"Thứ đắt nhất bây giờ là từng lạng niềm tin", câu thơ không rõ tác giả là ai nhưng đã được truyền miệng khá nhiều thời gian qua.
Niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường chứng khoán ngày càng bị bào mòn khi sai phạm về mua bán cổ phiếu, về công bố thông tin và chênh lệch lợi nhuận trước và sau kiểm toán xảy ra quá thường xuyên.
Báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm đang lần lượt được các doanh nghiệp gửi lên Ủy ban chứng khoán Nhà nước và 2 sở giao dịch. Cho đến thời điểm này, có ít nhất 7 doanh nghiệp bị kiểm toán "kê" lưu ý về khả năng hoạt động liên tục và 1 doanh nghiệp bị nghi ngờ khả năng tạo tiền thanh toán cho khoản nợ đến hạn.
TAS-Công ty cổ phần chứng khoán Tràng An. Kiểm toán lưu ý TAS cho nhà đầu tư mua chứng khoán khi chưa có đủ tiền trong tài khoản và chưa quản lý tách bạch tiền của nhà đầu tư.
Tại thời điểm 30/6 khả năng thanh toán nhanh chỉ đạt 0,044 lần, khoản nhận nợ lại các khoản vay của nhà đầu tư đều quá hạn thanh toán, lỗ lũy kế gần 70 tỷ đồng, tương đương hơn 50% vốn điều lệ. Những điều này gây ra nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của công ty trong các kỳ tiếp theo.
Câu chuyện SME, SBS vẫn còn chưa yên, sai phạm cũng như yếu kém quản trị ở các công ty chứng khoán khiến nhà đầu tư hết sức lo ngại về sự an nguy cho tài khoản của mình.
SHN-Công ty cổ phần đầu tư tổng hợp Hà Nội. Bắt đầu từ mùa báo cáo tài chính kiểm toán năm 2011, vấn đề của SHN nảy sinh. Công nợ phải thu liên quan đến Beta BQP và ông Nguyễn Anh Quân với số tiền 238 tỷ đồng đã khiến hoạt động của SHN lao đao. Lỗ đầm đìa, công nợ lớn và khoản phải thu chưa chắc chắn khiến khả năng hoạt động liên tục của SHN bị ảnh hưởng.
- Nợ ngắn hạn: 328,71 tỷ đồng
-Tài sản ngắn hạn: 309,34 tỷ đồng
-Phải thu quá hạn: 238 tỷ đồng
-Lỗ lũy kế: 210,76 tỷ đồng
-6 tháng công ty mẹ lỗ gần 86 tỷ đồng
-Doanh thu 6 tháng chưa đầy 9 tỷ đồng, vốn lưu động bị thiếu hụt trầm trọng
Biến động SHN 6 tháng
Tại ngày 30/6, vốn lưu động của TNG bị thiếu hụt có thể ảnh hưởng đến khả năng tiếp tục hoạt động. Nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn 137,6 tỷ đồng và dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm 236,6 tỷ đồng trong 6 tháng. Lý do ở đây là vì công ty sử dụng vốn lưu động để đầu tư tài sản cố định.
Trong những năm gần đây, TNG liên tục đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới máy móc thiết bị, cải tạo nhà xưởng. Các dự án đầu tư đều phải vay vốn Ngân hàng, với tỷ lệ vốn tự có tham gia vào dự án phải đảm bảo 30% thì ngân hàng mới giải ngân. Chính vì vậy công ty đã sử dụng một phần vốn ngắn hạn đầu tư vào dài hạn. Khả năng tiếp tục hoạt động của TNG phụ thuộc vào việc tiếp tục nhận được các khoản vay từ ngân hàng và lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trong tương lai. TNG không phải doanh nghiệp duy nhất rơi vào tình cảnh hụt vốn lưu động bởi mất cân nguồn. Khá nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ niêm yết chưa quản trị tốt dòng tiền. Một khi vướng vào "bẫy" tăng trưởng nóng thì dễ rơi vào trạng thái mất cân nguồn.
Cùng với mức lỗ khủng sau kiểm toán, đơn vị kiểm toán đưa ra lưu ý nợ phải trả ngắn hạn của THV đã vượt quá tài sản ngắn hạn 263,21 tỷ đồng trong đó hầu hết các khoản nợ ngắn hạn các tổ chức tín dụng đã quá hạn, lỗ lũy kế đến 30/6 là 320,03 tỷ đồng.
Khả năng tiếp tục hoạt động phụ thuộc vào kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ tiếp theo, sự trợ vốn của các tổ chức tín dụng, kế hoạch bán tài sản cũng như sự cam kết mua cổ phần khi phát hành riêng lẻ của các cổ đông chính.
V15-Công ty cổ phần xây dựng số 15. 6 tháng đầu năm, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của V15 bị âm 15 tỷ đồng. Khả năng hoạt động liên tục của V15 phụ thuộc vào việc tăng cường thu hồi các khoản công nợ và quản lý dòng tiền.
Ý kiến kiểm toán là vậy nhưng ban giám đốc cũng đã lên tiếng tin tưởng rằng với những kế hoạch của công ty, khả năng hoạt động liên tục sẽ được đảm bảo.
VHL-Công ty cổ phần Viglacera Hạ Long. Lỗ lũy kế đến thời điểm 30/6 của VHL là 80,9 tỷ đồng, tổng nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn là 322 tỷ đồng. Các dấu hiệu này dẫn tới sự nghi ngờ về khả năng hoạt động theo giả định hoạt động liên tục của VHL. Khả năng hoạt động liên tục của VHL phụ thuộc rất lớn vào chính sách bán hàng thu tiền ngay mà công ty đang áp dụng.
VHL tin rằng với chính sách bán hàng thu tiền ngay mà công ty đang áp dụng, và các kế hoạch huy động các nguồn vốn tín dụng và vốn từ chủ sở hữu sắp tới, công ty sẽ vẫn tiếp tục hoạt động kinh doanh bình thường.
VNA-Công ty cổ phần vận tải biển Vinaship (VNA). Tại thời điểm kết thúc quý II, nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn số tiền 256,44 tỷ đồng. Việc thiếu hụt vốn lưu động có thể ảnh hưởng đến khả năng thanh toán hiện tại và hoạt động kinh doanh của công ty
Ban giám đốc đang làm việc với các ngân hàng để điều chỉnh lại kế hoạch trả nợ các khoản vay dài hạn để mua, đóng mới tàu biển theo văn bản của Ngân hàng Nhà nước về việc xử lý nợ của Vinalines tại các tổ chức tín dụng. Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tổ chức tín dụng xem xét cơ cấu nợ đối với các khoản vay mua, đóng mới tàu biển của Vinalines và các doanh nghiệp thành viên mà đơn vị này nắm 51% vốn trở lên với thời hạn 2 năm tính đến hết năm 2013.
Ngoài ra, với kế hoạch bán 3-4 tàu cũ, ban giám đốc tin tưởng rằng báo cáo tài chính được lập trên cơ sở giả định hoạt động liên tục là phù hợp.
VCR-Công ty cổ phần đầu tư và phát triển du lịch Vinaconex. Khác với V15, VHL, VNA, dù kiểm toán đưa ra lưu ý về lo ngại khả năng tạo tiền không đủ để thanh toán các công nợ đến hạn nhưng ban giám đốc không đưa ra trấn an cũng như kế hoạch nào cho nhà đầu tư. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh 6 tháng bị âm 7,2 tỷ đồng.Tại ngày 30/6, nợ ngắn hạn của VCR đạt 326 tỷ đồng, vượt quá tài sản ngắn hạn (không bao gồm giá trị hàng tồn kho được thu hồi sau 12 tháng) với số tiền 259 tỷ đồng.