Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã chia sẻ rất nhiều điểm mới trong Quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
“Mới” là cụm từ được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhắc đến rất nhiều khi nói về Quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đó là tư duy mới - tầm nhìn mới - cơ hội mới - giá trị mới. Và hơn hết, thực thi Quy hoạch, Vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có diện mạo mới.
Chia sẻ Quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, bản quy hoạch vùng đầu tiên hoàn thành và được Chính phủ thông qua theo quy định của Luật Quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nhắc tới cái “mới” đầu tiên chính là “tư duy mới”.
Tư duy mới, theo lý giải của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, chính là chủ động kiến tạo phát triển Vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng bền vững, hài hòa, dựa trên ba trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường; lấy con người là trung tâm, tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi; tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế của vùng; chú trọng bảo vệ, tôn tạo và phát triển văn hóa - xã hội và hệ sinh thái tự nhiên.
Cùng với đó, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, an ninh biên giới, an ninh vùng biển và hải đảo của Tổ quốc.
“Tư duy mới là khi chúng ta xác định sẽ linh hoạt, nhạy bén, sáng tạo, biến thách thức thành cơ hội, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng chủ yếu dựa vào sử dụng hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đẩy mạnh cơ lại kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái là trọng tâm, công nghiệp năng lượng là đột phá, dịch vụ là bệ đỡ”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, sẽ đổi mới, cải cách mạnh mẽ, chuyển đổi nhanh mô hình phát triển từ phân tán, nhỏ lẻ sang phát triển theo hướng tập trung; hình thành một số vùng động lực, các hành lang kinh tế, các chuỗi đô thị, nhất là đô thị vùng sông nước.
Quan trọng không kém, là liên kết phát triển, hình thành và phát triển các hành lang kinh tế thông qua liên kết trong và ngoài Vùng ở tất cả các cấp độ.
Một tư duy mới khác, đó chính là phát triển bền vững, chiến lược lâu dài cho Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nâng cao năng lực cạnh tranh theo hướng phát triển hạ tầng đi trước, tạo nền tảng cho sự phát triển nhanh, bền vững của vùng, trước hết tập trung phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu, có ý nghĩa quan trọng cấp quốc gia, cấp vùng như giao thông, thủy lợi, năng lượng, cung cấp nước sạch và kết cấu hạ tầng phục vụ việc chuyển đổi mô hình phát triển của Vùng.
Trong khi đó, tầm nhìn mới, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, chính là “phát triển Đồng bằng sông Cửu Long nhanh và bền vững, hiện đại, sinh thái, văn minh, mang đậm đà bản sắc văn hóa”.
Các mục tiêu cụ thể được hướng đến, đó là đến năm 2050, Đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước; là nơi đáng sống đối với người dân, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách và nhà đầu tư; các cộng đồng dân cư thịnh vượng và năng động…
Đồng thời, đưa Vùng trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp xanh, sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng và giá trị gia tăng cao của quốc gia, khu vực và thế giới.
Còn về cơ hội mới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đến năm 2030, hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc kết nối vùng với vùng Đông Nam Bộ, hệ thống cảng biển và các cửa khẩu quốc tế, hệ thống đường ven biển, phát triển một số trục kết nối đến các đầu mối vận tải lớn, các khu công nghiệp; đồng thời tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, trong đó chú trọng kết nối các trung tâm đầu mối với hành lang vận tại và hệ thống cảng chuyên dùng đường thủy nội địa.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang có nhiều cơ hội để phát triển. |
“Trong tầm nhìn chiến lược, chúng ta sẽ tập trung triển khai tuyến đường bộ ven biển trở thành hành lang kinh tế thực thụ để đóng góp cho tăng trưởng và phát triển bền vững kinh tế vùng, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh. Tuyến đường ven biển sẽ giúp sắp xếp lại dân cư vùng ven biển, mở ra không gian hướng biển, không gian phát triển kinh tế biển”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, phát triển nông nghiệp là thế mạnh, cũng là sứ mệnh của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Còn công nghiệp, sẽ phát triển theo hướng bền vững, với công nghệ tiên tiến thân thiện với môi trường, trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, gắn với kinh tế biển, kiểm soát tài nguyên biển, phục hồi hệ sinh thái biển...
Cùng với đó, cơ hội mới của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn là phát triển kết cấu hạ tầng thương mại hiện đại, đồng bộ; phát triển mạnh kinh tế biển; cũng như phát triển Đồng bằng sông Cửu Long trở thành thương hiệu quốc tế về du lịch nông nghiệp - nông thôn, du lịch sinh thái (miệt vườn sông nước, đất ngập nước) và du lịch biển…
“Cần Thơ và Phú Quốc sẽ trở thành hai trung tâm du lịch quốc tế, là cửa ngõ đón khách của toàn vùng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Trong khi đó, về giá trị mới, theo Bộ trưởng, thực hiện Quy hoạch, Vùng Đồng bằng sông Cửu Long từ chỗ phát triển “dưới tiềm năng” thành nơi đáng sống, năng động, thịnh vượng, là điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch và nhà đầu tư.
Cụ thể, năm 2030, quy mô nền kinh tế lớn hơn 2 -2,5 lần so với hiện nay. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được xây dựng đồng bộ, hiện đại, phân bổ hợp lý và thích ứng với biến đổi khí hậu. Môi trường sống được tạo dựng bền vững, chất lượng sống của người dân được nâng lên gắn liền với bảo tồn tài nguyên và hệ sinh thái.
Tuy nhiên, để thực hiện được Quy hoạch, để mang tới diện mạo mới cho Vùng đồng bằng sông Cửu Long, theo Bộ trưởng, điều quan trọng là các địa phương trong vùng phải cùng nhìn về một phí, coi quy hoạch và mục tiêu tổng thể của Vùng là quan trọng nhất, chứ không mâu thuẫn nhau, triệt tiêu kết động lực…
“Phải liên kết để bổ sung, hỗ trợ nhau, hợp tác để biến thành sức mạnh, để sử dụng hiệu quả nguồn lực để cùng phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, nhiệm vụ của toàn Vùng là cần biến thách thức thành cơ hội, coi thách thức là động lực để chuyển đổi nhanh mô hình tăng trưởng theo hướng gia tăng hiệu quả và giá trị, chú trọng phát triển khai thác hiệu quả nguồn lực từ con người, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Bộ trưởng chia sẻ niềm tin rằng, khi chúng ta có bản quy hoạch tốt, bố trí các nguồn lực đầu tư, dành các ưu tiên cho Vùng Đồng bằng sông Cửu Long cùng các chính sách đi kèm để thu hút các nhà đầu tư, chắc chắn diện mạo Vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có bước thay đổi hết sức nhanh chóng.
“Với 5 tư duy mới và 7 đột phá trong quy hoạch phát triển Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chắc chắn diện mạo của Vùng sẽ thay đổi lớn trong thời gian tới đây”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.