Tập đoàn Bảo Việt hoạt động ở cả 2 mảng bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ, các ông đánh giá ra sao về những tác động của môi trường kinh tế tới hoạt động kinh doanh bảo hiểm năm 2013?
Năm 2013 là năm thứ hai liên tiếp GDP của Việt Nam tăng trưởng thấp nhất trong vòng 13 năm qua (tăng trưởng chỉ đạt 5,3%).
Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ gặp nhiều khó khăn do tăng trưởng kinh tế thấp, đầu tư công bị thắt chặt, đầu tư xã hội giảm, DN kinh doanh khó khăn, nợ phí bảo hiểm cao, trục lợi bảo hiểm gia tăng.
Năm 2013 cũng là năm có nhiều sự kiện bảo hiểm xảy ra gây tổn thất lớn như tổn thất trong bảo hiểm nông nghiệp (bảo hiểm tôm), các cơn bão số 10, số 11, các vụ cháy nổ của nhà máy da giầy Pouchen, pháo hoa Z21...
Do vậy, tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm dự kiến chỉ đạt 7 - 8%, thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Các nghiệp vụ bảo hiểm tàu, cháy nổ và hàng không, mức tăng trưởng giảm so với năm 2012. Do khó khăn từ khu vực DN, một số công ty bảo hiểm phi nhân thọ đang chuyển hướng khai thác phân khúc bán lẻ và bước đầu đạt được kết quả khả quan.
Các nghiệp vụ như bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người, bảo hiểm xe cơ giới dự kiến lần lượt tăng trưởng 27% và 10% so với năm 2012.
Đối với thị trường bảo hiểm nhân thọ, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, mặt bằng lãi suất giảm mạnh, lạm phát ổn định dưới một con số, người dân thắt chặt chi tiêu và gia tăng tiết kiệm… là những yếu tố giúp tăng sức cầu.
Tổng doanh thu phí dự kiến tăng trưởng 15 - 17%. Bên cạnh đó, nỗ lực của các DN bảo hiểm nhân thọ trong phân phối sản phẩm, dịch vụ vào khu vực dân cư cũng là yếu tố hỗ trợ thị trường tăng trưởng ổn định.
Chắc hẳn các DN bảo hiểm lớn như Bảo Việt cũng chịu ảnh hưởng của những tác động kể trên?
Đúng vậy, Bảo Việt cũng chịu ảnh hưởng của các tác động tương tự đối với hầu hết mảng hoạt động kinh doanh. Nhận định tình hình kinh tế có nhiều khó khăn, Bảo Việt đã cùng với cổ đông chiến lược Sumitomo Life tập trung thực hiện chiến lược kinh doanh với thông điệp “Mở rộng tầm nhìn”, với trọng tâm tăng cường phát triển thị trường, sản phẩm và hệ thống kênh phân phối.
Kết thúc năm 2013, dự kiến mức tăng trưởng tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ của Bảo Việt đạt khoảng 15%, mức tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 7%. Một số kênh phân phối mới đã thu được kết quả khả quan, ví dụ Bảo hiểm Bảo Việt đạt 180 tỷ đồng doanh số trong lĩnh vực bảo hiểm bancassurance, tăng 28,5% so với năm 2012.
Thị trường bảo hiểm năm 2014 trong nhận định của ông sẽ thế nào?
Năm 2014, dự báo tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế ở mức 5,4 - 5,6%. Với mức tăng trưởng kinh tế trên, thị trường bảo hiểm có thể duy trì tốc độ tăng trưởng như năm 2013. Dự kiến, doanh thu trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 7 - 8%, doanh thu bảo hiểm nhân thọ tăng 14 - 15%.
Khó khăn, nhưng chắc hẳn sẽ có những điểm sáng. Đâu là động lực mới cho thị trường trong năm 2014, theo ông?
Những yếu tố là động lực mới cho sự tăng trưởng trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ năm 2014 là việc triển khai các dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện, triển khai các sản phẩm bảo hiểm nhóm đối với DN, phát triển thêm các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe và y tế.
Trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, các DN sẽ tập trung hơn vào đa dạng hóa kênh phân phối, tăng cường triển khai bảo hiểm cho lĩnh vực dân cư. Ngoài ra, xu hướng lạm phát ổn định, lộ trình mở cửa thị trường theo cam kết WTO, tiến trình thoái vốn tại các DN bảo hiểm của các tổng công ty/tập đoàn kinh tế nhà nước, hoạt động tái cơ cấu thị trường bảo hiểm... sẽ góp phần giúp thị trường phát triển ổn định và bền vững hơn.
Đối với Bảo Việt, năm 2014, Tập đoàn sẽ tập trung triển khai các hoạt động hướng tới chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày thành lập (15/1/1965 - 15/1/2015) với thông điệp “Vì những niềm tin của bạn”. Tập đoàn sẽ thực hiện chiến lược phát triển đã đặt ra tới năm 2015, trong đó tiếp tục thực hiện chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng tập trung, nhằm tăng cường chuyên môn hóa, nâng cao năng suất lao động, hoàn thiện mô hình quản trị, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm mới, dịch vụ chất lượng; đa dạng hóa kênh phân phối; tăng cường hợp tác nội bộ, bán chéo sản phẩm để thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững và phát triển thị phần nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng, nhà đầu tư.