Chuyển đổi số, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo,... có thể là giải pháp cho việc tinh giản bộ máy hành chính. Ảnh: Shutterstock.

Chuyển đổi số, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo,... có thể là giải pháp cho việc tinh giản bộ máy hành chính. Ảnh: Shutterstock.

Những điểm đáng chú trong trong khảo sát môi trường đầu tư Việt Nam của các doanh nghiệp châu Âu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù được đánh giá cao, nhưng các nhà đầu tư vẫn kêu gọi Việt Nam tiếp tục tinh giản bộ máy hành chính.

Theo báo cáo Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) quý IV/2023, do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), (2%) nhà đầu tư được hỏi coi Việt Nam là “lãnh đạo ngành công nghiệp”, đáng chú ý là 29% xếp Việt Nam vào danh sách “các quốc gia cạnh tranh hàng đầu” trong ASEAN. Đa số (45%) coi Việt Nam là đối thủ cạnh tranh mạnh trong thu hút đầu tư nước ngoài so với các nước khác, mặc dù vẫn còn một số thách thức nhất định.

Cuộc khảo sát cũng làm sáng tỏ đánh giá đa chiều của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu về lực lượng lao động Việt Nam. Số liệu thống kê cho thấy một bức tranh phức tạp, với 32% số người được hỏi cho rằng lực lượng lao động đã có trình độ khá tốt, nhưng vẫn cần cải thiện kỹ năng và chuyên môn. Tương tự, 24% số người trả lời hài lòng về khả năng sẵn có của lực lượng lao động, tuy nhiên, đôi lúc sự sẵn có này cũng không hoàn toàn phù hợp với các yêu cầu hoặc quy mô cụ thể mà các doanh nghiệp quốc tế mong muốn.

Trong khi đó, 40% số người được hỏi đánh giá lực lượng lao động của Việt Nam có trình độ vừa phải, cho thấy sự kết hợp giữa các kỹ năng cơ bản và trung cấp; 50% đánh giá mức độ sẵn có của lực lượng lao động cũng ở mức vừa phải, phản ánh thách thức trong việc tìm kiếm ứng viên đủ tiêu chuẩn. Những kết quả này cho thấy rằng việc phát triển và đào tạo cho lực lượng lao động là cần có để có thể nâng cao trình độ và tính sẵn sàng và đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu của thị trường toàn cầu.

Thông qua khảo sát, EuroCham nhận được những thông tin giá trị về những thách thức pháp lý mà cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam phải đối mặt. 52% số người được hỏi xác định “gánh nặng hành chính và sự kém hiệu quả của bộ máy” là một trong ba rào cản hàng đầu, nêu bật ảnh hưởng của sự quan liêu đối với hoạt động kinh doanh. 34% doanh nghiệp nhấn mạnh “các quy tắc và quy định không rõ ràng và được giải thích khác nhau” cũng là một thách thức lớn, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc rõ ràng và nhất quán trong khuôn khổ pháp lý.

Khảo sát lần này cũng làm rõ hơn những thách thức và cơ hội pháp lý của Việt Nam. Theo đó, đảm bảo giấy phép và các phê duyệt cần thiết là mối quan tâm của 22% số người được hỏi, chỉ ra những rào cản về thủ tục trong hoạt động kinh doanh; 20% cho rằng “thiếu chuyên gia địa phương có trình độ chuyên môn trong các lĩnh vực chuyên ngành” là một vấn đề quan trọng, cho thấy khoảng cách về nguồn nhân lực cần được cân nhắc và giải quyết; 19% công ty nhận thấy “các quy định về thị thực, giấy phép lao động và quy định lao động đối với người nước ngoài” là thách thức, phản ánh sự phức tạp của việc quản lý lực lượng lao động quốc tế theo hệ thống pháp luật hiện hành.

Về mặt giải pháp, cuộc khảo sát nêu lên những lĩnh vực chính cần cải thiện để tăng sức hấp dẫn của Việt Nam đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài. 54% số người được hỏi kêu gọi “tinh giản bộ máy hành chính”, cho thấy rằng việc giảm bớt các quy trình quan liêu có thể cải thiện đáng kể môi trường kinh doanh; 45% nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “tăng cường hệ thống pháp luật và môi trường pháp lý”, trong khi 30% coi “phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm đường, cảng và cầu” là điều cần thiết để thu hút FDI.

Một điểm quan trọng khác cũng được EuroCham đề cập đến, đó là những thành tựu và thách thức với Việt Nam trong năm 2023 trước Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU.

Năm 2023, tiềm năng của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) ngày càng được doanh nghiệp chú ý hơn. Đến quý IV/2023, 27% công ty báo cáo đã nhận được lợi ích từ mức “vừa đủ” đến “đáng kể” từ thỏa thuận, tăng rõ rệt so với mức 18% trong quý II. Ưu điểm quan trọng nhất của EVFTA là “giảm hoặc xóa bỏ thuế quan” (42%), “tăng khả năng tiếp cận thị trường vào Việt Nam” (27%) và “cải thiện khả năng cạnh tranh ở Việt Nam” (25%), cho thấy tác động kinh tế đáng kể.

Tuy nhiên, khảo sát cũng cho thấy những thách thức trong việc tận dụng tối đa tiềm năng của EVFTA. Khoảng 13% phản hồi cho rằng “sự không chắc chắn hoặc không hiểu rõ về thỏa thuận” là trở ngại chính, cho thấy cần phải có sự chia sẻ thông tin rõ ràng hơn về các điều khoản của thỏa thuận. Trên hết, 9% cho rằng “thủ tục thông quan không rõ ràng và kéo dài” là một trở ngại, cho rằng sự kém hiệu quả này có thể làm giảm lợi ích của hiệp định thương mại.

Theo chủ tịch EuroCham Gabor Fluit, trước sự cạnh tranh kinh tế ngày càng tăng trong khu vực, Việt Nam vẫn nên cảnh giác. Điều quan trọng là Việt Nam phải tiếp tục hoàn thiện các chính sách và chiến lược của mình để thu hút và duy trì đầu tư trực tiếp nước ngoài của châu Âu. Một lĩnh vực quan trọng cần tập trung là đơn giản hóa thủ tục hành chính, một trở ngại lớn đối với các doanh nghiệp. Đồng thời, đầu tư vào cơ sở hạ tầng để giảm chi phí hậu cần và nâng cao trình độ của lực lượng lao động cũng rất quan trọng. Điều này sẽ giúp đất nước duy trì tính cạnh tranh và quỹ đạo tăng trưởng.

“Trong tương lai, tầm quan trọng của việc Việt Nam tận dụng EVFTA sẽ ngày càng tăng lên. Hiệp định này, cùng với các hiệp định thương mại song phương và khu vực khác nhau của Việt Nam, được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi quá trình phục hồi kinh tế hiện tại thành tăng trưởng cân bằng và dài hạn. Trong suốt quá trình này, EuroCham Việt Nam cam kết sẽ hết lòng hỗ trợ”, ông Gabor Fluit nhấn mạnh.

Tin bài liên quan