Trả cổ tức cao bằng cổ phiểu để tăng mạnh vốn
Ngày 13/6, HDBank sẽ tiến hành ĐHCĐ thường niên để thông qua các chiến lược hoạt động của năm 2020, trong đó có kế hoạch tăng thêm hơn 6.278 tỷ đồng vốn điều lệ từ việc chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 50% và phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 15%. Vốn điều lệ của HDBank sau khi hoàn tất tăng thêm sẽ đạt trên 16.088 tỷ đồng.
Ngày 16/6 tới, ACB sẽ tiến hành ĐHCĐ thường niên 2020. Theo đó, ACB có kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm nay từ mức 16.627 tỷ đồng lên 21.615 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 30%.
Thời gian dự kiến hoàn thành việc tăng vốn trong quý IV/2020. Bên cạnh đó, ACB cũng sẽ trình cổ đông thông qua việc chuyển đăng ký niêm yết cổ phiếu ACB từ HNX sang HOSE.
Tại ĐHCĐ dự kiến diễn ra ngày 30/6, OCB cũng đưa ra mục tiêu chia cổ tức bằng cổ phiếu, tỷ lệ từ 25-27%.
OCB đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 7.899 tỷ đồng lên hơn 8.767 tỷ đồng vào giữa tháng 3/2020, sau khi cổ đông Ngân hàng thông qua phương án chào bán riêng lẻ gần 86,9 triệu cổ phiếu, tương đương 11% vốn, cho Ngân hàng Aozora của Nhật Bản.
Năm nay, OCB đặt mục tiêu hoàn thành việc tăng vốn điều lệ thông qua phát hành riêng lẻ cho đối tác này. Theo công bố mới nhất của OCB, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại OCB hiện là 4,98%, thuộc về một quỹ của Vina Capital.
Tại SCB, ĐHCĐ thường niên 2020 diễn ra ngày 29/5 đã thông qua các kế hoạch hoạt động của năm nay.
Trong kế hoạch đẩy mạnh tái cơ cấu ở giai đoạn 2, SCB sẽ thực hiện việc tăng thêm 5.000 tỷ đồng vốn điều lệ bằng việc phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông trong, ngoài nước để nâng tổng vốn điều lệ lên 20.231 tỷ đồng.
Lo ngại nợ xấu tăng
Tác động của đại dịch Covid-19, cũng như thực hiện theo Chỉ thị số 02/CT-NHNN của NHNN trong việc “kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính phù hợp với tình hình thực tế trước khi tổ chức ĐHCĐ”, năm 2020, Eximbank đặt mục tiêu cắt giảm mạnh chi phí hoạt động 326 tỷ đồng (giảm hơn 11% so với kế hoạch ban đầu năm 2020), huy động vốn đạt 147.800 tỷ đồng (giảm 8%) và dư nợ cấp tín dụng đạt 122.275 tỷ đồng (giảm 4%).
Theo kế hoạch điều chỉnh, chi phí dự phòng đã trích chủ động tăng 414 tỷ đồng so với kế hoạch 2020.
Với các nội dung điều chỉnh như trên, kế hoạch lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi giảm 10,3%, kế hoạch xử lý các tài sản thế chấp của khách hàng có nợ xấu, trái phiếu VAMC theo kế hoạch đầu năm buộc phải giãn tiến độ sang năm tiếp theo, khiến tổng kế hoạch lợi nhuận Eximbank trước thuế là 1.318 tỷ đồng, giảm 40% so với kế hoạch đầu năm 2020.
Kết thúc quý I/2020, nợ nhóm 3, 4, 5 tăng đã tăng nhiều ngân hàng, đẩy tỷ lệ nợ xấu cao hơn so với đầu năm.
Đơn cử, tại TPBank, nợ xấu tính đến cuối tháng 3 là 1.884 tỷ đồng, tăng 53% so với đầu năm; trong khi đó, dư nợ cho vay tăng 5% lên 100.509 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 1,29% lên 1,87%.
Hay tại Saigonbank, nợ xấu nội bảng đã tăng tới 95% trong 3 tháng đầu năm, lên mức 377 tỷ đồng, trong đó chủ yếu do nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng mạnh từ 1,96% lên 2,65%.
Với Sacombank, nợ xấu nội bảng tính đến cuối tháng 3 ở mức 6.046 tỷ đồng, tăng hơn 300 tỷ đồng so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 1,94% lên 1,97%.
Thực tế, hoạt động xử lý nợ xấu của Sacombank có dấu hiệu chậm lại trong những tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước, khi lãi từ hoạt động khác giảm tới 76,6%, chỉ đạt 71 tỷ đồng, nợ xấu tại VAMC cũng chưa có sự chuyển biến rõ rệt...
Dư nợ khách hàng dự kiến bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống.
Các ngân hàng lo ngại nợ xấu sẽ tăng mạnh trong 2 quý cuối năm do độ trễ của dịch Covid-19 tác động lên hoạt động của ngành.
Ảnh hưởng của dịch bệnh cũng khiến khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng đúng hạn, dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống.
Theo tính toán của NHNN, trường hợp dịch bệnh được kiểm soát trong quý I, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ đã bán cho VAMC và nợ đã phân loại sẽ ở mức 2,9-3,2% vào cuối quý II và 2,6-3% vào cuối năm.
Trường hợp dịch được kiểm soát trong quý II, tỷ lệ này sẽ tăng lên 4% và 3,7% tương ứng vào cuối quý II và cuối năm. Thậm chí, NHNN cho rằng, nợ xấu còn có thể cao hơn, ảnh hưởng đến tiến độ tái cơ cấu, xử lý nợ xấu của các ngân hàng, cũng như khả năng phục hồi của các nhà băng yếu kém.