Những dấu ấn đối ngoại của ngành ngân hàng 2017

Những dấu ấn đối ngoại của ngành ngân hàng 2017

(ĐTCK) Trong năm qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện có hiệu quả các hoạt động đối ngoại, củng cố và phát triển quan hệ với các đối tác quốc tế, tăng cường huy động hỗ trợ cả về tài chính và kỹ thuật từ bên ngoài cho phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy quá trình hội nhập và nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thúc đẩy hợp tác về tài chính toàn diện

Dấu ấn đối ngoại nổi bật năm qua là sự kiện Việt Nam lần thứ hai đăng cai tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ hợp tác APEC. NHNN được ghi nhận có những đóng góp quan trọng tạo nên những thành công chung của Năm APEC 2017, thông qua việc đề xuất, chủ trì, xây dựng nội dung và điều phối các quan hệ hợp tác APEC về chủ đề tài chính toàn diện.

Tại Việt Nam, tài chính toàn diện có vai trò hết sức quan trọng cho sự phát triển thị trường tài chính, tín dụng, với đối tượng hướng tới là các nhóm dân cư, hộ gia đình, doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ - nhỏ và vừa, khu vực nông nghiệp nông thôn - vốn ít có điều kiện tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ tài chính chính thức. Nội hàm tài chính toàn diện bao quát trên phạm vi rộng, bao gồm tài chính vi mô, thanh toán ngân hàng, bảo vệ người tiêu dùng, giáo dục kiến thức tài chính, nền tảng công nghệ và cơ sở hạ tầng tài chính được số hóa...

Những dấu ấn đối ngoại của ngành ngân hàng 2017 ảnh 1

So với mặt bằng phát triển chung của APEC, nền tài chính toàn diện của chúng ta mới chỉ đang ở mức độ sơ khai; các yếu tố tiền đề để xây dựng và thực thi các giải pháp về tài chính toàn diện còn nhiều hạn chế, kể cả về kinh nghiệm và nguồn lực. Hợp tác về tài chính toàn diện là một trong những ưu tiên không chỉ của Việt Nam, mà của nhiều nước trên thế giới trong những năm gần đây.

Tại Tuần lễ cấp cao APEC 2017 vào tháng 11 tại Đà Nẵng, chủ đề “Tài chính toàn diện” do NHNN đề xuất đã được công nhận là một trong 3 trụ cột chính trong hợp tác APEC nhiều năm tới, bên cạnh trụ cột về kinh tế và xã hội. Những kết quả đầu ra cụ thể cùng những khuyến nghị chính sách thiết thực được các nước APEC đánh giá cao trong việc kiến tạo một nền tảng mới cho việc thúc đẩy tài chính toàn diện.

Trên cơ sở những thành công đạt được với sự ghi nhận quan trọng này, cùng sự tham gia của nhiều đối tác phát triển, NHNN tin tưởng sẽ xây dựng được một Chiến lược Quốc gia hoàn chỉnh về tài chính toàn diện, có tính khả thi, phù hợp với đặc thù của Việt Nam để triển khai lĩnh vực này một cách đồng bộ, bài bản và có hiệu quả, đem lại lợi ích cho toàn xã hội.

Tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng

Trên bình điện đa phương, NHNN tiếp tục thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, tích cực tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và các nước ASEAN, ASEAN+3, APEC...

Tại các diễn đàn hợp tác, NHNN đã chủ động tham gia vào các phiên trao đổi, đánh giá về diễn biến kinh tế - tài chính, các phản ứng chính sách tại các quốc gia trên thế giới để tham vấn, đề xuất những giải pháp phù hợp, góp phần phát triển thị trường tài chính tiền tệ và nâng cao vị thế, tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế.

Trong khuôn khổ WTO, NHNN đã hoàn thiện khuôn khổ thể chế của ngành theo hướng thực thi đầy đủ các nghĩa vụ cam kết quốc tế về mở cửa thị trường, đối xử công bằng giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, đối xử tối huệ quốc và các nghĩa vụ bảo hộ đầu tư cơ bản khác.

Với những đóng góp quan trọng này, xếp hạng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã tăng 14 bậc, xếp thứ 68/190 quốc gia, vùng lãnh thổ theo Báo cáo Kinh doanh của WB. Đây là những tín hiệu thu hút các nhà đầu tư trên thế giới tới Việt Nam, góp phần củng cố niềm tin của các nhà lãnh đạo trong việc xây dựng một “Chính phủ kiến tạo” vì sự phát triển của nền kinh tế có tính cạnh tranh, toàn diện, liên kết và bền vững hơn.

Ở quy mô khu vực, trong khuôn khổ tiến trình hợp tác tài chính tiền tệ ASEAN, NHNN đã phát huy vai trò chủ động trong việc triển khai các sáng kiến về tự do hóa dịch vụ tài chính (FSL), tự do hóa tài khoản vốn (CAL), tài chính toàn diện (WC-FINC), khuôn khổ hội nhập ngân hàng ASEAN (ABIF), thanh toán (PSS), tăng cường năng lực trong hội nhập ngân hàng khu vực ASEAN (SCCB).

Đặc biệt, trong thời gian qua, NHNN đã phối hợp với các nước ASEAN đồng chủ trì hai sáng kiến về CAL và ABIF, góp phần không nhỏ hoàn thành các mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch hành động chiến lược của ASEAN trong lĩnh vực ngân hàng...

Trong nỗ lực chung của Đoàn đàm phán Chính phủ, NHNN với tư cách là trưởng nhóm dịch vụ tài chính đã tham gia chủ động, tích cực vào quá trình đàm phán FTA với nhiều đối tác chiến lược trên thế giới như EU, Úc, Nhật Bản... 

Những dấu ấn đối ngoại của ngành ngân hàng 2017 ảnh 2

Bên cạnh việc đón nhận làn sóng các nhà đầu tư ngoại trên thị trường nội, việc tham gia các FTA thế hệ mới là cơ hội quý giá cho phép các ngân hàng thương mại Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy hiện diện thương mại trên thị trường nội khối và các nước thành viên EU, CPTPP. Qua đó, giúp thúc đẩy phát triển kinh doanh, mở rộng hợp tác với các đối tác quan trọng và tiềm năng.

Đối với các Hiệp định FTA ASEAN+, NHNN đã tích cực phối hợp với các thành viên ASEAN đàm phán mở cửa lĩnh vực dịch vụ tài chính trong Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và FTA ASEAN – Hồng Kông (AHKFTA) nhằm hướng tới việc đưa ra những cải cách, quy định không chỉ mang lại lợi ích cho các nước trong khối, mà còn phù hợp với các tiêu chuẩn của thế giới, thu hút đầu tư và thương mại từ bên ngoài đến với khu vực ASEAN.

Trên bình diện song phương, NHNN tăng cường quan hệ đối tác toàn diện, kết hợp hài hòa các quan hệ ngoại giao, kinh tế, chính trị, thương mại, đầu tư... song song với thúc đẩy hợp tác ngân hàng.

Bên cạnh việc phát triển theo chiều sâu quan hệ với các đối tác truyền thống, NHNN cũng chú trọng khai thác quan hệ với các đối tác mới và tích cực tăng cường tính chủ động trong hợp tác. Những kết quả thực chất từ quá trình phát triển hợp tác song phương trong lĩnh vực ngân hàng đã góp phần quan trọng tạo thuận lợi hai chiều cho hoạt động thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và các nước.

Năm 2017 ghi nhận sự xúc tiến quan hệ mạnh mẽ giữa NHNN với các đối tác truyền thống như ngân hàng trung ương Lào và Campuchia với các hoạt động trao đổi kinh nghiệm về điều hành chính sách tiền tệ, thảo luận các giải pháp tạo thuận lợi cho hoạt động thanh toán xuất nhập khẩu hàng hóa giữa doanh nghiệp hai nước, đồng thời phối hợp tìm kiếm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh  nghiệp Việt Nam đang đầu tư tại Lào, Campuchia, qua đó thúc đẩy quan hệ đầu tư, thương mại giữa Việt Nam với hai nước này.

Thông qua các diễn đàn, ủy ban hợp tác song phương của Chính phủ với các quốc gia trên thế giới, NHNN đã chủ động đề xuất các nội dung hợp tác trong lĩnh vực ngân hàng để thiết lập cơ chế trao đổi thông tin về khuôn khổ pháp lý, thông tin thị trường nhằm hỗ trợ, khuyến khích các ngân hàng thương mại Việt Nam tìm hiểu, kết nối và thiết lập quan hệ đại lý tại thị trường các nước.

Để làm được việc này, NHNN đã tiến hành khảo sát thực trạng hoạt động và nhu cầu của các ngân hàng thương mại, tìm hiểu khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam; từ đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả hoạt động thanh toán với Trung Quốc, Lào và Campuchia, đồng thời nghiên cứu thí điểm phương thức thanh toán phù hợp với tình hình giữa Việt Nam và Nga, Iran, châu Phi, Cuba...

Phát huy hiệu quả hỗ trợ và nâng tầm quan hệ với các tổ chức tài chính quốc tế

Trong bối cảnh nguồn vốn ODA đang thay đổi mạnh mẽ theo hướng giảm dần vốn vay ưu đãi, vay thương mại tăng lên với yêu cầu ngày càng khắt khe, đặc biệt với tình hình tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam đang ở mức cao với áp lực trả nợ lớn, bên cạnh giải pháp kết hợp huy động nguồn vốn ODA với các nguồn tài chính phát triển khác, đẩy mạnh đầu tư theo phương thức hợp tác đối tác công tư PPP… NHNN đã và đang tích cực nghiên cứu, triển khai khả năng huy động nguồn vốn cho khu vực tư nhân không cần bảo lãnh Chính phủ từ các định chế tài chính quốc tế.

Trong đó, hình thức cho vay khu vực tư nhân không cần bảo lãnh Chính phủ của AIIB, IFC, ADB là một nội dung quan trọng mà NHNN đang tập trung nghiên cứu nhằm khai thác xây dựng định hướng ưu tiên trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, NHNN đã phối hợp chặt chẽ với các các tổ chức tài chính quốc tế nghiên cứu, điều chỉnh linh hoạt các quy trình, cơ chế, chính sách nhằm hài hóa hóa thủ tục, đáp ứng yêu cầu, hoàn cảnh và điều kiện cụ thể của mỗi bên để tối ưu hoá hiệu quả tài trợ.

Trong năm 2017, NHNN đã tham mưu cho Chính phủ đàm phán tiếp nhận được toàn bộ số vốn ưu đãi IDA mà WB dành cho Việt Nam trước khi tốt nghiệp IDA (từ ngày 1/7/2017) cho 10 chương trình, dự án trị giá khoảng 1.435 triệu USD, trong đó số vốn IDA ưu đãi là 1.149 triệu USD, đồng thời đàm phán thành công 3 dự án vay vốn giá rẻ ADF của ADB trị giá 356 triệu USD nhằm giúp Việt Nam đủ điều kiện thu hút được 950 triệu vốn ADF trong 2 năm 2017 - 2018 trước khi tốt nghiệp vốn ADF vào 1/1/2019.

Các nguồn vốn thu hút từ các tổ chức quốc tế này sẽ là nguồn lực quan trọng hỗ trợ Việt Nam hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống của người dân Việt Nam.

Nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu về tăng cường năng lực và cải cách, NHNN cũng tích cực huy động/triển khai các chương trình hợp tác đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật từ các nhà tài trợ quốc tế WB, ADB, IMF, SEACEN, SCCB, JICA, GAC, SECO...; trong đó, tập trung khai thác và áp dụng các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế tốt nhất cho các lĩnh vực chuyên môn như dự báo thống kê, thanh tra giám sát ngân hàng, chính sách tiền tệ, quản lý ngoại hối, thanh toán… Các hỗ trợ này có ý nghĩa quan trọng cho việc tăng cường nội lực của ngành trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa.

NHNN cũng tích cực nâng cao vai trò chủ động và tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế thông qua quá trình đẩy mạnh hoạt động đối thoại chính sách dưới nhiều hình thức.

Thông qua các phiên đối thoại, cơ chế điều phối giữa Chính phủ và các nhà tài trợ đã được thiết lập, vận hành hiệu quả, tránh chồng chéo, trùng lắp, đồng thời các giải pháp quan trọng nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động ngân hàng được các bên chia sẻ nhằm hướng tới sự phát triển và thịnh vượng chung của khu vực.

Dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Chính phủ, hoạt động đối ngoại của NHNN đã hỗ trợ mạnh mẽ cho quá trình cải cách, phát triển hệ thống ngành và đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển, ổn định kinh tế vĩ mô của đất nước.

Dự báo, năm 2018, thế giới sẽ tiếp tục đối mặt với thách thức từ biến động địa chính trị toàn cầu, xu hướng bảo hộ và chống tự do hóa thương mại gia tăng, nỗ lực tái cân bằng của Trung Quốc, quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ của Mỹ và các nền kinh tế phát triển, các cuộc đàm phán liên quan đến Brexit... sẽ tác động trực tiếp đến tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Thị trường tài chính, tiền tệ thế giới và khu vực sẽ có nhiều bất ổn. Hoạt động hợp tác quốc tế giai đoạn tới sẽ tiếp tục được tăng cường với quy mô và tính chất phức tạp hơn, giữ vai trò là cầu nối hỗ trợ tích cực cho các công tác điều hành chính sách của Chính phủ nói chung và NHNN nói riêng.

Tin bài liên quan