Khắc phục bất cập chọn tổ chức tư vấn định giá
Theo quy định tại khoản 3, Điều 22, Nghị định 59/2011, trường hợp có từ 2 tổ chức tư vấn định giá thực hiện đăng ký tham gia cung cấp dịch vụ tư vấn định giá trở lên, thì phải tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị thực hiện tư vấn định giá theo quy định hiện hành.
Theo phản ánh của một số bộ, ngành và DN, việc tổ chức đấu thầu lựa chọn tổ chức tư vấn định giá cũng là một nguyên nhân làm chậm quá trình cổ phần hóa của DN. Phần lớn các hợp đồng tư vấn xác định giá trị DN có giá trị không lớn, nhưng phải tổ chức đấu thầu đang làm hạn chế quá trình cổ phần hóa của DN.
Đến nay, đối tượng thực hiện cổ phần hoá chủ yếu là các DN quy mô lớn, trong đó có các công ty mẹ, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, nên để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các DN này trong thời gian tới, Chính phủ đã quyết định điều chỉnh quy định này theo hướng đối với các gói thầu tư vấn định giá có giá trị không quá 3 tỷ đồng, thì cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án cổ phần hóa có thể lựa chọn hình thức chỉ định thầu để lựa chọn tổ chức tư vấn định giá trong danh sách do Bộ Tài chính công bố; trường hợp xét thấy cần phải tổ chức đấu thầu, thì thực hiện đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Đối với các gói thầu tư vấn không thuộc quy định này, cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án cổ phần hóa quyết định tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị thực hiện tư vấn định giá theo quy định.
Giải tỏa “nút thắt” kiểm toán
Theo quy định tại Nghị định 59/2011, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán kết quả xác định giá trị DN và xử lý tài chính đối với 3 nhóm đối tượng: các DN quy mô lớn có vốn Nhà nước trên 500 tỷ đồng hoạt động kinh doanh trong những lĩnh vực, ngành nghề đặc thù như: bảo hiểm, ngân hàng, bưu chính viễn thông, hàng không, khai thác than, dầu khí…; các công ty mẹ thuộc tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước và các DN khác theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Thực tế, số lượng DN có vốn Nhà nước trên 500 tỷ đồng khá nhiều, nên trường hợp các DN này cùng thực hiện cổ phần hóa, thì việc kiểm toán sẽ không đảm bảo theo đúng thời hạn quy định, dẫn tới kéo dài thời gian. Để tháo gỡ vấn đề này, Nghị định 189/2013 đã điều chỉnh quy định theo hướng, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán các đối tượng: công ty mẹ thuộc tập đoàn kinh tế nhà nước; công ty mẹ thuộc tổng công ty nhà nước và các công ty TNHH một thành viên khác khi có yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ…
Nới thời hạn điều chỉnh giá trị DN
Nghị định 59/2011 quy định, DN cổ phần hóa được điều chỉnh giá trị DN đã công bố trong trường hợp có những nguyên nhân khách quan (thiên tai, địch họa, chính sách thay đổi hoặc do các nguyên nhân bất khả kháng khác) làm ảnh hưởng đến giá trị những tài sản của DN, hoặc sau 12 tháng kể từ thời điểm xác định giá trị DN mà DN chưa thực hiện việc bán cổ phần, ngoại trừ các trường hợp đặc thù theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Thực tế, trong giai đoạn hiện nay, các DN cổ phần hóa thường có quy mô lớn và phải xử lý các vấn đề về tài chính, đất đai, nên việc đảm bảo thời gian 12 tháng là khó. Để khắc phục vấn đề này, tại Nghị định 189/2013 đã quy định điều chỉnh lại thời gian là sau 18 tháng cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Những nội dung điều chỉnh nêu trên đã góp phần hoàn thành một trong những giải pháp quan trọng của quá trình tái cơ cấu DN Nhà nước theo Quyết định 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu DN Nhà nước, đó là hoàn thiện thể chế theo hướng đồng bộ, tháo gỡ các khó khăn từ thực tiễn phát sinh, để triển khai thành công kế hoạch cổ phần hóa các DN 100% vốn Nhà nước. Diễn biến này cùng với bối cảnh kinh tế vĩ mô, TTCK đang có tín hiệu khởi sắc trở lại ngay đầu năm 2014, tiến trình cổ phần hóa sẽ được “làm nóng” trở lại.