Những doanh nghiệp “phớt lờ” cổ tức

Những doanh nghiệp “phớt lờ” cổ tức

(ĐTCK) Nhiều cổ đông hồ hởi khi không ít DN đã và đang tiến hành chốt quyền thanh toán trả cổ tức năm 2014. Tuy nhiên, một bộ phận cổ đông không biết đến bao giờ mới được nhận cổ tức bị DN nợ từ nhiều năm trước.

Một số DN đã chốt quyền thanh toán cổ tức năm 2014 bằng tiền mặt khá hấp dẫn, chẳng hạn cổ tức 20% của HTL, NBS, hay 12% của SVI, 10% của DMC, GIL, DXG… GAS có hai lần tạm ứng cổ tức 33% bằng tiền, còn MWG tạm ứng cổ tức năm 2014 bằng cổ phiếu, tỷ lệ 63,3%.

Một số công ty khác có lịch sử trả cổ tức cao và đều đặn như Vinamilk chốt quyền nhận cổ tức tỷ lệ 20% bằng tiền mặt và nhận cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 20% vào tháng 8/2014, tương đương số tiền cần chi khoảng 1.668 tỷ đồng để trả cổ tức và phát hành thêm 166,8 triệu cổ phiếu mới.

CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre (ABT) duy trì mức cổ tức năm 2014 tương đương năm 2013 là 45% bằng tiền mặt. Mới đây nhất, CTCP Kinh Đô (KDC) lấy ý kiến cổ đông trả cổ tức trong năm 2015 với tỷ lệ lên đến 200% bằng tiền mặt khiến nhiều cổ đông vui mừng.

Trái ngược với các DN nêu trên, không ít DN chậm trễ trong việc trả cổ tức bởi nhiều lý do, trong đó có DN nợ cổ tức vài năm liền vẫn chưa trả cho cổ đông. Được nhắc đến nhiều là CTCP Thiết bị phụ tùng Sài Gòn (SMA) khi gia hạn cổ tức trên 10 lần trong năm 2014. HĐQT Công ty dự kiến sẽ tiến hành vay vốn dài hạn hoặc bán Nhà máy Thủy điện Đăkglun để trả các khoản nợ kéo dài, bao gồm cổ tức và lãi trái phiếu.

CTCP Đầu tư hạ tầng và Đô thị Dầu khí PVC (PTL) công bố trả nhỏ giọt cổ tức năm 2011 bằng tiền mặt thành 2 đợt, mỗi đợt 2% vào 19/12/2014 và 19/6/2015, thay vì thanh toán toàn bộ bằng tiền 4%. Vốn điều lệ PTL giữ nguyên 1.000 tỷ đồng từ năm 2010 đến nay, ước tính số tiền chi trả cổ tức của PTL là 20 tỷ đồng/đợt. Tính đến cuối năm 2014, tiền mặt và các khoản tương đương tiền của PTL là 27,5 tỷ đồng.

S74 đã 3 năm nay không trả cổ tức, dù kết quả kinh doanh hàng năm đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch. Tương tự, S96 nợ cổ tức năm 2010 với tỷ lệ 20% bằng tiền mặt, Công ty xin gia hạn nhiều lần với lý do bổ sung nguồn vốn thực hiện dự án. Đến nay, S96 vẫn chưa có động thái trả cổ tức cho cổ đông.

CTCP Đầu tư và Phát triển nhà đất Cotec (CLG) tiếp tục hoãn trả cổ tức 3% (tương đương mức chi 6 tỷ đồng) của năm 2012 sang ngày 15/5/2015. Lý do CLG đưa ra là do Công ty gặp khó khăn trong việc thu tiền khách hàng từ các dự án đầu tư, cũng như đang tập trung vốn đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án Bệnh viện đa khoa Đồng Nai - giai đoạn 2 theo yêu cầu của chủ đầu tư để kịp thời đưa Bệnh viện vào vận hành cuối quý I/2016. Công ty cam kết sẽ trả đủ số cổ tức năm 2012 theo đúng thời hạn nêu trên.

Việc gia hạn trả cổ tức là bình thường nếu DN chưa sắp xếp được nguồn vốn hoặc cần vốn để đầu tư khi cơ hội xuất hiện, việc này chỉ bất thường khi công ty không “rõ ràng” với cổ đông. Trong năm 2014 vừa qua, nhiều DN đã có thông báo về việc gia hạn trả cổ tức.

Chẳng hạn, CTCP Y tế Thiết bị Việt Nhật (JVC) dự kiến chi trả cổ tức 5% năm 2013 bằng tiền vào ngày 11/09/2014, nhưng do cần vốn đầu tư vào dự án tiềm năng nên ngày thanh toán dời sang 31/10/2014 và tiếp tục dời sang tháng 12/2014.

JVC có kết quả kinh doanh khả quan và không có lịch sử chậm trả cổ tức. Năm 2014, JVC lãi gần 178 tỷ đồng, gấp 4 lần so với năm 2013. Tương tự, CTCP Năm Bảy Bảy xin lùi thời hạn thanh toán cổ tức năm 2013 đến cuối năm 2014 vì ưu tiên thanh toán các khoản nợ cũ (lãi suất cao) đến hạn năm 2014. Tổng số tiền cổ tức cần chi trả vào khoảng 36 tỷ đồng.

Nếu DN thật sự cần nguồn vốn để phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh tốt hơn, chỉ cần công bố thông tin rõ ràng và xin ý kiến cổ đông, thì có lẽ không cổ đông nào phản ứng, thậm chí còn ủng hộ. Tuy nhiên, thực tế có vẻ không như vậy khi nhiều DN dường như “phớt lờ” công tác này. Ngày càng nhiều DN thất hẹn cổ tức đã làm xói mòn niềm tin của cổ đông.

Tin bài liên quan