Những doanh nghiệp dầu khí lãi ngàn tỷ

Những doanh nghiệp dầu khí lãi ngàn tỷ

Là nhóm ngành có vốn hóa lớn trên TTCK, CP dầu khí luôn trong tầm ngắm của giới đầu tư bởi lợi nhuận khổng lồ.

Tuy nhiên, trong 27 doanh nghiệp (DN) dầu khí đang niêm yết, số DN làm ăn hiệu quả có lợi nhuận đạt trên ngàn tỷ đồng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Theo thống kê của CTCK Dầu khí (PSI), 27 DN ngành dầu khí đang niêm yết trên HOSE và HNX thuộc nhóm sản xuất và phân phối khí, sản xuất và phân phối đạm, điện và một số công ty dịch vụ dầu khí.

Năm 2012, doanh thu của các DN này đạt 170.384 tỷ đồng (tăng 4,9% so với năm 2011), lợi nhuận sau thuế ước đạt 16.096 tỷ đồng (tăng 7,3% so với năm 2011), trong đó nhiều công ty lợi nhuận tăng trưởng mạnh so với năm 2011.

Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận chung cao hơn tốc độ tăng trưởng doanh thu đang là tín hiệu tốt cho việc cải thiện hiệu quả kinh doanh chung của nhóm DN thuộc PVN. Tuy nhiên, trong số này chỉ có 6 DN hoạt động lĩnh vực dầu khí nhưng đóng góp đến 64,7% tổng doanh thu và lợi nhuận chiếm 79,1%.

Năm 2012, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tiếp tục thể hiện vai trò là tập đoàn kinh tế nhà nước lớn nhất với mức doanh thu vượt ngưỡng 772.700 tỷ đồng (đạt 117% kế hoạch và tăng 14,4% so với năm 2011), nộp ngân sách nhà nước 186.300 tỷ đồng (vượt 51.480 tỷ đồng, đạt 138,2% kế hoạch và tăng 15,8% so với năm 2011). Tổng lợi nhuận trước thuế đạt 113.100 tỷ đồng (bằng 119,4% kế hoạch và tăng 12,4% so với năm 2011). Trong năm 2012, PVN chiếm hơn một nửa tổng doanh thu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và chiếm hơn 70% về tỷ lệ nộp ngân sách.

“Anh cả” của các DN dầu khí hiện nay là Tổng CTCP Khí Việt Nam (GAS), một trong những đơn vị hoàn thành vượt mọi chỉ tiêu kế hoạch về sản lượng tiêu thụ, doanh thu và lợi nhuận năm 2012.

GAS đã vận chuyển và tiêu thụ sản lượng khí khô đạt 9.008 triệu m3, tiêu thụ hơn 1,28 triệu tấn LPG, 58.000 tấn condensate. Doanh thu GAS năm 2012 ước đạt 66.250 tỷ đồng (120% kế hoạch), lợi nhuận trước thuế ước đạt 11.068 tỷ đồng (172% kế hoạch).

Riêng công ty mẹ đạt doanh thu 60.108,8 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 9.901 tỷ đồng. Có thể nói, 2012 là năm thành công nhất kể từ khi thành lập của GAS.

Theo đánh giá, hoạt động của GAS tăng trưởng và có sự ổn định trong dài hạn với mức tăng trưởng doanh thu giai đoạn 2010-2015 khoảng 17%/năm, sản lượng tiêu thụ khí khô cũng tăng sau khi đường ống Nam Côn Sơn 2 đi vào hoạt động. Năm 2013, GAS tiếp tục hoạt động ổn định với việc cung cấp khí cho các nhà máy điện và cung cấp khí cho Đạm Cà Mau chạy hết công suất, mở rộng hệ thống khí thấp áp tới các hộ tiêu dùng công nghiệp.

Kế hoạch năm 2013 của GAS vẫn là những con số khủng với doanh thu hợp nhất khoảng 55.751 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất khoảng 9.453 tỷ đồng.

2012 cũng là năm thành công đối với Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ dầu khí (PVD), với việc các giàn khoan của PVD đều được thuê và hoạt động an toàn không xảy ra sự cố. PVD đã hoàn tất một số hợp đồng khoan cho các đối tác, như hợp đồng của PVD Drilling I cho Cửu Long JOC, PVD Drilling II cho Vietsovpetro...

Các hợp đồng có thời hạn đến năm 2013 và 2017, đã đảm bảo hoạt động kinh doanh giàn khoan ổn định trong nhiều năm tới. Giá cho thuê cũng tăng lên mức 130.000USD/ngày (tương ứng tăng 5-8%/năm).

Lũy kế 9 tháng năm 2012, PVD đạt doanh thu hơn 8.324 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.190 tỷ đồng (tăng lần lượt 27% và 40% so với 9 tháng năm 2011). Ước tính năm 2012, PVD đạt 11.000 tỷ đồng doanh thu và hơn 1.300 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (tăng lần lượt 19,4% và 21,2% so với năm 2011).

Năm 2013, PVD tiếp tục hướng đến sự phát triển bền vững thông qua tập trung đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là dịch vụ khoan và các dịch vụ kỹ thuật cao liên quan đến khoan. Doanh thu kế hoạch năm 2013 dự kiến 11.275 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.360 tỷ đồng.

Mặc dù lợi nhuận năm 2012 giảm nhẹ so với 2011 nhưng Tổng CTCP Phân bón và Hóa chất dầu khí (DPM) vẫn là niềm mơ ước của các DN. Theo thống kê, doanh thu năm 2012 của DPM đạt 13.590 tỷ đồng (tăng 47,3% so với năm 2011), lợi nhuận trước thuế ước đạt 3.500 tỷ đồng (giảm 0,28% so với năm 2011).

Theo lý giải, doanh thu tăng mạnh nhưng lợi nhuận không tăng do chi phí giá khí tăng 30% so với năm 2011. Sản phẩm phân đạm do DPM sản xuất và nhập khẩu đảm bảo đáp ứng 50-60% thị phần trong nước. Mục tiêu của DPM sẽ đáp ứng 80-90% nhu cầu trong nước sau năm 2013 và mở rộng ra xuất khẩu. Kế hoạch của DPM trong năm 2013 với doanh thu đạt 10.710 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.915 tỷ đồng.

Trong năm 2012, Tổng CTCP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PVS) tiếp tục đạt được nhiều thành tựu vượt qua khó khăn. Theo đó, doanh thu hợp nhất ước đạt 28.000 tỷ đồng (tăng 16% so với năm 2011 và bằng 112% kế hoạch), lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh ước đạt 1.390 tỷ đồng (tăng 65% so với năm 2011), lợi nhuận sau thuế ước đạt 1.151 tỷ đồng (giảm 19% so với năm 2011).

Nguyên nhân lợi nhuận sau thuế giảm do năm 2011 PVS có lợi nhuận khác đột biến đạt hơn 700 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng tàu FSO Bạch Hổ và một số hoạt động khác, trong khi năm 2012 không phát sinh các nghiệp vụ trên. Tuy vậy, nếu xét về hoạt động kinh doanh chính, PVS có sự tăng trưởng đột biến trong lợi nhuận.

Trong năm 2012, PVS tiếp tục giữ vững và mở rộng thị phần chiếm 90% thị trường cho thuê tàu chuyên dụng phục vụ thăm dò, khai thác dầu khí và phấn đấu đạt 100% trong thời gian tới. Các tàu FSO/FPSO của PVS luôn hoạt động ổn định ở mức cao trên 99% thời gian hoạt động, với các hợp đồng thuê dài hạn.

Dự báo năm 2013, các hoạt động kinh doanh cốt lõi của PVS vẫn ổn định, với kế hoạch doanh thu hợp nhất khoảng 24.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ước đạt 1.000 tỷ đồng.