CTCP Thép Tiến lên (TLH) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2013, với 3.052 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế 112,2 tỷ đồng, tăng 167% so với năm 2012. Cuối năm 2013, số dư hàng tồn kho của TLH là 848,4 tỷ đồng, tăng 46%, khiến tài sản lưu động tăng hơn 200 tỷ đồng so với đầu năm. Để tài trợ cho vốn lưu động, TLH đã tăng vay nợ ngắn hạn lên 602 tỷ đồng, chiếm xấp xỉ 60% tổng nợ ngắn han. Nợ dài hạn chưa đến 200 triệu đồng, trong đó vay nợ dài hạn bằng 0.
Vào cuối năm 2013, TLH khánh thành Nhà máy thép hình Bắc Nam, dự kiến đi vào hoạt động trong tháng 2/2014, giúp Công ty cung cấp trực tiếp các sản phẩm thép hình ra thị trường, thay vì nhập khẩu như trước đây. Việc đầu tư xây dựng nhà máy, máy móc thiết bị chủ yếu đến từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2014 - 2016, TLH dự kiến huy động 600 tỷ đồng của cổ đông sáng lập để bổ sung vốn lưu động. Cụ thể, năm 2014 là 250 tỷ đồng, năm 2015 là 200 tỷ đồng và năm 2016 là 150 tỷ đồng. Các cổ đông sáng lập sẽ cho TLH vay nợ không lãi suất để giảm gánh nặng tài chính khi Nhà máy thép Bắc Nam đi vào hoạt động. Theo CTCK FPT (FPTS), việc huy động vốn từ cổ đông sáng lập giúp TLH cải thiện cơ cấu vốn, giảm thiểu chi phí lãi vay và tăng hiệu quả hoạt động.
Đối với CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP), trong 4 năm gần nhất (2010 - 2013), IMP không có vay nợ dài hạn, nợ ngắn hạn trong năm 2010 - 2011 có tỷ trọng thấp và bằng 0 trong 2 năm tiếp theo. Tính đến 31/12/2013, tỷ trọng nợ/vốn chủ sở hữu của IMP ở mức 19,4%. Đây được coi là một ưu thế đối với cổ phiếu IMP, bởi hệ số nợ thấp thể hiện khả năng tự chủ về tài chính của DN cao. Bên cạnh đó, cổ tức của DN này khá ổn định, tỷ lệ chia cổ tức phổ biến trong khoảng 22 - 25%, năm 2013 là 34% (đã tạm ứng đợt 1 là 10%). Năm 2013, IMP đạt doanh thu thuần 842,3 tỷ đồng, tăng 3%; lợi nhuận sau thuế đạt 61 tỷ đồng, giảm 21,4% so với năm 2012, do chi phí bán hàng và thuế thu nhập DN tăng.
CTCP Đầu tư và Phát triển Sacom (SAM) được biết đến là DN chủ yếu sử dụng vốn chủ sở hữu để kinh doanh. Tỷ lệ vốn vay/vốn chủ sở hữu hơn 11% và được duy trì nhiều năm nay.
Trong khối CTCK, CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) có vay nợ dài hạn bằng 0 kể từ năm 2010 đến nay, vay và nợ ngắn hạn chỉ chiếm 13,4% tổng nợ ngắn hạn trong năm 2012. Tổng nợ/vốn chủ sở hữu là hơn 52%. Theo báo cáo tài chính riêng, năm 2013, SSI đạt 805 tỷ đồng doanh thu, giảm 9%; trong đó doanh thu môi giới 138 tỷ đồng, tăng 31%, doanh thu tự doanh 295 tỷ đồng, giảm 15%, doanh thu tư vấn gần 29 tỷ đồng, giảm 64% so với năm 2012. Danh mục đầu tư tài chính ngắn hạn của SSI là hơn 1.200 tỷ đồng (trong đó, tiền gửi ngân hàng hơn 1.000 tỷ đồng), các khoản đầu tư tài chính dài hạn 1.685 tỷ đồng. SSI hiện là CTCK có lợi nhuận sau thuế lớn nhất, gần 372 tỷ đồng.
Trong ngành xây dựng, lĩnh vực hoạt động cần nhiều vốn vay, nhưng CTCP Xây dựng số 5 (SC5) có khoản vay nợ dài hạn ở mức thấp. Trong năm 2013, SC5 lãi sau thuế 53,7 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với năm 2012, nhờ khoản lợi nhuận khác 102,5 tỷ đồng. Hàng tồn kho giảm mạnh từ 1.821 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn 861 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm, nhưng khoản phải thu ngắn hạn tăng 107%, tương đương 253,3 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn giảm từ 1.446 tỷ đồng xuống 1.374 tỷ đồng, nợ dài hạn giảm từ 567,6 tỷ đồng xuống 392 tỷ đồng, trong đó vay và nợ dài hạn chỉ hơn 21 tỷ đồng.
Việc các DN có vay nợ ít bước đầu khiến NĐT cảm thấy an tâm, tuy nhiên, cũng cần cân nhắc thêm nhiều yếu tố khác. Chẳng hạn, nếu một DN bất động sản có tỷ lệ nợ dài hạn/vốn chủ giảm so với năm trước, nhưng tỷ lệ nợ ngắn hạn/vốn chủ lại tăng tương ứng thì nhiều khả năng là DN đó sử dụng nợ ngắn hạn “đắp” qua để trả nợ dài hạn đến hạn trả. Việc này khiến DN gặp rủi ro về khả năng thanh toán nếu không tìm được nguồn thu tương ứng để trả nợ, bởi vay ngắn hạn tức thời gian trả nợ cũng ít hơn. Tuy nhiên, nếu hàng tồn kho giảm, DN có nguồn thu từ bán hàng và sử dụng nguồn thu đó để trả bớt nợ vay lại là một tín hiệu tốt.