Sun Life vào thị trường Việt Nam theo cách rất truyền thống

Sun Life vào thị trường Việt Nam theo cách rất truyền thống

Những đồn đoán thay tên đổi họ ngành bảo hiểm 2017

M&A các doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam một cách trực tiếp khó xảy ra, nhưng các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam vẫn liên tiếp thay đổi do tác động từ những thương vụ M&A toàn cầu.

Theo báo cáo mới đây của Trung tâm Bảo hiểm Insurance Intelligence Center (IIC) thuộc Timetric, hoạt động thâu tóm và sáp nhập (M&A) ngành bảo hiểm  thế giới đã diễn ra rất mạnh mẽ trên toàn cầu trong năm 2015 và sẽ vẫn tiếp diễn trong giai đoạn 2016-2017.

Những thương vụ M&A từ cấp tập đoàn hay cấp vùng đã có những ảnh hưởng nhất định đến chiến lược phát triển của các công ty bảo hiểm trực thuộc tại các thị trường địa phương.

Thị trường bảo hiểm Việt Nam cũng không ngoại lệ, vẫn có những đồn đoán về việc thay tên đổi họ của những tên tuổi còn nhỏ bé.

Bảo hiểm Nhân thọ: những thương vụ đình đám

Đầu tháng 11/2016, Tập đoàn Sun Life thông báo đã chính thức hoàn tất thương vụ chuyển nhượng 25% cổ phần còn lại của PVI Sun Life từ Công ty cổ phần PVI sau khi được sự chấp thuận của cơ quan quản lý. Sun Life cũng chính thức thông báo việc thay đổi tên PVI Sun Life thành Sun Life Việt Nam, tương ứng với tư cách pháp nhân mới là công ty thành viên thuộc sở hữu hoàn toàn của Sun Life.

Chiến lược mua từng phần và tiến tới sở hữu 100% có lẽ đã nằm trong kế hoạch của tập đoàn này khi chính thức bắt tay với PVI thành lập công ty liên doanh PVI Sunlife vào năm 2013 với số cổ phần tương ứng là 49 và 51%. Các bước đi được tiến hành rất nhanh chóng.

Cuối năm 2015, Tập đoàn Tài chính Sun Life thông báo đạt được thỏa thuận về việc Sun Life tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại PVI Sun Life (PVI Sun Life), từ 49% lên đến 75% thông qua việc mua lại 26% cổ phần từ  PVI. Và chỉ một năm sau, Sun Life đã hoàn tất các thủ tục sở hữu 100% vốn cho công ty con tại Việt Nam.

Nói là đã lên “kế hoạch từ trước” bởi phản ứng của thị trường là không bất ngờ, thực tế thì phương án liên doanh là cách “đi tắt” không mới để các tập đoàn tài chính nhanh chóng có mặt tại thị trường “muốn tới”.

Một cách đi khác nhưng có cùng kết quả, FWD thuộc Tập đoàn Pacific Century đã mua lại Great Eastern Việt Nam, công ty con của Tập đoàn Great Eastern (Singapore). Chiến lược “mua đứt bán đoạn” để thâm nhập thị trường còn được Pacific Century áp dụng ở nhiều thị trường khác như Hồng Kông, Ma Cao, Thái Lan và mới đây là mua lại Công ty AIG tại Nhật Bản…

Ông Huỳnh Thanh Phong, Tổng giám đốc điều hành FWD cho biết, ngay từ khi FWD ra đời, Tập đoàn xác định khu vực châu Á và đặt biệt là Đông Nam Á (ASEAN) sẽ là thị trường nòng cốt để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh.

“Hiện nay, chúng tôi đang phát triển rất nhanh chóng ở Thái Lan, Hồng Kông, Indonesia, Philipines và vừa rồi là Singapore… Việt Nam là thị trường lớn trong ASEAN với hơn 90 triệu dân nên chúng tôi mong muốn có mặt ở thị trường này càng sớm càng tốt”, ông Phong nói.

“Mặc dù Great Eastern Việt Nam có thị phần không lớn nhưng họ cũng đã thiết lập được bộ máy với hệ thống hạ tầng có sẵn, mua lại Great Eastern Việt Nam giúp chúng tôi rút ngắn thời gian khoảng 3-4 năm để phát triển nhanh chóng tại Việt Nam”.

Cùng với 2 thương vụ M&A đình đám kể trên, thị trường M&A bảo hiểm Việt Nam thời gian qua cũng chứng kiến sự thay đổi về tên tuổi một thương hiệu khi tháng 10/2015, ACE - một trong những tập đoàn bảo hiểm tài sản và thương vong đa ngành hàng đầu thế giới, và Tập đoàn bảo hiểm Chubb - một “thương hiệu Mỹ” nổi tiếng với lịch sử hoạt động trên 130 năm, đã đi đến thỏa thuận sáp nhập thành một tập đoàn bảo hiểm lớn thứ 4 toàn cầu (tính theo giá trị thị trường) mang tên Chubb.

Những đồn đoán thay tên đổi họ ngành bảo hiểm 2017 ảnh 1

Tháng 4/2016, ACE Life chính thức đổi tên thành Chubb Life tại thị trường Việt Nam với bộ nhận diện thương hiệu mới, khép lại giai đoạn cuối cùng của thương vụ M&A lớn.

Hoạt động M&A được nhìn nhận sẽ là xu hướng khó cưỡng để các công ty bảo hiểm tăng vốn cũng như tăng sức mạnh, mở rộng thị trường, thị phần và chỉ cần “thiên thời địa lợi nhân hòa” là thị trường lại có thể có thêm những thương vụ M&A mới.

Chia sẻ về xu hướng mua bán sáp nhập trong ngành bảo hiểm tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới, ông Hùynh Thanh Phong nói rằng, đại đa số các công ty bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam đều là các tập đoàn tài chính bảo hiểm nổi tiếng trên thị trường thế giới với kinh nghiệm và sức mạnh tài chính dồi dào nên khả năng mua bán lại giữa các công ty này tại thị trường Việt Nam là rất ít.

“Hiếm hoi cũng có một vài tập đoàn như Great Eastern thay đổi chiến lược và đó chính là cơ hội cho những tập đoàn như FWD, nhưng thực sự những cơ hội này không nhiều”, ông Phong nhìn nhận.

Theo các chuyên gia trong ngành, nếu có M&A đối với bảo hiểm nhân thọ tại thị trường nhân thọ Việt Nam thì xu hướng “mua đứt bán đoạn” sở hữu 100% vốn sẽ được ưu tiên lựa chọn hơn xu hướng liên doanh như giai đoạn trước đây. Vì nhiều yếu tố, sự phát triển còn khá mờ nhạt của các liên doanh bảo hiểm nhân thọ tại thị trường Việt Nam khiến hình thức này không được các Tập đoàn tài chính ưa chuộng.

“Các liên doanh hay các công ty bảo hiểm nhân thọ có thị phần còn quá nhỏ cũng đang là đích ngắm của các tập đoàn tài chính lớn trên thế giới”, một nguồn tin trong ngành cho biết.

Bảo hiểm phi nhân thọ liệu có những đổi thay?

Suốt một thời gian dài và đến tận thời điểm này, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ vẫn đồn đoán thông tin một tập đoàn tài chính lớn có trụ sở tại châu Á sẽ mua lại một công ty bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.

Dù thông tin này mới chỉ được chia sẻ trong giới bảo hiểm, chưa có bên liên quan nào lên tiếng chính thức, nhưng thực tế ngay cả khi không có thương vụ đồn đoán đình đám này, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ thời gian qua cũng đã có nhiều làn sóng M&A.

Sau thương vụ Tập đoàn IAG của Úc mua hơn 60% cổ phần của bảo hiểm AAA và chính thức chuyển AAA thành công ty thành viên của tập đoàn này, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ còn chứng kiến nhiều thương vụ bắt tay hợp tác với đối tác ngoại khác. Chẳng hạn, việc PTI bán cổ phần cho nhà đầu tư Dongbu Hàn Quốc hay BIC bán cổ phần cho FairFax Asia Limited, một công ty con thuộc sở hữu toàn bộ của Fairfax Financial Holdings, hãng bảo hiểm và tái bảo hiểm toàn cầu có trụ sở tại Canada….

Thương vụ PTI bán thành công 30 triệu cổ phiếu cho khách Dongbu Hàn Quốc cũng là một trong 7 thương vụ chuyển nhượng hiệu quả nhất trên thị trường M&A. Đầu tư ra nước ngoài là chiến lược lâu dài của Dongbu và thị trường trọng điểm chính là thị trường châu Á. Khi đầu tư vào PTI, mục tiêu đầu tiên của nhà đầu tư này là tăng cường hiệu quả hoạt động của PTI hơn là việc gia tăng sở hữu.

Không chỉ có BIC hay PTI mà hầu hết các công ty bảo hiểm trong khối phi nhân thọ như Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo hiểm PVI, Bảo hiểm Bảo Minh… đều đã có đối tác chiến lược là nhà đầu tư ngoại. Dù tỷ lệ sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư này trong mỗi doanh nghiệp là khác nhau nên việc chi phối hay quyền biểu quyết cũng khác nhau, nhưng mục tiêu giải bải toán tăng vốn, áp lực mở rộng thị trường… đã được thực hiện. Quan trọng hơn, sự hợp tác này giúp các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước tận dụng kinh nghiệm của đối tác nước ngoài để nâng cao nghiệp vụ và khả năng phục vụ khách hàng. Chính vì thế, xu hướng bán cổ phần hay nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty bảo hiểm phi nhân thọ sẽ còn tiếp tục.

Với tỷ lệ sở hữu 35% cổ phần BIC, FairFax đã đề cử và giới thiệu nhân sự tham gia HĐQT và Ban kiểm soát của BIC.

“Mục tiêu của FairFax là sẽ đưa BIC trở thành 1 trong 5 công ty bảo hiểm hàng đầu tại Việt Nam trong 5 năm tới. Vì vậy, ngoài việc mua cổ phần của BIC với giá cao hơn giá thị trường rất nhiều, FairFax đã ký với BIC một hợp đồng hỗ trợ kỹ thuật toàn diện nhằm giúp BIC nâng cao năng lực cạnh tranh trong kinh doanh bảo hiểm và đầu tư tài chính. Những hành động cụ thể của FairFax đối với BIC thời gian qua đã khẳng định quyết tâm này của FairFax”, đại diện BIC cho biết .

Trong khi đó, dù đã bán một phần vốn cho các đối tác nước ngoài nhưng Bảo Minh vẫn là đích ngắm của nhiều tập đoàn tài chính bảo hiểm nước ngoài.

Thực tế, Bảo Minh mở cửa đón nhận dòng vốn ngoại từ khá sớm, ngoài cổ đông chiến lược là Tập đoàn AXA-Pháp, Công ty First Land, thuộc Tập đoàn Chevalier (Hồng Kông) cũng đang là cổ đông của Bảo Minh.

Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2016, một số cổ đông của Bảo Minh cũng bày tỏ mong muốn Bảo Minh tiếp tục “nới room” cho các nhà đầu tư nước ngoài. Theo quy định hiện nay, bảo hiểm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nên tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại công ty bảo hiểm Việt Nam được giới hạn tối đa là 49%.

Cùng với mong muốn nới "room", nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước cũng đang theo dõi rất sát quá trình thóai hết vốn của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) khỏi Bảo Minh.

Theo các chuyên gia, việc bán cổ phần cho đối tác bảo hiểm nước ngoài sẽ là xu thế tất yếu của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nước. Sự liên kết này không chỉ giúp doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nước có thêm vốn, thêm hỗ trợ kỹ thuật… mà còn buộc các doanh nghiệp bảo hiểm phải chịu trách nhiệm cao hơn trong hiệu quả kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp, từ đó dần trở nên chuyên nghiệp hơn, tác động tích cực tới thương hiệu của doanh nghiệp và niềm tin của khách hàng.

Tin bài liên quan