Sabeco: Hiệu suất gắn với nhân sự
Nhờ sản phẩm Bia Sài Gòn Xanh - Saigon Special, biên lợi nhuận của Sabeco được cải thiện, hiện đạt 17 - 18%, cao hơn mức trung bình của ngành. Trong khi đó, phân tích của nhóm chuyên gia tại Công ty Chứng khoán Bản Việt cho thấy, biên lợi nhuận của Tổng công ty cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội (Habeco) hiện đạt khoảng 11%, Heneiken Việt Nam đạt trên 30%. Như vậy, dư địa để cải thiện lợi nhuận của hai công ty bia có vốn nhà nước chi phối còn rất lớn.
Giới phân tích chỉ ra một số giải pháp mà Sabeco có thể xem xét áp dụng, chẳng hạn tăng sở hữu trong các công ty sản xuất mà Tổng công ty nắm chi phối. Các nhà máy Sài Gòn miền Trung, Sài gòn Phủ Lý…, hiện Sabeco chỉ nắm 20% cổ phần, nhưng giới quan sát cho rằng, Sabeco có mức độ ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của những nhà máy này, thậm chí tới mức chi phối. Các nhà máy rất gần nhau về địa lý nên có thể cải thiện công tác quản trị sản xuất để tăng hiệu quả.
Đơn cử, trong lĩnh vực vận tải, hiện chi phí cho riêng mảng này với Sabeco và các công ty trong hệ thống ước khoảng 1.500 tỷ đồng/năm. Con số này có thể giảm mạnh nếu áp dụng các giải pháp điều phối và kiểm soát chặt chẽ chi phí vận tải.
Một giải pháp khác là kiểm soát giá bán. Giới phân tích đánh giá, Heneiken làm tốt công tác này, nhưng Sabeco và Habeco làm chưa tốt. Đặc biệt, giới đầu tư băn khoăn về việc liệu có hay không chuyện nhà phân phối có mối quan hệ với các bên liên quan trong công ty?
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bia Việt Nam còn được khuyến nghị cải thiện ở điểm: có lượng tiền mặt lớn, nhưng thiếu sản phẩm đa dạng, nhất là trong phân khúc cao cấp, trước đây Sabeco đã ra mắt sản phẩm bia Sai Gòn Gold nhưng thất bại. Trên thực tế, xu hướng sắp tới được chỉ ra là người uống bia sẽ bỏ nhiều tiền hơn để uống bia tốt hơn.
Trên tất cả là các công ty bia cần tăng hiệu suất làm việc. Chuyên gia Lê Đăng Doanh nói rằng, cần sớm xóa bỏ việc các doanh nghiệp này thường tuyển những người có mối quan hệ thân thích với nhau vào làm. Về vấn đề này, một chuyên gia phân tích có trao đổi với những người đã từng làm ở Sabeco nhận định, nếu cải thiện cách thức quản trị nhân sự thì Sabeco có thể cắt giảm chi phí 20 - 30%.
Afiex : Thoát lỗ nhờ cải thiện quản trị
Tháng 12/2015, phần vốn nhà nước chiếm 51% trong tổng vốn điều lệ 350 tỷ đồng tại Công ty Afiex đã được Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Khi đó, Afiex thua lỗ nặng nề và đứng bên bờ vực phá sản, nếu không cải thiện tình hình thì chỉ 6 tháng sau, Công ty sẽ tê liệt hoạt động. Cổ đông SCIC đã yêu cầu rà soát, đánh giá lại toàn bộ thực trạng của Công ty.
Báo cáo thực trạng cho thấy, Afiex đã kinh doanh thua lỗ từ các năm trước và những tháng đầu năm 2016 tiếp tục thua lỗ. Ngoài ra, Công ty còn tồn tại nhiều vấn đề tài chính như nợ Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp và tiền cổ tức vốn nhà nước, chưa chuyển trả nợ gốc và chưa hạch toán nợ lãi chậm nộp...
Trong các năm gần đây, lĩnh vực kinh doanh chính của Afiex là chế biến, xuất khẩu gạo, thủy sản và sản xuất - kinh doanh thức ăn chăn nuôi cho gia cầm, thủy sản gặp nhiều biến động bất lợi cũng như sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường. Do chưa có các phương án, giải pháp thích ứng để cải thiện tình hình, nên hoạt động của Afiex lâm vào khó khăn, bế tắc. Đội ngũ lãnh đạo và cơ cấu tổ chức hoạt động của Công ty cũng bộc lộ nhiều hạn chế như thụ động, không có cơ chế khuyến khích sự thay đổi, sáng tạo...
2 cán bộ giỏi chuyên môn, vững về quản trị của SCIC đã được cử biệt phái xuống làm việc tại Afiex, tham gia Ban lãnh đạo doanh nghiệp. Ban lãnh đạo mới tập trung xây dựng một đề án tổng thể nhằm tái cơ cấu hoạt động kinh doanh của Afiex giai đoạn 2016 - 2020, với những mục tiêu, giải pháp có tính chiến lược và lộ trình thực hiện chi tiết tại từng thời điểm, bám sát với tình hình của thị trường. Mục tiêu là Afiex có lãi ngay trong năm 2016, đến năm 2017 hết lỗ lũy kế và từ năm 2018 trở đi sẽ chia cổ tức cho cổ đông.
Để đạt được mục tiêu trên, đề án tái cơ cấu đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp và lộ trình triển khai chi tiết. Trong đó, nội dung chính là tập trung cơ cấu lại các lĩnh vực kinh doanh kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài nhiều năm, khó có khả năng cải thiện và cũng là nguyên nhân dẫn đến kết quả kinh doanh yếu kém của Afiex. Công ty sẽ chủ động ngừng hoạt động, thu hẹp và đổi mới phương thức kinh doanh tại một số cơ sở, lĩnh vực hoạt động.
Các giải pháp khác bao gồm: nâng cấp, tổ chức lại các cơ sở kinh doanh có tiềm năng phát triển và đem lại lợi nhuận lớn cho Công ty, nhất là trong lĩnh vực chế biến thức ăn chăn nuôi. Việc sắp xếp lại bộ máy, cơ cấu tổ chức của Công ty theo hướng tập trung, chuyên môn hóa, tinh giản lao động.
Nhờ hàng loạt thay đổi trên, hoạt động doanh nghiệp đã đảo ngược, Afiex có lãi ngay năm 2016. Thay đổi về quản trị đang từng bước giúp doanh nghiệp này “thay da, đổi thịt”.
Thông điệp mạnh của Thủ tướng Chính phủ
Ngày 2/2, ngày làm việc đầu tiên của năm mới sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg về việc đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016 - 2020.
Trong đó nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có cơ chế phù hợp để thu hút các nhà đầu tư chiến lược có năng lực, giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước xuống mức đủ để thay đổi quản trị doanh nghiệp; xây dựng chiến lược hoạt động kinh doanh cho từng doanh nghiệp.
Đồng thời, áp dụng các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế; hoàn thiện cơ chế kiểm soát, kiểm toán nội bộ, thực hiện nghiêm túc chế độ giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính; có cơ chế gắn việc tuyển dụng, bổ nhiệm, bãi miễn, đãi ngộ lãnh đạo doanh nghiệp và người lao động với kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Thủ tướng cũng chỉ đạo, xử lý nghiêm lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước thực hiện không có kết quả.
Ông Dag Detter, cố vấn Ngân hàng Thế giới (WB) dẫn chứng trường hợp của Thụy Ðiển để thấy, nếu làm triệt để, mạnh mẽ, khu vực doanh nghiệp có vốn nhà nước sẽ cải thiện hiệu quả hoạt động rõ rệt. Năm 1990, nền kinh tế Thụy Điển rơi vào trạng thái gần như phá sản toàn bộ. Thụy Ðiển khi đó có 63 tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp trực thuộc Nhà nước. Với quyết tâm cải cách, sau 3 năm, kinh tế Thụy Ðiển đã đạt hiệu suất gấp 2 lần, cải cách các doanh nghiệp nhà nước, tạo ra hiệu ứng đối với toàn nền kinh tế.