1. Về thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát
Về giá cả thị trường: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 02 tăng 0,42% so với tháng trước, tăng 1,27% so với cùng kỳ năm trước; bình quân hai tháng đầu năm tăng 1,03% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tháng 02/2016 tăng 0,27% so với tháng trước và tăng 1,93% so với cùng kỳ năm trước.
Về thu - chi ngân sách nhà nước: Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/02, tổng thu NSNN ước đạt 160,1 nghìn tỷ đồng, bằng 15,8% dự toán, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước; tổng chi NSNN ước đạt 185,59 nghìn tỷ đồng, bằng 14,6% dự toán năm, tăng 5,2%.
Thu hút vốn nước ngoài hai tháng đầu năm tiếp tục đạt kết quả khá: vốn FDI thực hiện ước đạt 1,5 tỷ USD, tăng 15,4% cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký ước đạt trên 2,8 tỷ USD, gấp 2,4 lần cùng kỳ năm trước, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài giải ngân ước đạt 275 triệu USD, tăng 8,7%.
2. Về thực hiện mục tiêu phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế
Về sản xuất công nghiệp: Chỉ số sản xuất công nghiệp hai tháng đầu năm tăng 6,6%; trong đó: sản xuất, phân phối điện tăng 12,8%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 9,2%; công nghiệp chế biến chế tạo tăng 8,5%; khai khoáng giảm 1,7%.
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gặp nhiều khó khăn do diễn biến thời tiết xấu; rét đậm, rét hại kéo dài ở phía Bắc; khô hạn và xâm nhập mặn nghiêm trọng ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tình trạng khô hạn và thiếu nước ngọt cũng đang ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân tại các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Về gieo cấy lúa: tính đến ngày 15/02/2016, cả nước đã gieo cấy 2.393,1 nghìn ha lúa đông xuân, tương đương cùng kỳ năm trước; trong đó: các tỉnh phía Bắc đạt 480,6 nghìn ha; các tỉnh phía Nam cơ bản gieo cấy xong, đạt 1.912,5 nghìn ha. Riêng các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch được 321,2 nghìn ha lúa đông xuân sớm, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trựớc.
Về khu vực dịch vụ: tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng hai tháng đầu năm ước tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước, nêu loại trừ yếu tố giá tăng 8,3%. Khách quốc tế đến nước ta ước đạt 1,64 triệu lượt, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2015.
Về xuất, nhập khẩu: trong hai tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 23,7 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt gần 22,8 tỷ USD, giảm 6,6%; xuất siêu khoảng 865 triệu USD, bằng 3,7% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Đánh giá chung, trong hai tháng đầu năm, các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2016 của Chính phủ và các Chỉ thị, Công điện của Thủ tướng Chính phủ về bình ổn giá cả, thị trường, chuẩn bị cho nhân dân đón Tết Nguyên đán cũng như các nhiệm vụ cần triển khai thực hiện sau Tết Nguyên đán và đã đạt được những kết quả tích cực.
Nguồn cung hàng hóa, dịch vụ dồi dào; giá cả thị trường trong và sau Tết khá ổn định, không có hiện tượng sốt giả như các dịp Tết trước đây. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển. Sản xuất công nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu hai tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ năm trước.
Khu vực dịch vụ phát triển khá; khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2 tăng so với tháng trước và tăng so với cùng kỳ năm trước; tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiếp tục tăng cao, cho thấy các tín hiệu cải thiện về sức mua và tổng cầu. Thu hút FDI tiếp tục đạt được những kết quả tích cực; giải ngân vốn FDI, vốn ODA và vay ưu đãi tăng cao so với cùng kỳ.
Các chính sách bảo đảm an sinh xã hội được quan tâm thực hiện, đời sống của người dân, đặc biệt là người có công, hộ nghèo, đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được quan tâm cả về vật chất lẫn tinh thần; an ninh chính trị được giữ vững; công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ được tăng cường... bảo đảm mọi người dân đều được đón Tết, vui Xuân đầm ấm, an toàn.
Tuy nhiên, đầu tháng 2, các đợt rét đậm, rét hại đã gây thiệt hại về cây trồng và gia súc ở các tỉnh miền núi phía Bắc; tình trạng xâm nhập mặn tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long; khô hạn, thiếu nước tưới cho sản xuất và sinh hoạt tại các tỉnh Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên đang ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân. Thiệt hại về rừng tăng cao so cùng kỳ. Tình hình tai nạn giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp, số vụ tai nạn nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng vẫn còn cao.