Dự án Tòa nhà hỗn hợp Thăng Long (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) xây đến tầng thứ 18 thì bị đình chỉ thi công từ tháng 4/2014 đến nay. Dự án được những người mua nhà biết đến với cái tên “nôm” là Chung cư Thăng Long, nhưng vì sao trên giấy tờ lại có tên “Tòa nhà hỗn hợp văn phòng và nhà ở Thăng Long Yên Hòa” là một câu chuyện dài...
Không riêng dự án trên mà rất nhiều dự án bất động sản khác ở Hà Nội cũng có tên gọi phức tạp không kém. Ít người biết rằng, đằng sau sự ra đời của mỗi dự án như vậy là rất nhiều khúc quanh về luật pháp cũng như sự lắt léo trong hành trình thực hiện dự án của chủ đầu tư.
“Đu dây” với luật pháp
Theo hồ sơ thiết kế ban đầu, Dự án Tòa nhà hỗn hợp Thăng Long được Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội phê duyệt phương án kiến trúc và Sở Xây dựng phê duyệt thiết kế cơ sở (những năm 2006 – 2007), với chiều cao chỉ 17 tầng và có chức năng làm văn phòng.
Nhưng sau khi được phê duyệt, chủ đầu tư đã không xây dựng toàn bộ Dự án ngay theo phương án kiến trúc này, mà từng bước tìm phương án nâng chiều cao (từ 17 tầng lên 27 tầng) và thay đổi chức năng của toà nhà (từ văn phòng thành toà nhà hỗn hợp).
Theo ông Trương Văn Đức, Phó giám đốc Công ty TNHH Thăng Long (chủ đầu tư dự án), từ năm 2006, Công ty bị thu hồi đất tại phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy để làm trụ sở Bộ Công an. Sau đó, UBND TP. Hà Nội và UBND quận Cầu Giấy chuyển cho đơn vị này khu đất thuộc Tổ 50, phường Yên Hòa để xây dựng toà nhà văn phòng cao 17 tầng làm trụ sở.
“Từ năm 2008 đến 2010, do nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, việc xây dựng văn phòng làm việc và cho thuê trên khu đất ao lầy, ruộng sâu chưa có cơ sở hạ tầng lại càng gặp nhiều khó khăn. Công ty đã báo cáo UBND TP. Hà Nội xin chuyển một phần diện tích văn phòng sang nhà ở và nâng thêm tầng. Đề nghị này của Công ty TNHH Thăng Long đã được UBND TP. Hà Nội chấp thuận”, ông Đức cho biết.
Theo ông Đức, Giấy chứng nhận đầu tư số 01121000182 do UBND TP. Hà Nội cấp cho Công ty TNHH Thăng Long ngày 11/7/2008, Dự án Tòa nhà hỗn hợp Thăng Long được chấp thuận xây dựng 17 tầng. Theo điểm E, khoản 1, Điều 17, Nghị định 16/2005/NĐ - CP của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng, thì dự án này thuộc diện được miễn giấy phép xây dựng do đã có thiết kế cơ sở được Sở Xây dựng TP. Hà Nội phê duyệt.
Tuy nhiên, có một vấn đề không được ông Đức đề cập là Nghị định 16/2005/NĐ - CP đã hết hiệu lực vào năm 2009 và được thay thế bằng Nghị định số 12/2009/NĐ - CP, trước thời điểm mà Công ty TNHH Thăng Long xin điều chỉnh quy mô và tính chất tòa nhà.
Theo quy định mới, để điều chỉnh quy mô và tính chất xây dựng của Dự án Tòa nhà hỗn hợp Thăng Long, chủ đầu tư phải xin giấy phép xây dựng mới. Đây chính là lý do khiến dự án bị đình chỉ, cắt điện, nước, trục xuất công nhân khỏi công trường từ tháng 4/2014 đến nay.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư ngày 27/8, ông Đức cho biết, chủ đầu tư đang hoàn thành những thủ tục cần thiết để xây dựng công trình trong những tháng tới. Tuy nhiên, thời gian cụ thể thì ông Đức không dám khẳng định.
Tham thì thâm
Trên địa bàn quận Cầu Giấy (Hà Nội), một dự án bất động sản khác cũng bị đình chỉ thi công từ tháng 5/2014 đến nay với lý do không có giấy phép xây dựng. Đó là Dự án chung cư N04B1, Khu đô thị Dịch Vọng, quận Cầu Giấy. Dự án do Công ty cổ phần Phát triển đô thị Từ Liêm (Lideco) làm chủ đầu tư.
Theo quy hoạch mà Lideco cung cấp cho khách hàng trước đây, 2 tòa nhà N04B1 và N04B2 cao 11 tầng nằm cạnh nhau, cách nhau 1 khoảng sân rộng tối thiểu bằng 1/3 chiều cao tòa nhà (Quy chuẩn xây dựng Việt Nam 01:2008/BXD về quy hoạch xây dựng).
Dự án được ép cọc móng (với chiều cao quy hoạch ban đầu là 11 tầng) từ năm 2006 rồi dừng lại. Đến năm 2010, Lideco điều chỉnh thiết kế, tăng mật độ xây dựng, tăng chiều cao tòa nhà từ 11 tầng lên 17 tầng. Đến đầu năm 2014, Lideco thực hiện xây dựng dự án theo phương án mới cao 17 tầng và áp sát tòa nhà N04B2.
Hành động trên của Lideco đã gặp phải sự phản ứng dữ dội từ các hộ dân sống tại tòa nhà N04B2. Theo nhiều hộ dân đang sinh sống tại đây, ngoài việc chủ đầu tư bất chấp quy hoạch, lấn chiếm đất lưu không giữa 2 tòa nhà N04B1 và N04B2, việc xây dựng toà nhà 17 tầng trên hệ cọc thiết kế cho nhà 11 tầng (đã thi công xong từ năm 2006) còn đe dọa nghiêm trọng đến chất lượng các tòa nhà, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp và an toàn sinh mạng của hàng trăm người dân hiện tại và tương lai.
Được biết, Dự án Xây dựng chung cư N04B1sau đó đã bị buộc phải tạm dừng thi công để điều chỉnh quy hoạch và xin giấy phép xây dựng.
Theo những thông tin mà phóng viên Báo Đầu tư có được, trên địa bàn quận Cầu Giấy còn nhiều dự án bất động sản khác như A2 Lâm Viên Complex, 6 dự án thành phần tại Khu đô thị Đông Nam (đường Trần Duy Hưng)... cũng đang phải tạm dừng thi công với lý do tương tự.
Có một thực tế diễn ra tại Hà Nội nhiều năm qua là, trong khi các dự án luôn tìm cách tối đa hóa lợi nhuận từ việc nâng tầng, điều chỉnh quy mô, tính chất dự án, thậm chí là tiến hành xây dựng, mở bán dự án trước khi công trình có giấy phép xây dựng..., thì các chủ đầu tư cũng tự mang lên mình những điểm yếu chí mạng. Đó là việc cơ quan chức năng có thể tiến hành kiểm tra, xử phạt, đình chỉ thi công bất cứ lúc nào...
Cùng với những rủi ro về luật pháp là sự phương hại về uy tín, danh dự của chủ đầu tư. Một khi dự án phải tạm dừng thi công, những kế hoạch kinh doanh như huy động vốn, bán hàng... được chủ đầu tư đề ra trước đó cũng hoàn toàn đổ bể.