Hai chiếc xe Vinfast vừa được triển lãm tại Paris đã đem lại bao nhiêu tự hào cho dân tộc, chứng minh cha đẻ của nó là một con đại bàng thứ thiệt. Dễ thấy các mẫu xe ngày nay giống nhau, nhưng ai đó chỉ liếc vào chiêm ngưỡng hai mẫu xe này cũng đều nhìn ra ADN của anh Phạm Nhật Vượng.
Giản dị nhưng hùng hồn, khiêm tốn nhưng hoành tráng, nghiêm túc nhưng duyên dáng làm sao. Những nét này, nói không quá, là những nét cố hữu đã tạo nên hồn Việt, bất khuất nhưng thuỳ mị. Đứng bên cạnh xe, ngôi sao hoàn vũ David Beckham như lép vế, không thoải mái vì một sự bất ngờ thâu tóm anh.
Và tôi nghĩ tới con người đứng đằng sau công cuộc vĩ đại này, bản lĩnh cứng như kim cương.
Chung quanh anh Vượng trong thị trường mở rộng, chắc hẳn còn có nhiều anh tài kinh doanh.
Tuy nhiên, Việt Nam chúng ta cũng còn có rất nhiều “anh hùng áo vải”, với bàn tay cằn cỗi và tâm hồn bất khuất. Tôi muốn nói tới những người chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đứng đầu là những doanh nghiệp nông nghiệp.
Họ là những người thức khuya dậy sớm, dù mưa dù nắng vẫn một lòng, họ đầu tư đến đồng xu, đến giọt mồ hôi cuối cùng để đem về cho chúng ta những hoa màu mà tạo hoá đã ưu tiên ban tặng cho dân tộc Việt.
Họ là những nông dân, nhưng hơn thế nữa, họ là những nông dân có lương tri, làm việc không đơn thuần vì mục tiêu kiếm tiền, mà cố gắng tạo ra những thực phẩm an toàn, tạo thêm giá trị cho cuộc sống. Ở đây còn trên cả lòng tin, trên cả lương tri, mà đứng ở hàng lý tưởng.
ADN của họ cũng là ADN của đại bàng, tuy quy mô doanh nghiệp của họ nhỏ bé hơn Vinfast khá nhiều. Vì sức sống của họ là sức sống của đại bàng. Họ tạo ra thức ăn nuôi sống chúng ta, cao hơn là họ đang nỗ lực bao bọc chúng ta, tránh cho dân tộc bị đầu độc bởi thuốc trừ sâu hay các loại hóa chất giúp cây chóng mọc.
Họ đang phải chống đỡ cho tất cả dân tộc trên nhiều mặt: Áp lực kinh khủng của hệ thống bán thuốc và hoá chất cho nông nghiệp, áp lực kinh khủng của thị trường rau củ được hoá chất biến tạo, áp lực của thương lái, sự thiếu vắng hỗ trợ từ những nơi đáng lẽ họ có quyền chờ đợi sự hỗ trợ nhiều hơn, mạch lạc hơn, tổ chức hơn.
Và tất nhiên, họ phải đối mặt với cả áp lực thiên nhiên.
Thời gian gần đây, tôi đã có dịp gần gũi họ. Đáng ngạc nhiên nhất là từ họ toả ra một sức mạnh tinh thần mãnh liệt. Họ yêu sông biển, yêu đất màu tha thiết.
Họ an nhiên tự tại, vững tin ở sứ mệnh của mình, quyết tâm đem trở lại văn hoá ẩm thực chất lượng cao cho đất nước. Họ có thể chưa dư dả về tiền bạc, nhưng ở họ toả ra một niềm tin rằng nền nông nghiệp nước nhà có khả năng lên hàng đầu thế giới cả về chất lượng với số lượng.
Trong hàng ngũ những doanh nhân - nông dân này, có rất nhiều người đã tốt nghiệp đại học, thành công trong một, hai đời làm việc tại những công ty nổi tiếng ở Hà Nội hay TP.HCM. Nhưng rồi niềm đam mê với nông nghiệp sạch và chuẩn đã lôi cuốn họ đi theo tiếng gọi thiêng liêng.
Họ từ bỏ công việc cũ để đi làm nông nghiệp một cách thông minh. Họ đã tìm hiểu sâu sắc các công nghệ tân tiến nhất, nghiên cứu thị trường một cách tỉ mỉ, học lại những trải nghiệm của những người đi trước để rút tỉa cho những bước đi sau.
Tất cả những thứ đó, rút cục để họ hoà mình trở lại với thiên nhiên, để nuôi dân tộc với những thức ăn tốt lành.
Và họ đã cầm tay nhau để nối vòng tay lớn. Họ đang tập hợp thành đoàn chiến sĩ cho nông nghiệp sạch, chất lượng. Họ có niềm tin, có công nghệ, hiểu rõ đất, nước, cây như trong lòng ruột của mình. Họ cũng hiểu rõ thực chất của vô cơ, hữu cơ, những thể thức hành chính để thương hiệu được công nhận.
Nói một cách khách quan, họ không cần nhiều sự hỗ trợ về tài chính, về kỹ thuật từ phía chính phủ, nhưng họ cần được thấy nền nông nghiệp Việt Nam và sự hoạt động của thị trường được cấu trúc lại có hệ thống.
Họ cần thái độ trung lập của nhà chức trách khi phải lựa chọn giữa các dự án địa ốc và nông nghiệp. Họ muốn sông ngòi, môi trường được bảo vệ nghiêm ngặt, họ muốn nông dân trở lại làng mạc để tạo lại hệ sinh thái thôn quê...
Chị Phạm Thị Lý là một nông dân đam mê da diết với nông nghiệp hữu cơ thuần tuý. Chị miệt mài áp dụng các kiến thức về chế biến thức ăn vi sinh và xử lý phân bón để tạo nên một nông trại chất lượng cao. Nước thải từ trang trại của chị trong vắt, chuồng heo không có mùi.
Bạn mà chưa tới thì bạn sẽ không tin. Chị Lý đã sáng chế ra nhiều bằng áp dụng cho nông nghiệp, trong đó có Bằng độc quyền sáng chế số 16036 về quy trình xác thực chống hàng giả mà cộng đồng quốc tế cũng phải bái phục.
Đối với chị, không thể có sự thoả hiệp với bất cứ thứ gì nếu chất lượng không cao nhất có thể, chị đã tiêu đồng xu cuối cùng để bảo vệ lý tưởng. Bạn ạ, ở đây, không bản lĩnh thì là gì nữa?
Anh Nguyễn Hữu Duy ở Gia Lai chỉ là một chủ tiệm cà phê. Nhưng cà phê trong quán của anh do anh tự trồng theo quy trình hữu cơ ngay trên đất trại của anh ở Gia Lai. Rồi sau đó, anh tự tay rang từng hạt, dùng củi làm nguyên liệu năng lượng.
Trước đây, ở ngay quận 1, TP.HCM, anh Duy đã mở một quán cà phê với giá bán rất phải chăng, 18.000 đồng/tách, nhưng đáng nói hơn, cứ mỗi tách cà phê anh bán được cho khách hàng, anh đều trích ra 1.000 đồng dành tặng cho quỹ từ thiện.
Bạn ạ, phải thế nào nữa mới là yêu nước? Dậy sớm, thức khuya, tâm hồn hướng trọn về nông nghiệp hữu cơ, không quản nhọc nhằn và cũng không nghĩ tới làm giàu, không bản lĩnh thì là gì nữa?
Anh Nguyễn Quang Hoàng là một nông dân nghiêm nghị và chân tình hiếm thấy. Tuy chỉ là một doanh nhân khiêm tốn, nhưng anh luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác, nhất là các bạn khởi nghiệp trẻ tuổi.
Anh đã mang hết tài sản để mở Trung tâm Vườn Nhà Trồng để giúp cho nhiều người nông dân có gian hàng để bán và giới thiệu những sản phẩm chất lượng cao.
Tất cả rủi ro gánh về mình, nhưng khi có lợi nhuận anh lại dành ưu tiên cho những bạn đang cần thêm vốn. Tôi tin chuỗi Vườn Nhà Trồng không chóng thì chày sẽ trở thành một nơi với chức năng rộng hơn buôn bán rất nhiều, sẽ là trung tâm hỗ trợ cho những người mới khởi nghiệp trong nông nghiệp.
Hoàng viết cho tôi: “Em biết con đường phía trước còn dài và nhiều gian nan. Nhưng em sẽ cố gắng dành cả cuộc đời của mình để kết nối mọi người cùng đoàn kết phấn đấu”.
Nếu đây không phải bản lĩnh thì là gì?
Anh Nguyễn Lê Việt cũng là một tấm gương giữa các nông dân thuần tuý. Chỉ cần bắt tay anh Việt một lần, bạn sẽ cảm nhận ngay bàn tay to dày và đầy vết chai sần chỉ có thể là bàn tay của một nông dân truyền thống.
Trại của anh ở Long An là hữu cơ, nhưng anh Việt còn đi xa hơn thế nhiều. Anh tổ chức nhiều cuộc viếng thăm nông trại cho các bạn trẻ khởi nghiệp để giải đáp mọi câu hỏi mà các em còn thắc mắc. Ngay bây giờ đây, anh Việt đang hỗ trợ kỹ thuật cho 1.000 nông dân vùng Long An làm sản phẩm chanh không hạt để xuất khẩu sang châu Âu.
Chẳng đòi hỏi gì ở ai, nhưng hễ có việc giúp đỡ nông dân trẻ tuổi là anh Việt có mặt. Nếu đây không phải bản lĩnh thì là gì?
Cùng chung tư duy đóng góp, chị Bích Ngọc cũng đang miệt mài kết nối hệ thống nông dân vùng Lâm Đồng.
Chị đã đầu tư vào việc sản xuất dòng thuốc thảo mộc để thay thế mọi hoá chất trừ sâu, trừ nấm. Chẳng một lời xin xỏ từ bất cứ ai, chỉ biết đóng góp âm thầm vô điều kiện cho cộng đồng, cũng là bản lĩnh đấy.
Anh Lê Trọng Kha, chủ của chuỗi siêu thị LeKhaMart chỉ làm một việc mà anh cho là tất yếu, nhất là trong bối cảnh ngày hôm nay: Chỉ bán rau củ tươi từ vườn nhà với chứng nhận chất lượng cao.
Anh nhìn mỗi người tiêu dùng như là những người bạn quý mà mình không thể nào cho họ những sản phẩm không bảo đảm tuyệt đối an toàn.
Rồi bao nhiêu tiền lời anh lại từ thiện hết ráo để giúp đỡ cho sinh viên và nông dân trẻ. Việc làm của anh Việt nếu không phải là bản lĩnh thì gọi là gì?
Rồi những người như chị Phạm Oanh - sản xuất Gạo Ruộng Rươi, anh Lợi - Mật ong U Minh, chị Hoàng Anh - sản xuất mật ong Phương Di ở Gia Lai, vợ chồng anh Công, chị Nga nổi tiếng với tiêu Lệ Chí chuẩn hữu cơ ở Gia Lai...
Trên nét mặt họ, hiện lên bao nhiêu năm mất ngủ, bao nhiêu đêm lo âu khí tượng cho mùa màng, trên bàn tay của họ có bao nhiêu cái chai, trên trán của họ hằn bao nhiêu vết nhăn.
Nói sao cho hết những đóng góp của 45.000 thành viên của Câu lạc bộ Khởi nghiệp nông nghiệp Việt Nam. Để tóm tắt, họ rất giống nhau trên một điểm: tin tưởng vào tương lai của nền nông nghiệp nước nhà, tuy biết phải vượt qua rất nhiều khó khăn.
Từ chục nghìn năm nay, nông dân Việt đã nuôi dân tộc Việt, chẳng có gì cản được họ trên một lộ trình liêm khiết chân tình với dân tộc.
Vào ngày doanh nhân năm nay, tôi xin thay mặt toàn thể chúng ta cám ơn tất cả những người nông dân lương tri này, những con người một lòng với đất nước, quê hương, chỉ mong một ngày kia sở trường của nước Việt Nam lên hàng đầu của cả thế giới, về mặt số lượng cũng như chất lượng.
Giáo sư Phan Văn Trường hiện là Cố vấn thương mại của Chính phủ Pháp.
Ông từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng tại tập đoàn hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực xây dựng, điện lực, giao thông vận tải, lọc nước, đô thị và dầu khí.
Kể từ khi nghỉ hưu cách đây hơn chục năm, ông thường xuyên về Việt Nam tham gia giảng dạy tại nhiều trường đại học, trung tâm bồi dưỡng doanh nhân; tư vấn cho nhiều doanh nghiệp, doanh nhân về quản trị doanh nghiệp… với mong muốn đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.