Theo Vụ trưởng Vụ thanh toán (NHNN) ông Phạm Tiến Dũng, hạ tầng thanh toán dịch vụ công đang dần được hoàn thiện.
Hiện các dịch vụ thanh toán điện, nước, mua vé máy bay cũng đã được thanh toán qua ngân hàng; hải quan hiện có 99% dịch vụ hải quan thanh toán qua ngân hàng. Đối với thuế có 99% doanh nghiệp thanh toán điện tử, song có một thách thức đó là đối với thuế thu nhập cá nhân.
Cũng theo Vụ trưởng Vụ thanh toán NHNN, nếu quan sát chúng ta có thể thấy được hạ tầng phía ngân hàng trong thanh toán dịch vụ công đã được cải thiện so với trước.
Tuy nhiên, để thúc đẩy được thanh toán không dùng tiền mặt trong dịch vụ công cần có hệ thống tập trung, chia sẻ dữ liệu, thông tin giữa các bộ ngành với ngành ngân hàng. Chẳng hạn như đối với các sở, bộ, ngành cần có một cửa để ngành ngân hàng dễ kết nối.
Ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM cho biết, năm 2018, Cơ quan hải quan đã mạnh kết nối giữa các ngân hàng phối hợp để thực hiện thu thuế điện tử.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp là đơn vị thụ hưởng vẫn chưa sẵn sàng từ nguồn nhân lực đến trang thiết bị. Hiện còn 99% doanh nghiệp nộp thuế hải quan điện tử, trong đó có 90% nộp tại ngân hàng, còn 9% qua kho bạc, do đó cần phải tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền tốt hơn nữa.
Thực hiện Chỉ đạo của Chính phủ ngành Hải Quan tiếp tục cải thiện rút ngắn thời gian thu thuế hải quan để hàng hóa có thể thông qua kịp thời, nhanh chóng. Phối hợp với 29 ngân hàng thương mại, trong đó có 23 ngân hàng thương mại kết nối với Hải Quan thu thuế hải quan điện tử 24/7.
Vì thế, cần có thêm số lượng ngân hàng tham gia thu thuế hải quan điện tử 24/7. Các ngân hàng có thể đã sẵn sàn trong việc kết nối thanh toán thu thuế điện tử.
Tuy nhiên, phía doanh nghiệp có nhiều đơn vị chưa thực sự mặn mà. Vì thế, để thanh toán không tiền mặt trong dịch vụ công phát triển mạnh hơn cần phải có sự chủ động cả từ phía ngân hàng và doanh nghiệp.
Đánh giá tình hình thực hiện, thứ trưởng Bộ Y tế cho hay, do tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế khá cao, khoảng 87,72% dân số. Do đó, 70% tổng số thu dịch vụ sự nghiệp công của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phần thanh toán bảo hiểm y tế là chuyển khoản về tài khoản của đơn vị tại Kho bạc nhà nước.
Theo ông Sơn, hiện nay, 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế thực hiện Đề án nhờ Ngân hàng thu hộ tiền mặt hoặc chủ động chuyển tiền gửi Kho bạc nhà nước.
Tuy nhiên, Đề án thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bằng thẻ mới chỉ có một số đơn vị lớn như Bệnh viện Đại học Y dược Hồ Chí Minh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai.
"Nhiều người người dân vẫn còn thói quen sử dụng tiền mặt, nhất là đối với những người dân ở khu vực nông thôn. Thậm chí, có nhiều người còn mang cả bao tiền vào bệnh viện để thanh toán. Trong khi đó, tình trạng trộm cắp lại luôn xảy ra nên rất nguy hiểm", ông Sơn nói.
Vì vậy, muốn đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt đòi hỏi có sự phối hợp từ nhiều phía. Phía ngân hàng cũng nên tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong việc mở tài khoản, thẻ ATM.
Thực tế, không ít người dân chưa có tài khoản, thẻ ATM. Do đó, có một số bệnh viện thuộc Bộ Y tế đã không thể duy trì thanh toán viện phí bằng thẻ sau một thời gian áp dụng vì quá ít người thanh toán bằng thẻ.
Bên cạnh đó, để thực hiện được việc thanh toán dùng thẻ thì người bệnh vẫn phải xếp hàng làm thủ tục mở thẻ, vẫn phải mang tiền mặt đến nộp để có tiền trong tài khoản ở một hạn mức nhất định thì mới được khám chữa bệnh.
Vụ trưởng Vụ thanh toán (NHNN) Phạm Tiến Dũng
Để đạt được mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu đạt 50% bệnh viện tại các thành phố lớn chấp nhận thanh toán viện phí qua ngân hàng, Bộ Y tế cho rằng, cần có giải pháp cụ thể từ phía Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng thương mại.
Theo đó, ngân hàng cần tích cực tham gia vào việc triển khai Đề án, cần trang bị các thiết bị phục vụ việc thanh toán được nhiều loại thẻ. "Ngân hàng cần đầu tư công nghệ tốt hơn, hạn chế các lỗi kết nối; thủ tục thực hiện cần đơn giản, dễ áp dụng" ông Sơn cho biết.
Tham gia tham luận với chủ đề "Thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công", ông Nguyễn Đức Trung - Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông – cho rằng, tiền điện tử trên thuê bao di động là giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt cho các dịch vụ công.
Trên thế giới, tính đến cuối năm 2018, tiền di động đã có mặt ở 90 quốc gia với 866 triệu tài khoản đã đăng ký, thống kê với khách hàng thường xuyên sử dụng tiền di động chi tiêu là 206 USD/tháng, bình quân mỗi ngày có 1,3 tỷ USD được ngành công nghiệp tiền di dộng xử lý.
Mobile Money (tiền di động) nhằm cung cấp cho những người chưa có tài khoản ngân hàng và cung cấp qua thiết bị di động với tính năng cung cấp các dịch vụ chuyển khoản, thanh toán, lưu trữ tiền…, nhằm thanh toán viện phí, học phí, chi trả an sinh xã hội, chi trả điện nước, dịch vụ môi trường.
Để đẩy mạnh thanh toán điện tử, theo ông Trung, sự ra đời của tiền di động sẽ góp phần rất tích cực. Hiện Bộ Thông tin truyền thông đang làm việc với Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành liên quan để đề xuất Chính phủ chính sách thí điểm tiền di động.
Việc thực hiện thí điểm theo đó sẽ đảm bảo định danh khách hàng qua xác thực thông tin cá nhân thuê bao qua quản lý đăng ký SIM, đồng thời, các nhà mạng sẽ phải quản lý mạng lưới đại lý như giám sát hoạt động đại lý, đảm bảo tính thanh khoản của đại lý.
Bà Phùng Nguyễn Hải Yến, Phó tổng giám đốc Vietcombank cho biết, đối với hạ tầng được đầu tư, Vietcombank sẵn sàng đáp ứng dịch vụ thanh toán không tiền mặt đối với dịch vụ công.
Theo đó, Vietcombank tập trung quan tâm đối với thu thuế nội địa và thu thuế xuất, nhập khẩu cũng như các dịch vụ công, nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.
"Vietcombank đã tham gia cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt công đối với tài chính công cho Quảng Ninh. Đồng thời, tham gia các dịch vụ công ở các địa bản, tỉnh khác với dịch vụ y tế, giáo dục", bà Yến chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Minh Tâm - Phó tổng giám đốc Sacombank: Sacombank đẩy mạnh tham gia vào các dịch vụ công, trong đó có dịch vụ học phí trong học đường khi xin phép NHNN thực hiện việc mở tài khoản cho học sinh; thu tiền điện, nước...
Lãnh đạo NHNN cho biết, trước mắt, trong năm 2019, NHNN sẽ tích cực, chủ động thực thi một số nhiệm vụ, giải pháp lớn nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, cụ thể là: Xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó đề ra một số giải pháp để mở rộng về phạm vi và đối tượng sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.