Năm 2019, nhờ doanh thu tài chính 7.827 tỷ đồng, VEAM báo lãi sau thuế 7.043 tỷ đồng.

Năm 2019, nhờ doanh thu tài chính 7.827 tỷ đồng, VEAM báo lãi sau thuế 7.043 tỷ đồng.

Những doanh nghiệp sống nhờ... liên doanh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một số công ty đăng ký giao dịch cổ phiếu ở thị trường UPCoM đang sống nhờ vào liên doanh với nước ngoài được thành lập từ khi còn là doanh nghiệp nhà nước. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh chính lại không mấy khởi sắc.

Liên doanh là nguồn thu quan trọng

Hiện tại, trên sàn UPCoM, có một số cổ phiếu mà lợi nhuận hàng năm được hình thành chủ yếu từ nguồn lợi nhuận được chia từ liên doanh như VEAM, Protrade, PV Machino, HEM, Vinafor, Hanel... (Các liên doanh này thường là các dự án FDI, trong đó doanh nghiệp nhà nước góp vốn bằng quyền sử dụng đất, còn doanh nghiệp nước ngoài góp bằng tiền và công nghệ).

Trong khi đó, hoạt động kinh doanh chính lại chưa hiệu quả và cổ đông mỏi mắt trông chờ tái cấu trúc, nâng cao năng suất lao động, tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh. 

Ðơn cử, Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - VEAM (VEA) có các liên doanh với các thương hiệu ô tô, xe máy nổi tiếng trên thế giới như 25% cổ phần trong liên doanh Ford Việt Nam, 30% cổ phần của Honda Việt Nam, 20% cổ phần của Toyota Việt Nam…

Lợi nhuận của VEAM chủ yếu có được là nhờ thành công của các liên doanh này. Nhiều năm liền, VEAM thường xuyên có tình trạng lợi nhuận sau thuế còn cao hơn cả doanh thu hoạt động kinh doanh chính.

Lượng tiền mặt dồi dào mà VEAM gửi ngân hàng cũng nhờ dòng tiền cổ tức từ Honda, Toyota và Ford.

Báo cáo tài chính năm 2018 cho thấy, doanh thu thuần hoạt động kinh doanh chính của VEAM đạt 7.070 tỷ đồng, nhưng nhận tới 6.852 tỷ đồng tiền lãi trong liên doanh liên kết. Ðó là chưa kể 416 tỷ đồng doanh thu tài chính, chủ yếu đến từ lãi tiền gửi. Kết quả, VEAM báo lãi ròng 7.047 tỷ đồng trong năm 2018.

Năm 2019, theo báo cáo tài chính công ty mẹ, VEAM đạt doanh thu bán hàng là 685 tỷ đồng, lỗ gộp về bán hàng là 337 tỷ đồng. Nhờ khoản doanh thu hoạt động tài chính 7.827 tỷ đồng, cuối năm, Tổng công ty vẫn đạt lợi nhuận sau thuế 7.043 tỷ đồng.

Thị trường ô tô, xe máy phát triển mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, công nghiệp phụ trợ.

CTCP Máy Thiết bị Dầu khí PV Machino (PVM) là doanh nghiệp điển hình thành công trong mảng này. Cách đây 25 năm, khi còn là doanh nghiệp nhà nước, PV Machino nắm 30% trong liên doanh với các đối tác Nhật Bản: Nippon Seiki, Showa, FCC - những công ty chuyên sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy.

Sau khi cổ phần hóa, PV Machino chỉ còn nắm 10% vốn tại Công ty TNHH FCC Việt Nam, 10% vốn Công ty TNHH Vietnam Nippon Seiki và 8,45% vốn Công ty TNHH Phụ tùng xe máy, ô tô SHOWA Việt Nam.

Ðây đều là những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, sản xuất phụ tùng cho Honda, Yamaha, Suzuki... Các liên doanh này đạt lợi nhuận mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng và chia lãi cho PVM mỗi năm 80 - 100 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính của PV Machino các năm qua cho thấy, năm 2016, PVM thu được hơn 100 tỷ đồng cổ tức và lợi nhuận được chia; năm 2017 là gần 84 tỷ đồng và năm 2018 là hơn 80 tỷ đồng.

Năm 2019, PVM thu được 81,3 tỷ đồng tiền cổ tức và lợi nhuận được chia. Trong khi đó, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2019 là 21 tỷ đồng, năm 2018 là 15,7 tỷ đồng, năm 2017 là 27,8 tỷ đồng.

Một số doanh nghiệp khác như Vinafor có liên doanh với hãng Yamaha (Nhật) và Công ty Công nghiệp Hong Leong (Malaysia); liên doanh sản xuất nguyên liệu giấy với Tập đoàn Sojitz Nhật Bản và JK Paper của Ấn Ðộ.

Trong các năm 2018, 2019, khoản lợi nhuận được chia từ những liên doanh này chiếm khoảng 90% cơ cấu lợi nhuận của Vinafor.

Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương Protrade (mã PRT) là đối tác Việt Nam trong liên doanh FDI là Công ty TNHH FrieslandCampina Việt Nam vốn quen thuộc với người tiêu dùng với các nhãn hiệu Cô gái Hà Lan, Friso, YoMost, Fristi, Completa...

Protrade nắm trong tay nhiều sân golf và khu công nghiệp (như sân golf Palm Sông Bé), nhưng lợi nhuận chính của Công ty lại đến từ FrieslandCampina.

Theo báo cáo tài chính kiểm toán công ty mẹ,  Protrade có tiền thu lãi cho vay, cổ tức và lợi nhuận được chia năm 2018 là 402,8 tỷ đồng và năm  2019 là 539,2 tỷ đồng.

Cổ đông mỏi mắt chờ tái cấu trúc

Không chỉ có các liên doanh, những doanh nghiệp như VEAM, Vinafor, PV Machino... đều có lợi thế về đất đai và ngành nghề kinh doanh chính.

Chẳng hạn, PV Machino có nhiều lô đất vàng như xấp xỉ 2.000 m2 ở số 8 Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội và 23.600 m2  ở đường Ðào Cam Mộc, Việt Hùng, Ðông Anh, Hà Nội; 10% trong dự án HH3 ở Nam An Khánh, đại lộ Thăng Long; 137 m2 tại Khương Ðình, quận Thanh Xuân; 1500 m2 tại 25 đường Hùng Vương - Trần Phú - Móng Cái - Quảng Ninh (trung tâm thương mại và dịch vụ Móng Cái); lô đất ở Ðà Nẵng....

PV Machino cũng đang nắm 50% trong liên doanh "Hàm Cá Mập" ở số 7, Ðinh Tiên Hoàng, Hà Nội.

Tuy nhiên, kết quả hoạt động kinh doanh chính thể hiện qua doanh thu, lợi nhuận bán hàng và cung cấp dịch vụ yếu kém khiến cho tại các kỳ đại hội, cổ đông PV Machino đều chất vấn lãnh đạo về tình hình sử dụng các lô đất vàng và yêu cầu tái cơ cấu Công ty, tinh giản bộ máy, gia tăng hiệu quả kinh doanh.

Ngay kỳ đại hội 2020, một nhóm cổ đông của PV Machino đã có ý kiến gay gắt về hiệu quả hoạt động của Trung tâm Hợp tác lao động và dịch vụ quốc tế.

Theo đó, năm 2019, trung tâm này chỉ đưa được 32 lao động xuất cảnh sang thị trường Nhật Bản, đạt doanh thu 790 triệu đồng, tương ứng 13% kế hoạch đặt ra.

Ðại diện của nhóm cổ đông thậm chí đề nghị Công ty nên xem xét giải thể trung tâm này vì cho rằng Trung tâm hoạt động không hiệu quả.

Trong những kỳ đại hội cổ đông trước, nhóm cổ đông của công ty này liên tục yêu cầu tinh lọc mảng kinh doanh thương mại, cắt giảm nhân sự những bộ phận không hiệu quả, thua lỗ liên tục.

Hàng năm dù được chia cổ tức được chia từ liên doanh gần 100 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế của PV Machino chỉ còn 1/3 số này.   

 Việc bộ máy cồng kềnh, nhiều phòng ban bộ phận hoạt động không hiệu quả, đã ngốn mất 2/3 số cổ tức từ liên doanh, khiến cho cổ tức được chia từ liên doanh mỗi năm gần trăm tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ còn 1/3 số này.

Ðáng chú ý, trong nhiệm kỳ vừa qua, PV Machino đã bán Trung tâm thương mại Móng Cái nhưng không công bố giá bán và hình thức bán.

Công ty cũng thôi không tham gia liên doanh ở các lô đất số 1, 3, 5 Ðinh Tiên Hoàng (trước đây Công ty nắm 50% trong liên doanh) nhưng không công bố với cổ đông các nội dung, đặc biệt vấn đề đền bù.

Tương tự, tại Ðại hội cổ đông thường niên của Vinafor, có cổ đông đã lên tiếng góp ý về việc đã 3 năm sau cổ phần hóa nhưng lợi nhuận của Vinafor vẫn trông cậy phần lớn vào khối liên doanh FDI.

Cổ đông yêu cầu Công ty nâng cao hiệu quả của mảng trồng rừng và chế biến gỗ để cải thiện cơ cấu lợi nhuận, tránh phụ thuộc quá nhiều vào cổ tức từ liên doanh.

Chia sẻ với cổ đông, Ban lãnh đạo của Vinafor thừa nhận tình trạng này và nhấn mạnh Vinafor cũng nhận diện được vấn đề phụ thuộc vào lợi nhuận được chia từ liên doanh và trong chiến lược phát triển 2020 - 2035 đang được xây dựng, Công ty đặt ra yêu cầu hạn chế phụ thuộc liên doanh, tuy nhiên sản xuất lâm nghiệp có nhiều vấn đề khó khăn đặc thù của ngành...

Cổ đông các doanh nghiệp này vẫn đang trông chờ doanh nghiệp chú trọng hiệu quả hoạt động kinh doanh chính để lợi nhuận có sự khởi sắc.

Tin bài liên quan