Những dòng chảy nhân sự cấp cao ngân hàng vẫn tiếp diễn

Những dòng chảy nhân sự cấp cao ngân hàng vẫn tiếp diễn

(ĐTCK) Nhân sự cấp cao ngành ngân hàng biến động mạnh trong mùa ĐHCĐ năm nay và không ít nhà băng đã “thay máu” ở các vị trí chủ chốt từ Chủ tịch HĐQT đến ghế “nóng” tổng giám đốc điều hành.

Sự thay đổi này khiến không ít cổ đông lo ngại rằng, liệu người mới đến có “thồi” được làn gió mới trước bối cảnh khó khăn hiện nay, nhất là khi hoạt động của ngành còn nhiều thách thức.

Liên tục thay tướng

Mùa ĐHCĐ ngân hàng năm nay đã để lại dấu ấn khá lớn với cổ đông cũng như giới đầu tư tài chính khi không ít nhà băng thay tướng. “Ghế nóng“ Chủ tịch HĐQT của nhiều ngân hàng cũng đứng trước nguy cơ lung lay khi làn sóng M&A đang dần sôi động trước chủ trương tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc ngành của NHNN. Thay tướng đang trở thành câu chuyện phổ biến.

Ngày 25/3, ĐHCĐ Sacombank đã thông qua việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT của ông Phạm Hữu Phú sau 2 năm ông Phú ngồi vào ghế nóng của Sacombank. Người thay thế là ông Kiều Hữu Dũng, trở thành tân Chủ tịch HĐQT Sacombank kể từ ngày 25/3.

Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, kể từ khi nhóm cổ đông lớn thâu tóm Sacombank đến nay chưa đầy 3 năm, nhưng ghế Chủ tịch HĐQT của ngân hàng này đã liên tục đổi chủ. Cụ thể, cuối năm 2011, khi nhóm cổ đông lớn thâu tóm thành công Sacombank, ông Đặng Văn Thành phải rút khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT, nhường chỗ cho người kế nhiệm là ông Phạm Hữu Phú. Sau hơn hai năm điều hành với khá nhiều tuyên bố quan trọng, ông Phú cũng rời vị trí này.

Ông Phú được xem là đại sứ của Eximbank và nhóm cổ đông lớn tại Sacombank. Vì thế, ngay sau khi từ nhiệm vị trí cao nhất tại Sacombank, ông Phú đã trở lại Eximbank.

Có thể nói, Sacombank là một trong những ngân hàng đã có sự thay đổi đáng kể về nhân sự ở các vị trí chủ chốt trong thời gian ngắn vừa qua, kể cả chủ tịch và tổng giám đốc. Nhưng điểm tích cực là kết quả hoạt động của ngân hàng này vẫn khả thi trước biến động lớn của cấp nhân sự vị trí chủ chốt.

Trao đổi với báo giới bên lề ĐHCĐ Sacombank ngày 25/3, ông Phú cho biết: “Tuy chỉ điều hành Sacombank trong thời gian không dài, nhưng ông cũng đã phần nào cảm nhận được văn hóa và những con người đang làm việc, cống hiến tại Sacombank”. Ông Phú cũng cho rằng, Sacombank có bộ máy hoạt động và quả trị điều hành khá tốt.

Dù vậy, sự tích cực về kết quả kinh doanh cũng không thể nào xóa đi những lo ngại của nhiều cổ đông Sacombank. Không ít ý kiến của cổ đông tại ĐHCĐ cho rằng, chính sự thay đổi nhiều về nhân sự vị trí chủ chốt trong thời gian ngắn đã phần nào khiến họ đặt dấu hỏi về bộ máy điều hành của Ngân hàng, đặc biệt là khi Sacombank lên kế hoạch sáp nhập Southern Bank.

Tân Chủ tịch HĐQT Sacombank, ông Kiều Hữu Dũng cho rằng, việc sáp nhập là tất yếu khi Sacombank có nhu cầu phát triển ngày một lớn mạnh hơn. Tuy nhiên, các cổ đông cho rằng, đó chẳng qua chỉ là con đường để gia đình ông Trầm Bê (một nhóm cổ đông đang nắm giữ tỷ lệ chi phối khá lớn trên 6% tại Sacombank và hơn 20% tại Southern Bank) chống được sở hữu chéo và dễ bề quản lý khi về chung một mái nhà. Mặt khác, Southern Bank là một trong những ngân hàng yếu kém, nợ xấu được đánh giá cao hơn nhiều so với mức công bố 4% đến cuối năm 2013, nên không còn giải pháp nào khác là phải tự nguyện sáp nhập vào Sacombank.

Ngoài Sacombank, mùa ĐHCĐ ngân hàng năm nay còn có không ít ngân hàng thay máu ở các vị trí nhân sự chủ chốt. Ngày 17/3, tại ĐHCĐ SCB, nguyên Chủ tịch HĐQT của nhà băng này là bà Nguyễn Thu Sương cũng được thông qua đơn từ nhiệm với lý do cá nhân. Ông Đinh Văn Thành được bầu vào chức danh Chủ tịch HĐQT SCB nhiệm kỳ 2012 -2017 thay cho bà Sương.

Việc bà Sương rời vị trí Chủ tịch HĐQT SCB cũng khiến không ít người bất ngờ, vì bà là người gắn bó với SCB kể từ những ngày đầu hợp nhất ba ngân hàng (Ficombank, TinNghiaBank, SCB) thành Ngân hàng hợp nhất SCB, đồng thời, bà cũng là người đã trải qua không ít khó khăn trong giai đoạn ngân hàng này tái cấu trúc.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Dũng, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. HCM, việc thay đổi của SCB, kể cả bộ máy quản trị và các mặt hoạt động, trong giai đoạn tái cấu trúc được xem là yếu tố tích cực để tăng trưởng về sau này. Đồng thời, sau khi rời ghế “nóng” bà Sương vẫn có thể ở lại với vai trò cố vấn cho HĐQT.

Sau kỳ ĐHCĐ ngày 27/3, NamA Bank cũng có Chủ tịch HĐQT mới. Cụ thể, Ngày 27/3, ĐHCĐ NamA Bank đã thông qua việc miễn nhiệm bà Nguyễn Thị Xuân Loan, nguyên Chủ tịch HĐQT NamA Bank vì lý do cá nhân và bầu bổ sung ông Nguyễn Quốc Toàn, người trước đó đang kiêm nhiệm một loạt chức danh quan trọng như Phó chủ tịch công ty TNHH Hoàn Cầu, Tổng giám đốc Hoàn Cầu Nha Trang, Chủ tịch HĐQT CTCP Hoàn Vũ Sài Gòn, Chủ tịch CTCP XNK Lâm Thủy sản Bến Tre. Ông Nguyễn Quốc Toàn, sinh năm 1970, đang sở hữu 5% vốn điều lệ của NamA Bank.

Cùng với việc thay đổi Chủ tịch, HĐQT NamA Bank cũng miễn nhiệm thêm 2 thành viên HĐQT khác xin từ nhiệm HĐQT kỳ 2011 - 2016 bao gồm ông Huỳnh Thanh Chung (Phó Chủ tịch HĐQT NamA Bank), ông Trần Anh Tuấn (Thành viên HĐQT) và bầu bổ sung ông Trần Ngô Phúc Vũ, Tổng giám đốc NamA Bank vào thành viên HĐQT mới.

Không chỉ các nhà băng trên mà nhiều ngân hàng đang quá trình thương thảo, đàm phán hoàn tất các thương vụ M&A cũng hứa hẹn thay đổi lớn về nhân sự chủ chốt. Theo đánh giá của ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, nhân sự ngân hàng sẽ còn biến động mạnh trước làn sóng M&A.

Chủ tịch HĐQT chỉ là người làm thuê?

Nếu như vị trí chủ tịch HĐQT thường ược dành cho người chủ thực sự của ngân hàng, thì trong tình thế hiện nay, không ít chủ nhà băng đã thuê người... đóng thế. Câu chuyện này xem ra không còn mới, nhưng lại khá bất ngờ trong mùa ĐHCĐ năm nay khi có sự chuyển đổi giữa người mới và người cũ. Dù tất nhiên, phía sau những chủ tịch làm thuê này, vẫn có bóng dáng của những người cầm trịch lớn hơn.

Chẳng hạn, tại Sacombank, tân Chủ tịch HĐQT chính là Phó Chủ tịch HĐQT (thành viên HĐQT độc lập của Sacombank từ năm 2012). Trước đó, ông Phạm Hữu Phú, nguyên Chủ tịch HĐQT Sacombank cũng từng tuyên bố không nắm giữ một cổ phiếu nào của Sacombank. Ông Phú được xem là đại sứ của Eximbank khi ngân hàng này mua lại tỷ lệ gần 10% cổ phần Sacombank do ANZ chuyển nhượng.

Trên thực tế, câu chuyện về người “đóng thế” cũng đã được một vài ngân hàng áp dụng. Chẳng hạn, tại ACB trước khủng hoảng  năm 2010, vị trí Chủ tịch HĐQT cũng không phải là cổ đông lớn của Ngân hàng. Tuy nhiên, bóng dáng người chủ phía sau lại là những đại gia khá kín tiếng trong ngành ngân hàng.

Câu chuyện này có thể dễ nhận thấy ngay tại Sacombank, khi ai cũng có thể nhận thấy, quyền lực của đại gia “bí ẩn” Trầm Bê tại ngân hàng này. Mặc dù không giữ ghế Chủ tịch HĐQT, nhưng quyền lực điều hành của ông Bê tại Sacomank khá lớn. Sau khi trở thành cổ đông của Sacombank, ông Bê đã điều động lượng lớn nhân sự từ Southern Bank qua Sacombank, do đó việc sáp nhập giữa 2 ngân hàng này được xem là đã được ấn định trước. Vấn đề còn lại chỉ là thời gian.

Ông Cao Sỹ Kiêm cho rằng, việc các chủ tịch HĐQT không nắm giữ cổ phiếu nào của ngân hàng xem ra không còn ít khi gần đây, nhiều người ngồi vị trí này đã thẳng thừng tuyên bố điều này. Chủ tịch HĐQT là người đại diện theo pháp luật của Ngân hàng TMCP và được ghi trong Điều lệ Ngân hàng TMCP. Tuy nhiên, theo ông Kiêm, Chủ tịch HĐQT cũng chưa hẳn đã là người nhiều vốn nhất. Vì pháp luật chỉ quy định Chủ tịch HĐQT do HĐQT bầu ra mà không hề nói người được bầu đó là ai, có phải là người nhiều vốn nhất hay không, nhưng trước khi được bầu vào Chủ tịch HĐQT, cổ đông đó phải là thành viên HĐQT.

“Cũng có thể, các thành viên trong HĐQT sẽ bầu cổ đông có năng lực điều hành và khả năng quyết đoán cao, cho dù tỷ lệ sở hữu có thấp hơn các cổ đông khác. Còn Luật các TCTD không quy định về việc người được chọn làm chủ tịch HĐQT ngân hàng phải nắm tối thiểu bao nhiêu phần trăm cổ phần. Đó cũng là lý do hiện nay có một số thành viên HĐQT độc lập ở một số ngân hàng, với vai trò thành viên HĐQT giám sát hoạt động”, ông Kiêm cho nói và cho rằng, có thể sau khi được HĐQT bầu chọn vị trí chủ tịch, HĐQT ngân hàng đó sẽ trình lên NHNN xét duyệt chấp thuận việc bầu chủ tịch HĐQT của các ngân hàng hoặc trình NHNN trước khi bầu chủ tịch HĐQT.

Làn sóng biến động nhân sự cấp cao trong lĩnh vực ngân hàng được dự báo sẽ còn “nóng” trong những ngày tới khi mùa ĐHCĐ thường niên năm 2014 chưa kết thúc. Đáng chú ý là khi hoạt động M&A ngành ngân hàng đang diễn ra mạnh mẽ thì biến động nhân sự càng lớn. Thực tế, sau khi sáp nhập, hợp nhất, các vị trí chủ chốt trong HĐQT, ban điều hành đều được thay đổi hoàn toàn như đã từng xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB); Ngân hàng hợp nhất PVcomBank.                 

Tân chủ tịch theo lẽ thông thường thì thường là người có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động tài chính, nhưng giờ đây, điều này cũng chưa hẳn còn đúng. Còn nhớ, ĐHCĐ KienLong Bank năm qua đã bầu ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT CTCP Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), đồng thời là Chủ tịch HĐQT CTCP Gạch Đồng Tâm vào vị trí Chủ tịch HĐQT KienLong Bank.

Việc “bầu” Thắng trở thành chủ tịch HĐQT của một ngân hàng đã thu hút sự quan tâm và chú ý của dư luận, nhất là với giới tài chính. Lý do là bởi trước khi ĐHCĐ KienLong Bank thông qua việc “bầu” Thắng trở thành tân Chủ tịch HĐQT, trên thị trường xuất hiện nhiều thông tin liên quan đến khả năng KienLong Bank sẽ hợp nhất hoặc sáp nhập với một ngân hàng khác. Tuy nhiên, phía KienLong Bank phủ nhận.

Dù vậy, với mức vốn điều lệ hiện có chỉ mới đạt mức tối thiểu 3.000 tỷ đồng, dự báo đây sẽ là áp lực với KienLong Bank khi đòi hỏi Ngân hàng phải tăng năng lực tài chính để có thể đứng vững trong cạnh tranh.

M&A trong lĩnh vực ngân hàng đang dần nóng lên trước sức ép tái cấu trúc hoạt động của ngành sẽ là nguyên nhân chính khiến các ngân hàng phải thay “tướng”. Trong đó, người mới chủ yếu đến từ việc mua lại cổ phần của ngân hàng, với tỷ lệ lớn để nắm quyền chi phối. Ngược lại, nhà băng nhỏ sau khi có cổ đông chiến lược sẽ củng cố năng lực tài chính, đáp ứng quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu theo yêu cầu của Chính phủ, NHNN.              

Bài viết này nằm trong Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2014, do Báo Đầu tư Chứng khoán - Báo Đầu tư xuất bản ngày 5/5/2014. Tinnhanhchungkhoan.vn sẽ lần lượt đăng tải bài viết của Đặc san này trong thời gian tới.

Quý vị độc giả có thể theo dõi tất cả các bài viết trong Đặc san tại:Toàn cảnh ngân hàng Việt Nam 2014: “Đón vận hội mới”

Tin bài liên quan