TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng

TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng

Những điểm cần chú ý trong Đề án Tái cấu trúc ngân hàng

(ĐTCK) Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, nợ xấu cao, thanh khoản yếu và quản trị kém chính là những vẫn đề cần chú ý trong Đề án Tái cấu trúc ngân hàng.

> Toàn cảnh ngành ngân hàng Việt Nam 2012

Vấn đề nợ xấu

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng vào cuối quý I/2012 khoảng 3,6%, trong khi Fitch Ratings ước lượng nợ xấu của Việt Nam khoảng 12 -13% và theo một số nghiên cứu trong nước là khoảng 10%.

Nếu chỉ dựa vào tỷ lệ nợ xấu 10% và tỷ trọng tài sản cho vay trên tổng tài sản của toàn ngành ngân hàng là 60%, thì 10% nợ xấu đang tác động nghiêm trọng đến khoảng một nửa tổng vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam. Hơn nữa, nếu khoảng 50% nợ xấu có khả năng làm mất vốn các ngân hàng thì tình hình nợ xấu của toàn hệ thống có khả năng tiêu hủy khoảng 1/3 vốn chủ sở hữu hiện nay của toàn ngành.

Trên thực tế, với bất cứ quốc gia nào, vấn đề xử lý nợ xấu ngân hàng luôn khó khăn và phức tạp. Tại Việt Nam , vấn đề này cũng cần đặt lên hàng đầu trong quá trình tái cấu trúc.

Những điểm cần chú ý trong Đề án Tái cấu trúc ngân hàng ảnh 1

Hiện nhiều ngân hàng bị ứ vốn vì khả năng hấp thụ vốn kém của các doanh nghiệp

 

Vấn đề thanh khoản

Tại thời điểm hiện tại, tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng Việt Nam được xem là ổn định, thể hiện qua lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng đang giảm mạnh, một phần vì NHNN điều chỉnh linh hoạt lượng tiền ra/vào qua thị trường mở, một phần vì các ngân hàng có nhiều vốn huy động đang trong tình trạng “ứ vốn” do khả năng hấp thụ vốn thấp của rất nhiều doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nói chung, tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng Việt Nam không bền vững, bởi vốn huy động chủ yếu ngắn hạn nhưng các ngân hàng cho vay trung và dài hạn vượt xa mức 30% (trên tổng số nguồn vốn ngắn hạn) NHNN quy định.

Tình trạng “lấy ngắn nuôi dài” đã đẩy nhiều ngân hàng vào tình thế mất cân bằng về thanh khoản và buộc các ngân hàng này huy động lãi suất rất cao thậm chí vượt trần lãi suất quy định của NHNN. Đường cong lãi suất cũng thể hiện rõ ràng điều này khi mà lãi suất huy động các kỳ hạn dài lại thấp hơn so với những kỳ hạn từ 12 tháng trở xuống.

Những vấn đề cấp thiết khác

Theo NHNN, hiện có khoảng “mươi” ngân hàng được xếp loại yếu kém với những điểm chung: quy mô hoạt động tương đối giới hạn so với đối thủ cạnh tranh, vốn chủ sở hữu thấp, tỷ lệ cho vay bất động sản và cho vay thế chấp là bất động sản rất cao, tiền gửi khách hàng dễ biến động nếu lãi suất trần được điều chỉnh, nợ xấu tăng cao và khả năng thanh khoản thấp. Những ngân hàng này lại hoạt động trong một môi trường “overbanked” có quá nhiều đối thủ cạnh tranh, nên rất chật vật trong việc huy động vốn và cho vay, do đó, phải đối diện với các loại rủi ro càng ngày càng lớn (rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản và rủi ro thị trường).

Chính vì thế, đối với các ngân hàng yếu kém, quản lý rủi ro trở thành một vấn đề cấp thiết. Nhưng không chỉ đối với các ngân hàng yếu kém, mà nói chung, trong toàn hệ thống, hoạt động quản lý rủi ro còn kém xa các chuẩn mực quốc tế.

Một vấn đề khác được các cơ quan quản lý và đặc biệt các nhà đầu tư tài chính nước ngoài rất quan tâm là vấn đề quản trị công ty (QTCT). Ở Việt Nam, QTCT đã được luật pháp hóa và khái niệm QTCT đã trở nên phổ biến hơn, đặc biệt trong thị trường tài chính ngân hàng, một thị trường bị tác động rất mạnh bởi những thay đổi trong khu vực và thị trường tài chính thế giới. Tuy nhiên, đối với nhiều doanh nghiệp, trong đó có ngân hàng, QTCT vẫn chưa được đánh giá đúng mức và chưa được xem như là một mô hình thật sự cần thiết cho việc phát triển kinh doanh của họ.

Cụ thể, khảo sát về mức độ tham gia của HĐQT vào việc điều hành của ngân hàng cho thấy, HĐQT không những chỉ tham gia sâu vào những quyết sách của ngân hàng, mà thường can thiệp vào việc điều hành qua những yêu cầu trực tiếp hay gián tiếp ban điều hành ra quyết định theo ý của HĐQT hay một số thành viên HĐQT. Những biểu hiện rõ rệt cho trường hợp này là HĐQT tổ chức họp thường xuyên, thường là đột xuất và họp trong sự căng thẳng. Ranh giới giữa chỉ đạo, xây dựng và ban hành chủ trương, đường lối, chính sách với việc thực hiện những chủ trương, đường lối, chính sách này không rõ ràng, thường đưa đến tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Sự phân chia giữa quyền sở hữu và quyền kiểm soát cũng là một vấn đề thu hút sự quan tâm. Tại nhiều ngân hàng có những cổ đông sáng lập là những cổ đông lớn, các cổ đông này thường cảm thấy có trách nhiệm rất lớn với sự sống còn của ngân hàng của mình, và vì thế, thường dành cho mình quyền kiểm soát tuyệt đối không chỉ với những nội dung liên quan đến chiến lược và định hướng mà ngay cả trong những quyết định quan trọng thuộc thẩm quyền ban điều hành. Các cổ đông này thường cũng là thành viên HĐQT và rất hay mắc phải hội chứng “micro-management” – quản lý tiểu tiết.

Theo một báo cáo thẻ điểm QTCT (cách tính điểm để đo lường mức độ tuân thủ các nguyên tắc QTCT theo thông lệ quốc tế) do IFC thực hiện thì kết quả tổng quát năm 2010 của các công ty niêm yết tại Việt Nam, trong đó có ngân hàng, là 44,7% (trong thang điểm từ thấp nhất là 0% đến cao nhất là 100%), một thẻ điểm dưới trung bình và thấp so với nhiều nước trong khu vực. Hiển nhiên, vấn đề QTCT là một trong những vấn đề cần phải được xét đến trong tiến trình tái cấu trúc ngành ngân hàng Việt Nam .

 

Những phương pháp tái cấu trúc và các bước phải thực hiện ngay

Khuôn khổ bài viết không cho phép bàn một cách tổng quát và sâu rộng đến một vấn đề bao quát và có tầm ảnh hưởng đến sự ổn định và phồn thịnh của cả một nền kinh tế trong những năm tới như vấn đề tái cấu trúc ngân hàng. Vì thế, bài viết chỉ đề cập đến một vấn đề cần phải giải quyết ngay để tái lập sự ổn định cho ngành ngân hàng trong lúc Đề án Tái cấu trúc đang được khẩn trương thực hiện, đó là vấn đề xử lý nợ xấu.

Theo một nghiên cứu của World Bank, vấn đề tái cấu trúc ngân hàng cần phải được khảo sát trên hai phương diện: tái cấu trúc một ngân hàng (bank restructuring) và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng (systemic bank restructuring). Trong hoàn cảnh của Việt Nam, việc tái cấu trúc ngân hàng cần phải được tiến hành trên cả hai phương diện, vì không những một số ngân hàng đã hoặc đang mất tính thanh khoản và đứng trước bờ vực đổ vỡ, mà cả hệ thống ngân hàng cũng thể hiện nhiều bất cập và yếu kém, cần được tái tổ chức ngay.

Trên phương diện tái cấu trúc mỗi ngân hàng, nợ xấu của một số ngân hàng đang bị đe dọa dẫn đến mất vốn và nợ xấu cần phải khẩn trương đưa ra khỏi bảng cân đối kế toán của ngân hàng bằng cách khoanh lại và bán cho những công ty mua nợ và quản lý tài sản. Chính phủ cũng có thể dùng ngân sách mua những tài sản độc hại này (toxic assets) qua NHNN hay một cơ quan quản lý của Nhà nước. Dĩ nhiên, các ngân hàng bán nợ xấu có thể sẽ phải chịu một sự thiệt hại đáng kể vì phải chịu một giá chiết khấu cao tùy vào khả năng mất vốn của mỗi món nợ.

Nhưng làm như vậy, các ngân hàng này làm sạch được bảng cân đối kế toán và từ đó, tập trung vào kinh doanh và phục hồi sức khỏe tài chính hơn là tiếp tục mất rất nhiều nguồn lực trong việc theo đuổi và xử lý nợ xấu. Sự thiệt hại này có thể được bổ sung qua việc bơm thêm vốn điều lệ nếu được NHNN chấp thuận. Trong những trường hợp đặc biệt, Bộ Tài chính có thể xem xét việc mua cổ phiếu (cổ phiếu phổ thông hay cổ phiếu ưu đãi như trường hợp của Mỹ cách đây 4 năm) của những ngân hàng này để giúp họ chóng phục hồi. Trong trường hợp của Mỹ, Chính phủ Mỹ đã rất thành công trong chương trình này và năm ngoái, nhiều ngân hàng Mỹ đã mua lại những cổ phiếu ưu đãi đó từ Chính phủ Mỹ.

Trên phương diện tái cấu trúc hệ thống, việc xử lý nợ xấu phức tạp và tốn kém hơn nhiều. Dư nợ hiện nay của toàn hệ thống ngân hàng lên đến khoảng 2,58 triệu tỷ đồng vào cuối tháng 3/2012, theo thông tin từ Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia. Nếu tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống là 3,6% vào cuối tháng 3/2012 thì tổng số nợ xấu ước lượng khoảng 93.000 tỷ đồng hay 4,6 tỷ USD.

Đây cũng là chi phí cho việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam, nếu sự thất thoát vì nợ xấu trong toàn ngành ngân hàng Việt Nam cần phải được bổ sung bằng ngân quỹ quốc gia và những nguồn tài chính khác, để hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn có thể có một tỷ lệ vốn an toàn như trước khi tái cấu trúc.

Nếu chi phí cho việc tái cấu trúc ngành ngân hàng Việt Nam chỉ dừng ở mức nói trên thì mặc dù đây là một con số không nhỏ với một nền kinh tế mới phát triển, nhưng so với nhiều cuộc khủng hoảng trên thế giới, chi phí cho công tác “làm sạch” thường lên đến khoảng 15 - 20% GDP, thì chi phí tái cấu trúc hệ thống vẫn ở trong tầm quản lý được.