Những điều tạo động lực mạnh mẽ hơn cả tiền thưởng

Những điều tạo động lực mạnh mẽ hơn cả tiền thưởng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khai vấn (coaching) là một kỹ năng hiện đại và hiệu quả để phát triển con người. Trong bối cảnh biến động mạnh của thị trường, việc sử dụng khai vấn là chìa khóa mở cửa cho kế hoạch năm mới, quan trọng hơn là cầu nối đưa nhà quản lý và nhân viên vào một hành trình chung, hướng đến những mục tiêu ý nghĩa và bền vững.

Khen thưởng không chỉ là tiền

Đã khi nào bạn tự hỏi vì sao quỹ tiền thưởng của tổ chức đã chi khá hào phóng cho nhân viên nhưng đội ngũ vẫn trì trệ? Nếu bạn từng thắc mắc về điều này thì xin chúc mừng vì bạn không hề cô đơn. Trong quá trình khai vấn cho các cấp lãnh đạo doanh nghiệp, đây là vấn đề mà Q.Coaching đã từng được hỏi không ít lần. Cùng xem xét một số điều tạo động lực mạnh mẽ hơn cả tiền thưởng mà nhà lãnh đạo có thể dành cho đội ngũ của mình.

Bà Dương Thúy Quỳnh , Nhà sáng lập và điều hành Q.Coaching
Bà Dương Thúy Quỳnh , Nhà sáng lập và điều hành Q.Coaching

1- Lắng nghe chân thật

Sự lắng nghe chân thật đặt ra yêu cầu không chỉ là lắng nghe ý kiến, mà còn là sự hiểu biết sâu sắc về nhân viên và điều mà họ đang bày tỏ. Nhà lãnh đạo nên tạo điều kiện thực hiện các cuộc trò chuyện mở cửa, tạo nhiều không gian nơi nhân viên có thể chia sẻ suy nghĩ, lo lắng mà thoải mái chia sẻ không sợ bị phán xét.

2- Phát triển cá nhân và chuyển giao kỹ năng

Phát hiện tiềm năng: Nhà lãnh đạo nên thường xuyên thảo luận với nhân viên về mục tiêu dài hạn và ngắn hạn của họ. Điều này giúp nhận biết những tài năng tiềm ẩn và kỹ năng mà họ có thể phát triển.

Chuyển giao kinh nghiệm: Chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức là một hình thức giáo dục không chính thức nhưng hiệu quả. Nhà lãnh đạo có thể tổ chức các phiên thảo luận, hội thảo, hoặc đơn giản là chia sẻ câu chuyện thành công và thất bại của mình để truyền động lực và kiến thức cho đội ngũ.

3- Phản hồi xây dựng

Phản hồi định kỳ: Hãy tạo ra quy trình phản hồi định kỳ để nhân viên biết được họ đang làm rất tốt và điều gì có thể cần cải thiện. Điều này không chỉ giúp họ phát triển mà còn tạo ra một văn hóa làm việc tích cực.

Tạo điều kiện cho sự đa dạng: Nhà lãnh đạo cần khuyến khích môi trường mà mọi ý kiến đều được trọng dụng.

4- Tạo cơ hội thăng tiến và đào tạo

Lập kế hoạch sự thăng tiến: Nhà lãnh đạo có thể tham gia vào việc lập kế hoạch cho lộ trình phát triển, thăng tiến cùng với nhân viên, giúp họ xác định rõ con đường nghề nghiệp của mình và làm thế nào họ có thể đạt được mục tiêu đó.

Hỗ trợ đào tạo: Cung cấp nguồn lực và hỗ trợ cho việc đào tạo sẽ giúp nhân viên phát triển kỹ năng mới và giữ cho họ ở trạng thái liên tục học hỏi.

5- Môi trường làm việc tích cực

Tạo cộng đồng làm việc: Một môi trường làm việc tích cực không chỉ giúp tăng cường sự sáng tạo mà còn tạo ra sự hỗ trợ và tinh thần đồng đội.

Khám phá sự linh hoạt: Khuyến khích sự linh hoạt trong cách nhân viên tiếp cận công việc của họ. Sự linh hoạt này giúp họ tận dụng những cơ hội mà không gặp phải rào cản không cần thiết.

6- Ghi nhận cá nhân hóa

Năm câu hỏi khai vấn quý giá mà nhà quản lý có thể sử dụng để cùng nhân viên “reflect - soi chiếu” và cá nhân hóa sự ghi nhận

(1) Trong suốt năm qua, điều gì đã làm cho bạn hạnh phúc và tự hào nhất về công việc của mình?

Mục tiêu: Tìm ra những thành tựu cá nhân để đẩy mạnh lòng tự tin và tăng cường tinh thần tích cực.

(2) Bạn thấy mình đã phát triển điều gì mới trong công việc hoặc kỹ năng cá nhân của mình?

Mục tiêu: Khám phá và ghi nhận những thay đổi tích cực, từ đó xác định hướng phát triển cá nhân.

(3) Có khả năng hoặc kỹ năng nào bạn cảm thấy còn chưa được khai thác hết trong công việc hàng ngày của bạn không?

Mục tiêu: Khám phá tiềm năng chưa được khai thác và xác định cách để phát triển sức mạnh tiềm ẩn.

(4) Có thách thức nào bạn đã phải đối mặt mà bạn cảm thấy đây là cơ hội để học hỏi và phát triển?

Mục tiêu: Nhấn mạnh tư duy tích cực đối với thách thức và xác định học hỏi từ những trải nghiệm khó khăn.

(5) Hãy chia sẻ những điều bạn nghĩ chúng ta có thể làm để hỗ trợ đồng đội và cấp quản lý? Điều gì có thể cần được cải thiện để team/tổ chức của chúng ta cùng nhau đi nhanh hơn?

Mục tiêu: Mở cửa cho việc thảo luận về mối quan hệ làm việc và tìm kiếm cách để tối ưu hóa sự hỗ trợ và phản hồi từ đồng đội và quản lý.

Xây dựng kế hoạch hiệu quả

Bước sang năm mới, việc xây dựng kế hoạch không chỉ là nhiệm vụ cá nhân, mà còn là cơ hội tuyệt vời để nhà quản lý và nhân viên cùng nhau định hình chiến lược phát triển. Việc xây dựng chiến lược đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về động lực và khả năng của từng nhân viên. Trong hành trình này, khai vấn không chỉ là một công cụ, mà là nghệ thuật tinh tế giúp nhà quản lý và nhân viên kết nối, tìm kiếm ý nghĩa và xây dựng những kế hoạch khả thi cho năm mới.

1. Chạm vào cảm xúc và động lực cá nhân

Chạm vào cảm xúc và động lực cá nhân là một bí quyết để nhà quản lý giúp nhân viên của mình dễ dàng nhìn về các mục tiêu phía trước. Những câu hỏi này mở ra cánh cửa của sự hiểu biết sâu sắc. Thông qua đó, nhà quản lý thấu hiểu và có cho mình những cách thức tinh tế để thúc đẩy và cổ vũ từng nhân viên.

Ba câu hỏi hay mà nhà quản lý có thể sử dụng:

* Câu hỏi 1: Trong những khoảnh khắc hạnh phúc nhất, bạn cảm thấy mình đang làm điều gì?

* Câu hỏi 2: Ngoài công việc, cuộc sống cá nhân của bạn được thúc đẩy bằng những giá trị gì?

* Câu hỏi 3: Điều gì thực sự làm nên bạn và đặt nền tảng cho sự thành công của bạn?

2. Tìm kiếm hành trình phát triển cá nhân

Như trên đã đề cập đến tầm quan trọng của việc nhà quản lý tập trung vào hành trình phát triển cá nhân của nhân viên. Bởi con đường này không chỉ là vấn đề đơn thuần của riêng cá nhân đó, mà còn ảnh hưởng đến sự phồn thịnh và hiệu suất của tổ chức trong dài hạn, giúp giảm thiểu sự mất mát nhân sự - một vấn đề mà nhiều tổ chức đang phải đối mặt, đồng thời giữ cho tri thức và kinh nghiệm nội bộ không bị mất đi.

Những câu hỏi khơi dậy hành trình phát triển cá nhân giúp kích thích sự tò mò và khám phá, tạo ra không gian cho sự sáng tạo và phát triển:

* Câu hỏi 1: Trong sự phát triển cá nhân, bạn nhận thức được những kỹ năng nào cần được mài giũa thêm?

* Câu hỏi 2: Nếu có một khóa học mà bạn mong muốn tham gia trong năm tới thì đó là khóa học gì và tại sao?

* Câu hỏi 3: Có nhiệm vụ cụ thể nào bạn muốn thử nghiệm để mở rộng và khám phá khả năng của mình?

3. Xây dựng mục tiêu thống nhất

Kết hợp mục tiêu cá nhân và mục tiêu tổ chức là bài toán được tất cả các nhà quản lý tham gia các chương trình đào tạo của Q.Coaching đề cập. Tuy vậy, đây không phải là điều mà tổ chức nào cũng có thể làm tốt. Dưới đây là 3 câu hỏi mà nhà quản lý có thể ứng dụng:

* Câu hỏi 1: Mục tiêu lớn nhất của bạn trong năm mới là gì và làm thế nào nó liên quan đến việc định hình sự nghiệp của bạn?

* Câu hỏi 2: Kết quả cụ thể nào bạn mong muốn đạt được và cách chúng tôi có thể hỗ trợ bạn để đạt được chúng?

* Câu hỏi 3: Bạn nghĩ sao về việc kết hợp mục tiêu cá nhân và mục tiêu tổ chức để tạo ra một tầm nhìn chung mạnh mẽ?

Forbes (2021) chỉ ra rằng, các nhân viên được khai vấn có khả năng gắn bó với tổ chức cao hơn 35% so với những người không được khai vấn. Việc ứng dụng triệt để và toàn diện khai vấn như một công cụ thường xuyên trong tổ chức sẽ tạo nên nhiều bước tiến mới trong phong cách lãnh đạo, quản trị. Khai vấn không chỉ là công cụ, mà là cầu nối cảm xúc, nơi mà kế hoạch cho năm mới không chỉ là danh sách công việc, mà là một hành trình có nhiều cảm hứng, động lực, đánh dấu bước ngoặt trong sự phát triển của cả cá nhân và tổ chức.

Tin bài liên quan