Khoản 28 triệu USD đổ vào Ví điện tử MoMo được kỳ vọng sẽ mở màn cho cuộc chơi mới trong thị trường start up Việt

Khoản 28 triệu USD đổ vào Ví điện tử MoMo được kỳ vọng sẽ mở màn cho cuộc chơi mới trong thị trường start up Việt

Những dòng tiền triệu USD bắt đầu chảy vào startup Việt

Thị trường startup Việt đang bước vào chu kỳ thăng hoa khiến những “người chơi” xung quanh thêm phần hứng thú. Song, giới đầu tư vẫn thắt lưng buộc bụng cho đồng vốn của mình.     

Dòng tiền bắt đầu chảy

Hàng loạt dự án khởi nghiệp (start up) được rót vốn đầu tư trong những ngày đầu năm 2016.

Quỹ đầu tư Standard Chartered Private Equity và Ngân hàng Đầu tư toàn cầu Goldman Sachs vừa rót 28 triệu USD vào Công ty cổ phần M-Service, đơn vị sở hữu Ví điện tử MoMo. Quỹ đầu tư CyberAgent Ventures (Nhật Bản) đầu tư vào Jupviec.vn với giá trị không được tiết lộ, nhưng đủ cho kế hoạch mở rộng thị trường của Công ty vào TP. HCM. Quỹ đầu tư Gobi Partners (Singapore) rót 500.000 USD trong vòng gọi vốn ban đầu vào Dự án khởi nghiệp du lịch Triip. 

500 Startups - một quỹ đầu tư mạo hiểm nhiều kinh nghiệm tại Thung lũng Silicon (Mỹ) cũng công bố quyết định sẽ lập riêng một quỹ nhỏ trị giá 10 triệu USD, rót vốn vào khoảng 100 - 150 dự án khởi nghiệp tại Việt Nam. Giá trị mỗi lần hỗ trợ khoảng 100.000 - 250.000 USD.

Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác cũng đang tìm hiểu cơ hội để đầu tư vào start up Việt. Gần đây, người con trai thứ Kim Dong-won của ông Kim Seung-youn, Chủ tịch Tập đoàn Hanwha (tập đoàn lớn thứ 9 tại Hàn Quốc) đã có một chuyến thăm đến TP. HCM để gặp nhiều startup Việt và giới thiệu về chương trình tăng tốc khởi nghiệp (accelerator) mang tên Dreamplus của Hanwha.

Đáng chú ý, Tập đoàn FPT và Quỹ đầu tư Dragon Capital Group đã bắt tay nhau thiết lâp Quỹ tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (Vietnam Innovative Startup Accelerator - VIISA). Quỹ sẽ đào tạo, đầu tư, hỗ trợ các nhóm start up trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mobile, internet, tài chính để trở thành các doanh nghiệp thành công.

VIISA sẽ tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp mới để góp phần thực hiện mục tiêu Bộ Khoa học - Công nghệ đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 5.000 công ty công nghệ. Dự kiến trong quý II này, khóa đào tạo tăng tốc khởi nghiệp đầu tiên của VIISA sẽ chính thức bắt đầu.

Trước đó, FPT đã thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm FPT Ventures với kỳ vọng mang đến cho các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam cơ hội đưa những sản phẩm khởi nghiệp của mình lên tầm cao mới. Hiện Quỹ đã rót vốn trên 1 triệu USD cho các startup trong và ngoài FPT.

Những tín hiệu khởi sắc trên khiến các hạt giống start up thêm nhiều kỳ vọng. Nhưng, câu hỏi giới đầu tư đang chờ đợi điều gì ở họ vẫn chưa dễ trả lời.

Vẫn ngóng thiên thần… nội

Hiện thị trường Việt Nam đã xuất hiện thế hệ nhà đầu tư thiên thần F1. Đó là ông Đinh Anh Huân, đồng sáng lập Thế giới di động, Sáng lập Công ty Seedcom, hiện đang đầu tư hơn 14 startup, như Haravan.com, Tiki.vn, The Coffee House, Juno.vn, Concung.com, Giaohangnhanh.vn, KiotViet.vn…

Nhà đầu tư thiên thần này đang được giới đầu tư đánh giá cao vì đầu tư rất tập trung, hiểu rõ những ngành tiềm năng đó. Nhưng bản thân ông Huân lại chưa thực sự an tâm. Thậm chí, ông chưa vượt qua được luồng ý kiến lo ngại về khả năng thoái vốn khỏi các startup Việt hiện nay gần như bằng không.

“Dù đầu tư thời gian bao lâu, thì nhà đầu tư nào cũng có kế hoạch rút vốn. Trên thế giới, cách duy nhất để thu tiền từ start up về là IPO. Nhưng, ở Việt Nam chưa có công ty công nghệ nào IPO, kể cả các công ty thành công. Làm sao để các quỹ thu hồi vốn để trả cho các nhà đầu tư, đó là chưa kể đến phải đầu tư sinh lời”, ông Huân bày tỏ.

Tại Việt Nam, chưa có khoản đầu tư vào công nghệ nào mà các quỹ đầu tư có thể rút tiền ra. Chính bởi vậy, các nhà đầu tư lọc lõi trên thị trường vốn không lấy làm lạ khi Việt Nam đang hình thành làn sóng khởi nghiệp nhưng cũng chưa sẵn sàng tạo sóng lớn.

Những dòng tiền triệu USD bắt đầu chảy vào startup Việt ảnh 1

Triip.me đã xuất hiện tại 86 quốc gia trên thế giới  

DFJV - một trong những quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tiên trong nước, thuộc VinaCapital liên doanh với Quỹ Draper Fisher Jurvetson (DFJ) của Mỹ vốn chỉ được biết đến những thương vụ đầu tư đếm trên đầu ngón tay, nhưng thời gian qua đã không rót thêm vốn vào một start up nào ở thị trường Việt Nam. Cũng phải nói thêm, trong những khoản đầu tư trước đó, quỹ này chỉ rót từ 1-2 triệu USD cho 1 dự án start up, trường hợp đặc biệt không quá 10 triệu USD.

“Chúng tôi dành tiền để hỗ trợ kịp thời cho các khoản đầu tư trước đây, nếu họ cần để tiếp tục phát triển, sau đó làm họ lớn lên, thì mới đủ thu hút các nhà đầu tư chiến lược để thoái vốn đem lại lợi nhuận”, ông Thân Trọng Phúc, Giám đốc điều hành DFJV cho biết.

"Động thái đổ 28 triệu USD vào Ví điện tử MoMo của Quỹ đầu tư Standard Chartered Private Equity và Ngân hàng đầu tư Toàn cầu Goldman Sachs được kỳ vọng sẽ mở màn cho cuộc chơi mới của những con số giá trị."

Đó là một lý do. Nhưng nguyên nhân chính nằm ở chỗ, quỹ này không tìm được những start up đủ tầm.

“Ngày càng có nhiều bạn trẻ muốn nhảy vào thị trường khởi nghiệp, nhưng số lớn sẽ thất bại. Những món hàng tiềm năng trong vài năm nữa càng hiếm. Nhiều doanh nghiệp đến gặp chúng tôi, nhưng kế hoạch doanh thu của họ phần lớn dự kiến trong vòng 2 - 3 năm tới đạt cao nhất khoảng 5 triệu USD. Con số đó quá nhỏ so với yêu cầu của chúng tôi. Tôi cần start up chứng minh độ khả thi trong vòng 3 năm, doanh thu phải đạt tầm 20 triệu USD”, ông Phúc nói.

Theo ông Phúc, thị trường khởi nghiệp Việt Nam cần đi tìm một cột mốc lớn, với một vài thương vụ đầu tư, thoái vốn trị giá từ 50 triệu USD – 100 triệu USD, gây rúng động tầm khu vực để thu hút sự chú ý của nhà đầu tư quốc tế.

Chính vì vậy, động thái đổ 28 triệu USD vào Ví điện tử MoMo của Quỹ đầu tư Standard Chartered Private Equity và Ngân hàng đầu tư Toàn cầu Goldman Sachs được kỳ vọng sẽ mở màn cho cuộc chơi mới của những con số giá trị.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Trường, Phó chủ tịch Quỹ đầu tư IDG Ventures Việt Nam không chia sẻ về các danh mục khoản đầu tư vào startup thời gian qua. Ngay từ đầu, IDG nhắm tới những ngành tăng trưởng nhanh, có quy mô, tốc độ tăng trưởng thẳng đứng thuộc tiêu dùng, công nghệ , truyền thông và công nghệ thông tin. Hiện Quỹ đang nắm nhiều khoản đầu tư nhất trên thị trường start up Việt Nam, với hơn 40 công ty trong lĩnh vực công nghệ , truyền thông và viễn thông, như Apollo Vietnam, FBNC, Goldsun Focus Media, VC Corp, WebTreTho, Vinabook,TV Plus, TinhVan Media, VietStock, OTC Vietnam, Vinagame…

Theo ông Trường, việc tạo không gian khởi nghiệp cho giới trẻ là một động thái rất tốt, đáp ứng nhu cầu của rất nhiều doanh nghiệp start up, tạo ra nhiều doanh nghiệp tiềm năng cho các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Song, nhà đầu tư này cũng cho rằng, Việt Nam cần thêm rất nhiều start up có chất lượng để cạnh tranh với làn sóng đổi mới nền kinh tế nhờ đổi mới sáng tạo của các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia lân cận. Họ là những đối thủ cạnh tranh trực tiếp thu hút các dòng chảy vốn toàn cầu, thu hút nhân tài và cạnh tranh thị trường tiêu dùng với Việt Nam.

Ông Trường cảnh báo, doanh nhân khởi nghiệp, nhất là các bạn trẻ tránh ảo tưởng về thành công nhanh chóng, như đã từng xảy ra và đã thất bại trong quá khứ. Ngoài ra, muốn cả nền tảng khởi nghiệp thành công, ngoài các start up và các không gian hỗ trợ, cần hệ thống chính sách, nguồn nhân lực chất lượng cao, thị trường vốn đầy đủ cho khởi nghiệp. Điều này thì cần nhiều thời gian.

Không phải từ khóa của thời thượng

Một quy luật đơn giản là khi có càng nhiều start up, cơ hội đầu tư sẽ nhiều hơn. Nhưng, trong làn sóng khởi nghiệp mới này, quy luật đó chưa lộ sáng.

Trong khi các thế hệ khởi nghiệp trước đã thành công theo chiều rộng, xây dựng các mô hình kinh doanh cơ bản cho số đông người dùng ở Việt Nam, thì làn sóng khởi nghiệp mới sẽ có xu hướng chiều sâu, tạo ra nhiều sản phẩm dịch vụ chuyên biệt hơn, hoặc phục vụ số đông một cách sáng tạo đặc biệt hơn. Ngoài ra, xu hướng đi xa hơn, hướng ra bên ngoài, sản phẩm trực tiếp phục vụ thị trường toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực internet và mobile.

"“Thị trường Việt Nam ngày càng lớn nhưng khó đạt được đột phá, nếu có chiến lược phát triển manh mún. Bao giờ mức GDP Việt Nam đạt tới 10%/năm thì mới có tăng trưởng cỡ lớn. Ít có nhà đầu tư nào trên thế giới chờ đợi được 10 năm để được thoái vốn”, ông Thân Trọng Phúc, Giám đốc điều hành DFJV nói."

Đáng chú ý, các mô hình kinh doanh hiện nay có tốc độ bị thay thế nhanh hơn, không chỉ do sức ép cạnh tranh trong nước mà cả với nước ngoài.

“Thách thức đối với start up hiện nay là mức độ đổi mới sáng tạo đòi hỏi càng nhiều hơn và nhanh hơn thì mới bắt kịp với thế giới và thu hút dòng tiền đầu tư chảy về Việt Nam thay vì chảy về các nước bên cạnh. Về phía cầu của start up là các nhà đầu tư, Việt Nam cũng cần đến nhiều loại nhà đầu tư, nhiều hình thức đầu tư hơn so với thời kỳ trước, đặc biệt là các nhà đầu tư thiên thần và các định chế đầu tư hình thành từ Việt Nam chứ không chỉ chờ đợi vào các quỹ đầu tư có yếu tố nước ngoài”, ông Trường cho biết.

Hiện, thị trường start up ở Việt Nam nhỏ và phân tán. Có rất nhiều doanh nghiệp start tup cùng hoạt động trong một lĩnh vực, tranh nhau miếng bánh thị phần nhỏ, như thương mại điện tử, truyền thông… Trong khi đó, ở lĩnh vực viễn thông có nhiều doanh nghiệp lớn muốn thống lĩnh thị trường, chưa có thói quen mua lại doanh nghiệp cùng ngành để tăng giá trị nhà mạng mà họ lại tự thành lập công ty vệ tinh kinh doanh dịch vụ giá trị gia tăng, cạnh tranh lẫn nhau.

“Thị trường Việt Nam ngày càng lớn nhưng khó đạt được đột phá, nếu có chiến lược phát triển manh mún. Bao giờ mức GDP Việt Nam đạt tới 10%/năm thì mới có tăng trưởng cỡ lớn. Ít có nhà đầu tư nào trên thế giới chờ đợi được 10 năm để được thoái vốn”, ông Phúc nói.

Mặc dù vậy, với DFJV, các start up trong lĩnh vực thương mại điện tử vẫn là những khoản đầu tư sinh lời hiện nay ở thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, để tốc độ giải ngân đạt như kỳ vọng và đa dạng hoá món ăn, quỹ này sẽ bổ sung danh mục đầu tư vào startup truyền thông, logistics, bán lẻ, thực phẩm, thủy sản, dịch vụ du lịch, hàng không nếu có áp dụng công nghệ hoặc họ đang cần thay đổi bằng công nghệ để phát triển mạnh hơn.

Theo các nhà đầu tư, tại một thời điểm luôn có những nhà đầu tư khác nhau quan tâm đến các lĩnh vực khác nhau và có những chiến lược đầu tư cụ thể cho mỗi thị trường khác nhau. Các startup không nên bị ảnh hưởng bởi những từ khóa thời thượng như nền kinh tế chia sẻ, internet of things, fintech, edtech, healthtech để cố gắng chạy theo xu thế nếu như sở trường của mình không thực sự phù hợp với những xu thế đó.

“Họ cần tìm ra vấn đề mình giải quyết giỏi nhất với những sản phẩm có tính sáng tạo nhất phù hợp với khả năng và điểm mạnh của chính mình chứ không nên chạy theo xu thế tức thời. Những doanh nghiệp thành công nhất luôn là những doanh nghiệp tạo ra xu thế hay làm sống lại những xu hướng tưởng chừng bị bỏ quên, trong sân chơi cạnh tranh lớn này “vuốt đuôi” xu thế không bao giờ đảm bảo thành công”, ông Trường nói.

Tin bài liên quan