Ngay cả trẻ em cấp 1 cũng có thể chinh phục núi Bài Thơ. Ảnh: Minh Phương
Tại đây còn có những dấu tích là minh chứng cho hoạt động thông tin liên lạc của cán bộ, công nhân bưu điện Quảng Ninh giữ trọng trách đảm bảo thông tin thông suốt, chính xác kịp thời giữa tỉnh với trung ương và quốc tế trong thời gian chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ. Đó là trung tâm điện chính của bưu điện tỉnh Quảng Ninh như nhà cơ vụ, nhà Tổng đài, tổ đường dây nằm khuất trong những hốc núi ẩn mình giữa bụi cây rừng. Ngày nay, du khách sẽ dễ dàng nhận ra các di tích ấy nhờ bờ tường rêu phong, cũ kỹ đã hoen ố màu thời gian, tấm bảng chỉ dẫn ghi tên di tích và những bậc thang dẫn đường đến tận nơi để tiện khám phá, tham quan.
Di tích nhà tổng đài trên núi Bài Thơ, Hạ Long. Ảnh: Minh Phương
Di tích tổ đường dây trên núi. Ảnh: Minh Phương
Cho tới nay, dấu tích của thời kỳ làm truyền thông, hoạt động thông tin liên lạc của người dân miền biển Hạ Long, Quảng Ninh từ ngàn năm trước cũng như trong chiến tranh đều trở thành các di tích có giá trị văn hóa lịch sử quan trọng. Nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Quảng Ninh Tống Khắc Hài giải cho biết, xưa kia, tổ tiên ta dùng ngọn đèn để điều hướng cho thuyền bè ra vào cập bờ những lúc bão gió. Khi giặc đến hoặc biển động, người ta tắt đèn đi và đốt lửa. Núi Bài Thơ được coi như chứng tích của truyền thông trong đời sống sinh hoạt của dân vùng biển, đồng thời cũng là một chứng tích của thông tin truyền thông phục vụ sự nghiệp bảo vệ đất nước.
rên đỉnh núi Bài Thơ có tấm bia đá giới thiệu về tầm quan trọng, vai trò lịch sử của ngọn núi này. Ảnh: Minh Phương
Thông tin này cũng được ghi rõ trên tấm bia đá đặt ở đỉnh núi: “Từ đỉnh núi này, hàng ngàn năm trước đã là vọng gác trọng yếu vùng biên ải Đông Bắc của Tổ quốc. Đêm đêm lính canh đốt đèn báo hiệu, chỉ đường cho thuyền bè cập bến. Khi có giặc thì đốt lửa báo tin về kinh đô. Dân gian gọi là núi Dọi Đèn.”
Di tích lịch sử văn hóa
Với những người yêu lịch sử, khám phá, huyền sử núi Bài Thơ là nét đặc sắc của ngọn núi có tên gọi thơ mộng, hấp dẫn. Sở dĩ có tên gọi như vậy vì đúng là ngọn núi này mang trong mình nhiều… bài thơ.
Núi Bài Thơ có nhiều tên gọi. Trước đây, núi tên là Truyền Đăng có nghĩa “sự chiếu sáng”, dân gian gọi là núi Dọi Đèn. Đến tháng 2 năm 1468, trong một lần đi kinh lý vùng Đông Bắc, vua Lê Thánh Tông đã qua vùng biển An Bang (vịnh Hạ Long xinh đẹp ngày nay). Xúc động trước tạo tác nên thơ, quyến rũ của thiên nhiên, nhà vua đã tức cảnh thành thơ và cho người khắc vào vách núi phía nam. Từ đó, núi được gọi tên là núi Đề Thơ, sau đổi thành Bài Thơ.
Núi Bài Thơ là một trong số những ngọn núi đá vôi nổi tiếng nằm bên bờ vịnh Hạ Long. Ảnh: Minh Phương
Để chiêm ngưỡng thiên nhiên hùng vĩ, du khách phải chinh phục những đoạn đường khá dốc, nhỏ, hẹp dẫn lên đỉnh núi Bài Thơ. Ảnh: Minh Phương
Có những bậc đá cao gần 1m thực sự là thử thách với những "vận động viên leo núi" nhỏ tuổi. Ảnh: Minh Phương
Khung cảnh thần tiên của núi Bài Thơ cũng khơi gợi nguồn cảm hứng sáng tác cho nhiều bậc vua chúa và thi nhân. Ở vị trí ngay gần bài thơ của vua Lý Thánh Tông là bài thơ họa của chúa Trịnh Cương được khắc tại vách núi phía Đông Nam vào năm 1729 trong một lần duyệt thủy quân trên biển Đông. Ngoài ra trên núi còn còn có dấu tích bài thơ của Nguyễn Cẩn (1790) và một số bài thơ khác.
Thời điểm leo núi Bài Thơ đẹp nhất là sáng sớm, khi sưa còn chưa tan hẳn, nắng chưa chiếu rọi. Cảnh vật như bồng bềnh như ảo giữa sương gió, mây trời. Ảnh: Minh Phương
Không gian được phủ lên bởi màu xanh của nước biển, núi rừng. Ảnh: Minh Phương
Trên hành trình chinh phục đỉnh núi Bài Thơ, du khách có thể trông thấy hàng trằm ngọn núi đá vôi nhấp nhô gắn liền với truyền thuyết Rồng hạ trên vịnh Hạ Long. Ảnh: Minh Phương
Lá cờ đầu tiên được cắm trên đỉnh núi Bài Thơ vào năm1930, đánh dấu sự thành công bước đầu của người dân đất mỏ trong những năm kháng chiến chống Pháp. Ảnh: Minh Phương
Tháng 8/1992, Bộ Văn hóa Thông tin đã xếp hạng cụm Di tích lịch sử và danh thắng núi Bài Thơ là di tích Cấp quốc gia. Đã là người Quảng Ninh, không ai là không biết đến và tự hào vì có núi Bài Thơ. Không chỉ là một trong những núi đá vôi xinh đẹp giữa hàng trăm đảo đá của vịnh Hạ Long, núi Bài Thơ còn là nhân chứng lịch sử cho những năm tháng chiến đấu chống ngoại xâm hào hùng của người dân mỏ Quảng Ninh.