tự nhiên tương tự như ở thành phố Tây An đang được xây dựng gần Bắc Kinh, mà các nhà quy hoạch trên khắp đất nước đang lấy làm hình mẫu.

Nhiều hơn hai lần đường sắt cao tốc trên thế giới

Trung Quốc đã có 40.000 km đường sắt cao tốc - gấp hơn hai lần phần còn lại của hành tinh cộng lại - và hàng chục dự án lớn vẫn đang được tiến hành.

Tham vọng nhất là tuyến đường sắt dài 1.629 km từ tỉnh Tứ Xuyên ở phía Tây Nam đến thủ phủ Lhasa của Tây Tạng, leo hơn 3.000 m qua địa hình dễ xảy ra động đất và sông băng. Dự án này dự kiến ​​sẽ hoàn thành vào năm 2030. Tổng chi phí của toàn bộ dự án là khoảng 320 tỷ nhân dân tệ.

Trung Quốc cho biết, họ có kế hoạch có 70.000 km đường sắt cao tốc vào năm 2035, nhưng điều đó thực sự ngụ ý rằng, lượng đường ray được xây dựng mỗi năm đã giảm 40% so với tốc độ đặt ra trong 5 năm qua. Nói cách khác, trong khi Trung Quốc sẽ tiếp tục chi tiêu cho phần còn lại của thế giới vào đường sắt, thì chi tiêu của nước này có thể sẽ giảm dần.

Điều này cũng đúng với đường cao tốc và tàu điện ngầm. Trung Quốc có kế hoạch xây dựng hoặc khôi phục 58.000 km đường cao tốc vào năm 2035, đồng nghĩa với việc tốc độ xây dựng hàng năm đang giảm mạnh so với 5 năm qua. Một tuyến đường đang được xây dựng bao gồm Cầu sông Changtai Yangtze dài 1.176 m, cây cầu treo đường sắt và đường bộ dài nhất thế giới.

Theo Hiệp hội Tàu điện ngầm Trung Quốc, các thành phố Trung Quốc vẫn đang bổ sung các tuyến tàu điện ngầm với tốc độ nhanh chóng, nhưng chi tiêu quốc gia đạt đỉnh vào năm 2020 là 629 tỷ nhân dân tệ (92 tỷ USD).

400 tỷ nhân dân tệ mỗi năm trên các trung tâm dữ liệu

Là một phần trong nỗ lực xây dựng nền kinh tế kỹ thuật số hơn, kế hoạch “Điện toán Đông - Dữ liệu Tây” của Trung Quốc liên quan đến việc xây dựng các trung tâm dữ liệu khổng lồ ở các tỉnh miền Tây nghèo hơn để lưu trữ dữ liệu từ các công ty internet có trụ sở ở miền Đông. Việc xây dựng 8 cụm trung tâm dữ liệu sẽ tiêu tốn khoảng 400 tỷ nhân dân tệ (58 tỷ USD) mỗi năm - phần lớn trong số đó sẽ đến từ các công ty viễn thông nhà nước.

Jeroen Groenewegen-Lau, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator cho rằng, kế hoạch này “thách thức logic thị trường”.

“Chính phủ trung ương xem việc xây dựng trung tâm dữ liệu là một cách để truyền bá lợi ích của nền kinh tế kỹ thuật số ra ngoài các thành phố ven biển phát triển, lợi ích bổ sung là cách ly tốt hơn thị trường nội địa của Trung Quốc khỏi những cú sốc từ bên ngoài”, ông cho biết.

Tin bài liên quan