Ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam

Ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam

Những dấu hiệu cảnh báo sự bất thường của thị trường vàng

Sau một tuần điên loạn, đầu tuần này, giá vàng lại tăng, giảm không ngừng. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, khi giá vàng trong nước cao hơn thế giới 1 triệu đồng/lượng, nhà đầu tư phải cẩn thận và nếu chênh lệch trên 2 triệu đồng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phải có động thái can thiệp thị trường.   

Thưa ông, giá vàng vẫn tiếp tục tăng trong tuần này, sau khi đã có một tuần điên loạn trước đó. Theo ông, để tránh rơi vào bẫy đầu cơ, lao vào thị trường khi có dấu hiệu bong bóng, nhà đầu tư cần phải làm gì?

Cần phải nói rằng, nguyên nhân đầu tiên khiến giá vàng trong nước tăng là do giá vàng thế giới tăng. Việc nước Anh rời khỏi EU (Brexit) đã kéo theo nhiều bất ổn cho thị trường tài chính toàn cầu, gây ra một làn sóng đầu tư vào tài sản an toàn mới. Ngoài ra, chứng khoán châu Á suy yếu và USD giảm nhẹ cũng khiến giá vàng thế giới tăng, đẩy giá vàng trong nước tăng theo. 

Tuần qua, thị trường vàng đã có nhiều phiên tăng giá sốc. Tuy nhiên, tôi cho rằng, nếu nói là vàng tăng giá do doanh nghiệp làm giá là rất ít khả năng. Doanh nghiệp chỉ có thể đủ sức “thổi giá” nếu tích lũy khoảng vài ba nghìn lượng vàng, nhưng hiện tại, hầu như không có doanh nghiệp nào “ôm” lượng vàng lớn như vậy, vì thị trường gần đây khá trầm lắng.

Hơn nữa, trước đây, khi thị trường có sự phân hóa mạnh, một số doanh nghiệp chiếm thị phần lớn, nên có thể chi phối được giá cả, nhưng sau NHNN siết lại việc kinh doanh vàng miếng, thị phần và tiềm lực của các DN tương đương nhau. Bên cạnh đó, việc nhập khẩu vàng cũng được siết chặt. Do không ôm nhiều vàng, khi khách ùn ùn kéo đến mua, dĩ nhiên, doanh nghiệp rơi vào tình trạng cầu vượt cung, họ sẽ tự đẩy giá lên cao để kiếm lời. Tất nhiên, với bất kỳ thị trường nào, có đầu tư thì tất yếu sẽ có đầu cơ, chỉ là đầu cơ nhiều hay ít.

Để tránh rơi vào rủi ro, người dân khi đầu tư vào vàng cần phải thu thập thông tin, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, từ đó phân tích thực tế để có quyết định đúng đắn. Tôi lấy ví dụ sau khi có kết quả Brexit diễn ra, giá vàng bị đẩy lên quá cao, nhưng sau đó đã chững lại, rồi đảo chiều giảm. Thế nhưng, khi giá vàng thế giới đã đi xong chu kỳ, thì giá vàng trong nước lại nổi sóng. Nhiều người không nắm bắt thông tin, cứ nhắm mắt mua lấy được, nên phải gánh chịu thiệt hại.

Vậy đâu là những dấu hiệu cảnh báo thị trường vàng có dấu hiệu bất thường, thưa ông?

Ngoài việc nắm bắt thông tin, đánh giá xu hướng vàng, chu kỳ lên xuống của vàng, thì có thể nhìn vào một số dấu hiệu khác để đánh giá xem thị trường vàng có dấu hiệu bất thường hay không.

Bất thường thứ nhất là khi các doanh nghiệp kéo giãn biên độ mua - bán vàng lên cực cao. Bình thường biên độ này chỉ 100.000 - 200.000 đồng/lượng, nên khi doanh nghiệp kéo biên độ lên hơn 1 triệu đồng là có vấn đề. Điều này chứng tỏ doanh nghiệp đang hạn chế mua vào, họ đã nhìn thấy rủi ro và tự đưa ra khoảng cách này để dự phòng rủi ro cho mình. Rõ ràng, khi các “con buôn vàng” thấy rủi ro thì các nhà đầu tư nhỏ lẻ càng có nguy cơ rủi ro cao hơn.

Một dấu hiệu khác cho thấy thị trường bất thường là chênh lệch giữa giá bán trong nước và giá thế giới bị nới rộng. Suốt thời gian qua, giá vàng trong nước bám khá sát giá vàng thế giới. Thậm chí tại một số thời điểm, giá vàng trong nước còn thấp hơn giá vàng thế giới hàng trăm nghìn đồng/lượng. Tuy nhiên, tuần qua, giá vàng trong nước bất ngờ cao hơn giá thế giới tới 3 triệu đồng/lượng thì rõ ràng là “có vấn đề”.

Tóm lại, khi thị trường nóng, cần phải có một cái đầu lạnh, cần phải phân tích kỹ, thay vì đua nhau nhắm mắt mua bừa.

Tâm lý bầy đàn chưa thể bỏ ngay và nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng chưa có khả năng phân tích thị trường. Vậy để thị trường bớt “bong bóng” do tâm lý tranh mua và hạn chế thiệt hại cho các nhà đầu tư nhỏ, theo ông, NHNN có nên thực thực hiện những giải pháp mạnh tay để can thiệp mỗi khi thị trường có dấu hiệu bất ổn như tuần qua?

Việc NHNN can thiệp vào thị trường không hề khó khăn. Đợt vàng tăng giá vừa qua, NHNN lên tiếng khá kịp thời. Sau khi có thông tin từ NHNN, thị trường đã lập tức đảo chiều đi xuống.

Năm 2013, NHNN đã tổ chức nhiều phiên đấu thầu vàng để bình ổn thị trường vàng, nhưng hơn hơn 2 năm trở lại đây, việc đấu thầu đã không còn cần thiết vì thị trường khá bình ổn.

Dù vậy, tôi cho rằng, nếu giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới từ 2 triệu đồng/lượng trở lên, thì NHNN nên có biện pháp can thiệp. NHNN cũng khẳng định có đủ tiềm lực để can thiệp khi cần thiết. Thực tế, với quy mô thị trường như hiện nay, chỉ cần tung ra 20.000 - 30.000 lượng vàng, thì thị trường sẽ ngay lập tức “đi vào khuôn khổ”. Tuy nhiên, thay vì cách phản ứng bị động, NHNN có thể thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia để can thiệp lúc cần thiết.

Tin bài liên quan