Việc thiếu quy định về sang tên tài sản đảm bảo là nhà đất đang làm chậm quá trình xử lý nợ xấu của ngân hàng

Việc thiếu quy định về sang tên tài sản đảm bảo là nhà đất đang làm chậm quá trình xử lý nợ xấu của ngân hàng

Những “điểm nóng” pháp lý ngành ngân hàng - kỳ cuối: lối thoát xử lý nợ xấu

(ĐTCK) Con đường tái thiết cho các ngân hàng đến nay đã có thể hình dung được. Dẫu vậy, cần phải xử lý hàng loạt những bất cập, tạo sự thông thoáng cho hàng lang pháp lý thì công cuộc tái thiết ngành ngân hàng mới có thể đến đích thành công.

Bài 5: Lối thoát cho ngân hàng

Khai thông thủ tục xử lý tài sản thế chấp

Nợ xấu tăng cao trong thời gian qua đã trở thành chướng ngại cho đà tăng trưởng của nền kinh tế, trong khi đó, việc xử lý nợ xấu lại bị cản trở bởi những bất cập trong quy định liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm, đặc biệt là bất động sản.

Bộ luật Dân sự và Nghị định 163 của Chính phủ có lẽ đã đầy đủ cơ sở, căn cứ và tạo tiền đề pháp lý cho ngân hàng tiến hành xử lý mạnh mẽ, dứt điểm tài sản bảo đảm, xóa đi các khoản nợ xấu thông qua cơ chế phối hợp với khách hàng bán, hoặc nhận chính tài sản thay thế nghĩa vụ trả nợ. Nhưng triển khai thực tế, thì phương án nào cũng có những bất cập và khó thực thi. Lý do là cơ quan đăng ký sang tên nhà đất không chấp nhận những trường hợp sang tên mà không có ủy quyền của chủ tài sản, nghĩa là không chấp nhận việc ngân hàng đơn phương xử lý tài sản bảo đảm. Như vậy, ngân hàng chỉ xử lý được nếu phối hợp với chủ tài sản, điều mà thực tế, sự thoái thác, chây ỳ mới là cái ngân hàng nhận được từ chủ tài sản với muôn vàn lý do.

Ngay cả khi ngân hàng và chủ tài sản đạt được sự đồng thuận bàn giao tài sản, để thay thế nghĩa vụ trả nợ, thì vẫn bị cơ quan đăng ký sang tên nhà đất từ chối thực hiện do chưa có quy định hướng dẫn về thủ tục hành chính này. Đến giờ, chỉ có thủ tục chuyển nhượng bán, tặng cho, thừa kế, chưa có thủ tục hành chính liên quan đến việc gán nợ thay thế nghĩa vụ trả nợ.

Thế là, dù quy định về giao dịch bảo đảm đã rõ ràng, nhưng vẫn còn thiếu cầu nối giữa hệ thống quy định pháp luật về hành chính trong quản lý nhà đất. Trở ngại này làm chậm bước tiến trong quá trình xử lý bất động sản bảo đảm của ngành ngân hàng.  Những cán bộ quản lý hành chính không trợ giúp ngân hàng, không phải do họ không hiểu quyền lợi chính đáng mà pháp luật dành cho ngân hàng. Nguyên nhân là do họ e ngại trách nhiệm khi chủ động làm những việc vốn chưa được thủ tục hóa công khai, điều vốn thuộc về thuộc tính của quản lý hành chính Nhà nước.

Giải quyết điều này không khó, chỉ cần một cơ chế phối hợp ở mức độ thông tư liên ngành giữa Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Xây dựng và cơ quan hữu quan khác là có thể khai thông nút tắc này.

Trao cho ngân hàng công cụ xử lý thực trạng khách hàng

Công nhận đảo nợ chính là một công cụ pháp lý cần có, để ngân hàng có thể áp dụng trong xử lý nợ xấu, hỗ trợ cho DN. Hầu hết các doanh nghiệp có nợ xấu từ việc sử dụng vốn sai mục đích, dùng vốn ngắn hạn đầu tư trung dài hạn đều thừa nhận thực tế có nhu cầu đảo nợ theo tính hợp lý thời gian của khoản vay, giảm áp lực trả nợ.

Việc này ngân hàng có thể làm, nhưng thiếu khuôn khổ đảm bảo sự an toàn về mặt pháp lý cho chính ngân hàng, dẫn đến nhiều trường hợp đúng, sai hoàn toàn phụ thuộc vào nhận định của Cơ quan Thanh tra Ngân hàng Nhà nước. Nếu bị quy kết là sai thì ngân hàng buộc phải cắt đứt sự hỗ trợ đó, thậm chí bị quy kết trách nhiệm.

Khái niệm “đảo nợ” đã xuất hiện tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997 và hàng loạt quy chế cho vay của Ngân hàng Nhà nước qua các thời kỳ lịch sử (Quy chế 324 năm 1998, Quy chế 284 năm 2000, Quy chế 1627 hiện hành), với nội dung chờ xác định triển khai theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước. Đã đến lúc, Ngân hàng Nhà nước cần hồi đáp sự chờ đợi này.

Miễn, giảm nợ gốc là một công cụ pháp lý khác mà pháp luật cần trao cho ngân hàng. Hệ thống pháp luật hiện hành không có quy định nào cho phép ngân hàng được miễn, giảm nợ gốc cho khách hàng. Trong nhiều trường hợp, việc miễn, giảm nợ gốc là yếu tố cần thiết để ngân hàng sớm xử lý nợ, thu hồi đáng kể phần nợ gốc còn lại đưa vào chu trình tái kinh doanh tạo lợi nhuận. Nhưng việc thiếu cơ sở pháp lý cho việc này đã dẫn đến sự do dự trong quyết định của các ngân hàng. Chỉ khi pháp luật quy định rõ quyền miễn, giảm nợ gốc thuộc về ngân hàng, thì ngân hàng mới có thể mạnh tay hơn trong xử lý tài sản đảm bảo, không bỏ lỡ cơ hội xử lý dứt điểm khoản nợ.

Ngoài ra, cần nâng cao hiệu quả và tính chủ động trong cơ chế xử lý nợ của các định chế tài chính lớn như Công ty Quản lý tài sản các TCTD (VAMC), Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng (DATC), Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Mặc dù VAMC, DATC đều có chức năng xử lý nợ theo cơ chế thị trường, nhưng hoạt động thực tế mới dừng lại như công cụ thực thi chính sách của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính. Trao cho các định chế này sự tự chủ, dám làm dám chịu, bởi cơ chế phân định rõ ràng trách nhiệm qua hạn mức giao dịch, hạn mức lỗ, hạn mức miễn, giảm trách nhiệm khi phát sinh hậu quả kinh doanh từ xử lý nợ theo cơ chế thị trường, thì mới mong các định chế tài chính này trở thành động lực lớn trong việc tái thiết ngành ngân hàng.

Mở rộng khung pháp lý nhằm thu hút nguồn lực bên ngoài

Khi nội lực có dấu hiệu suy kiệt, việc sử dụng ngoại lực là không tránh khỏi và là thực tế phải chấp nhận. Thời gian qua, có nhiều phản ánh lạc quan về triển vọng cơ hội, tiềm năng của việc thu hút vốn ngoại vào xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm, nhất là bất động sản. Tuy nhiên, thực tế, những thương vụ cụ thể vẫn chưa xuất hiện. Điều này có thể lý giải, NĐT nước ngoài quan tâm nợ xấu chủ yếu vì quan tâm đến tài sản, nhưng hành lang pháp lý hiện tại chưa đủ thông thoáng để họ tham gia.

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có quy chế về mua bán nợ của tổ chức tín dụng đề cập đến bên mua có thể là tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nhưng cơ chế triển khai cụ thể, thì quy định sơ sài. Nếu muốn thu hút NĐT nước ngoài, trước tiên cần phải xử lý vấn đề này.

Hiện nay, pháp luật chưa quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép trở thành bên nhận thế chấp, đặc biệt là thế chấp bất động sản ở Việt Nam. Thậm chí, theo quan điểm áp dụng luật của một số cơ quan Nhà nước, thì ngay cả tổ chức, cá nhân trong nước cũng không được phép nhận thế chấp nhà ở, nếu không phải là tổ chức tín dụng (Điều 114, Luật Nhà ở quy định điều kiện thế chấp nhà “chỉ được thế chấp tại một tổ chức tín dụng”). Do đó, NĐT nước ngoài sẽ chẳng dại mua lại nợ xấu của ngân hàng, nếu như họ không được đứng ra nhận thế chấp tài sản bảo đảm.

NĐT nước ngoài luôn quan tâm yếu tố tạo lập, mua bán chuyển nhượng các tài sản, bởi đó là giao dịch tất yếu sau những tiến trình xử lý nợ xấu. Nhưng đến nay, pháp luật Việt Nam vẫn chưa mở cửa cho vấn đề này. Việc sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, Luật Nhà ở và bất kỳ mảng pháp lý nào liên quan, để tạo hành lang pháp lý cho quyền sở hữu, tham gia giao dịch thu hút vốn đầu tư nước ngoài là điều cần thiết. Mặc dù để ngăn ngừa các yếu tố nhạy cảm trong nguồn vốn đầu tư, chúng ta hoàn toàn có những giải pháp riêng biệt ứng phó.

Một kênh dẫn vốn vào xử lý nợ xấu, tái thiết ngân hàng cũng như doanh nghiệp đó chính là chứng khoán hóa nợ xấu, chuyển nợ xấu thành tỷ lệ vốn góp. Việc này không dễ  thực hiện được vì bị ràng buộc bởi giới hạn tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, những tín hiệu gần đây từ cơ quan quản lý Nhà nước trong mở rộng tỷ lệ vốn sở hữu ngoại đã nói lên nhu cầu cấp thiết trong việc khai thông kênh dẫn vốn này.

Kết

Chứng kiến thăng trầm của ngành ngân hàng trong hơn chục năm qua và trước thực trạng nan giải của hôm nay, có lẽ không khó để nhìn nhận ra nhiều vấn đề cần giải quyết của ngành ngân hàng. Những trở ngại điểm tên còn chưa đủ, nhưng cũng để chúng ta thấy rằng pháp luật sẽ là yếu tố quyết định trước chuyển biến tích cực của ngành ngân hàng. Điều dễ nhận thấy nhất, chúng ta đang trong một giai đoạn chưa từng có của lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam. Giai đoạn lịch sử của những bài học, những trải nghiệm pháp lý quý báu cho con đường tái thiết, phát triển bền vững ngành ngân hàng.

Tin bài liên quan