5 doanh nghiệp vượt kế hoạch cả năm sau 9 tháng
Theo Báo cáo tài chính quý III/2018 của CTCP Than Hà Tu - Vinacomin (THT), doanh thu thuần đạt 556 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 6,7 tỷ đồng, tăng gấp 7 lần cùng kỳ.
Theo THT, lợi nhuận trong kỳ tăng đột biến là do tiêu thụ than có chất lượng tốt hơn so với cùng kỳ, trong đó than sản xuất tăng 107,2% và than tiêu thụ tăng 130,4%.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của THT đạt 2.129,6 tỷ đồng, tăng 14% và lợi nhuận trước thuế đạt 26,8 tỷ đồng, gấp 2,4 lần cùng kỳ và vượt 32% kế hoạch lợi nhuận cả năm; lợi nhuận sau thuế đạt 21,4 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ.
CTCP Than Núi Béo - Vinacomin (NBC) cho biết, doanh thu thuần trong quý III/2018 đạt 446 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ, giúp lợi nhuận sau thuế trong kỳ mạnh 56%, đạt 9,5 tỷ đồng, bất chấp giá vốn hàng bán tăng 55% lên 374 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2018, doanh thu thuần của NBC đạt 1.552 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt 39,7 tỷ đồng, tăng 46% và hoàn thành vượt 34% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm; lợi nhuận sau thuế đạt gần 31,7 tỷ đồng, cũng tăng 45% so với cùng kỳ.
Theo giải trình của NBC, nguyên nhân lợi nhuận tăng là do Công ty tổ chức sản xuất than chất lượng tốt, sản lượng tiêu thụ tăng cao (đạt 82,3% kế hoạch năm).
Cũng nhờ chất lượng khai thác than tốt, tăng sản lượng tiêu thụ, kết thúc quý III/2018, CTCP Than Hà Lầm - Vinacomin (HLC) báo lãi sau thuế 16,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 4,98 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2018, lãi trước thuế của HLC đạt 39,37 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ và vượt 11% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm; lợi nhuận sau thuế đạt 31,5 tỷ đồng, tăng 79%. Doanh thu thuần 9 tháng đạt 2.275 tỷ đồng, tăng 6% cùng kỳ và hoàn thành 85% kế hoạch năm.
Tại CTCP Than Vàng Danh - Vinacomin (TVD), trong quý III/2018, doanh thu thuần đạt 1.162 tỷ đồng, tăng gấp đôi cùng kỳ, nhưng do giá vốn hàng bán cũng tăng tương ứng (2,3 lần) và các chi phí tăng cao (chi phí tài chính tăng 19%, chi phí bán hàng tăng 61%...) nên lợi nhuận sau thuế chỉ tăng 8%, đạt 8,2 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của TVD đạt 3.166 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 40,3 tỷ đồng, tăng 191% và vượt 23% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Khác với các doanh nghiệp trên, CTCP Than Đèo Nai - Vinacomin (TDN) ghi nhận lỗ sau thuế hơn 7,3 tỷ đồng trong quý III/2010, tăng gần 2,43 lần mức lỗ của cùng kỳ năm trước (3 tỷ đồng).
Tuy nhiên, nhờ kết quả tích cực trong nửa đầu năm nên lũy kế 9 tháng, TDN đạt doanh thu thuần 2.027 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ và hoàn thành 83% kế hoạch cả năm; lợi nhuận trước thuế đạt 38,4 tỷ đồng, tăng đột biến so với mức lãi hơn 1,1 tỷ đồng của cùng kỳ và vượt 64% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm đã đặt ra.
Liên quan đến việc vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm chỉ sau 9 tháng của các doanh nghiệp trên, ngoài việc đẩy mạnh khai thác than chất lượng tốt và tăng sản lượng tiêu thụ, còn do doanh nghiệp đặt kế hoạch lợi nhuận thấp từ đầu năm.
Thống kê cho thấy, chỉ có NBC và TDN đặt mục tiêu lợi nhuận 2018 tăng so với năm 2017, nhưng mức tăng không nhiều, trong khi TCS ở mức tương đương, còn lại đều thấp hơn năm 2017.
Nhiều chỉ tiêu tài chính chưa cải thiện
NBC và HLC có tỷ suất biên lợi nhuận gộp cao nhất, lần lượt là 16,03% và 14,49%, vượt trội so với các doanh nghiệp còn lại. Điều này cho thấy quá trình khai thác khá hiệu quả tại mỏ Núi Béo và Hà Lầm, cũng như mức tiết giảm chi phí tốt nhất của 2 doanh nghiệp này.
Một số chỉ tiêu tài chính của doanh nghiệp.
Với lợi nhuận cao, thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) của các doanh nghiệp đều trên 1.000 đồng, trong đó EPS của HLC đạt 2.995 đồng, cao nhất ngành, tiếp đó là NBC (2.391 đồng), THT (1.666 đồng)...
Tuy nhiên, tỷ lệ sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của các doanh nghiệp than không mấy tích cực, HLC ở mức cao nhất cũng chỉ là 5,46%. Tương tự, tỷ lệ sinh lời trên tài sản (ROA) đều dưới 1%, trong đó THT có ROA tốt nhất là 0,75%.
Về cơ cấu tài sản, HLC có quy mô lớn nhất với tổng tài sản là xấp xỉ 3.880 tỷ đồng tính đến 30/92018, giảm so với con số 4.047 hồi đầu năm. THT có quy mô tài sản thấp nhất, đạt gần 868 tỷ đồng, tăng so với mức 718 tỷ đồng của đầu năm.
Các doanh nghiệp ngành than đều có tỷ trọng nợ/tổng tài sản cao. Trong đó, HLC có tỷ trọng nợ cao nhất gần 92% tổng tài sản, THT có tỷ trọng nợ thấp nhất cũng hơn 67% tổng tài sản. Cùng với đó là chỉ số khả năng thanh toán ngắn hạn thấp, đều dưới 1 lần.
Tuy doanh thu, lợi nhuận ghi nhận sự tích cực, nhưng nhiều chỉ số tài chính quan trọng khác của doanh nghiệp niêm yết ngành than chưa cải thiện. Đây là một trong những lý do khiến hầu hết cổ phiếu than kém hấp dẫn nhà đầu tư.
Tỷ lệ sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của các doanh nghiệp than không mấy tích cực, HLC ở mức cao nhất cũng chỉ là 5,46%. Tương tự, tỷ lệ sinh lời trên tài sản (ROA) đều dưới 1%, trong đó THT có ROA tốt nhất là 0,75%.
Hiện tại, tất cả các cổ phiếu than niêm yết đều có giá dưới mệnh giá (10.000 đồng/CP), diễn biến giá phân hóa. Cổ phiếu thị giá cao nhất là THT đạt mức giá 7.300 đồng (chốt phiên 24/10). Tính từ đầu năm, sau khi lình xình quanh mức giá 5.8.00 đồng/CP trong nửa đầu năm, THT đã bứt lên kể từ tháng 6/2018, đến nay tăng khoảng 26%.
Cũng có được mức tăng giá tương tự là TVD (từ 4.800 đồng/CP lên 5.400 đồng/CP), TCS (từ 4.500 đồng/CP lên 5.000 đồng/CP); TC6 ((từ 4.500 đồng/CP lên 5.500 đồng/CP)...
Ngược lại, các cổ phiếu HLC, TDN, NBC trong xu hướng giảm. Về thanh khoản, NBC, THT và TC6 có thanh khoản tốt hơn các cổ phiếu khác cùng ngành.
Do ảnh hưởng của yếu tố thời tiết, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết ngành than thường gặp khó khăn trong quý cuối năm.
Tuy nhiên, với kết quả kinh doanh quý III tích cực, kỳ vọng bức tranh kinh doanh cả năm của các doanh nghiệp này vẫn duy trị được gam màu sáng, giúp cải thiện sức hút đối với nhà đầu tư.