Tại thời điểm cuối tháng 9/2014, CTCP Công viên nước Đầm Sen (DSN) có hơn 129 tỷ đồng tiền mặt. Nếu tính luôn 36,8 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng được ghi nhận tại các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn trong báo cáo tài chính thì số dư tiền mặt của DNS lên đến hơn 166 tỷ đồng. Đáng chú ý, tổng tài sản của DNS tại cùng thời điểm là 189 tỷ đồng, tức đến 88% tài sản là tiền mặt, một con số hiếm thấy ở các công ty khác.
Tiền mặt nhiều nhưng hoàn toàn không phải từ vay mượn mà có, tất cả đều do Công ty tự tạo ra. DNS cũng không có các khoản phải thu, phải trả lằng nhằng. Vấn đề chính của DNS là chưa tìm được dự án mới để đầu tư.
DSN hiện có 2 khu vui chơi là Công viên nước Đầm Sen và Công viên khủng long, cả 2 nằm trong tổng thể gần 40.000 m2 của Công viên Văn hoá Đầm Sen, TP. HCM. Số lượng khách đã đạt đến mức bão hoà nhưng không còn đất để mở rộng. Mấy năm gần đây, DSN có ý muốn tìm mặt bằng mới để đầu tư một công viên nước thứ 2 tại TP. HCM nhưng đến nay chưa có kết quả. Một số ý định đầu tư khác vẫn dậm chân tại chỗ.
DNS là doanh nghiệp có tỷ lệ cổ tức trên mệnh giá thuộc vào loại cao nhất trên sàn chứng khoán. Năm ngoái, DNS trả cổ tức mỗi cổ phần là 6.000 đồng. Với xu hướng lãi suất ngân hàng ngày càng giảm, để tiếp tục duy trì mức cổ tức cao như thế không còn dễ dàng, nhất là khi DNS chưa có dự án mới. Theo kế hoạch, cổ tức năm nay được hạ xuống “mức tối thiểu là 3.600 đồng”.
Một trường hợp khác cũng đau đầu không kém vì có quá nhiều tiền, đó là CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk). Cuối năm 2010, số dư tiền mặt cộng với một số khoản đầu tư tài chính ngắn hạn như trái phiếu và tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng của Vinamilk ở mức trên 2.319 tỷ đồng, chiếm 21,53% tổng tài sản. Năm đó, các ngân hàng quyết liệt đua nhau huy động vốn, đẩy lãi suất huy động có thời điểm lên đến 18%/năm. Duy trì tiền mặt nhiều như Vinamilk thời đó là một lợi thế và được các nhà đầu tư đánh giá cao.
Nhưng nay, lãi suất trần do Ngân hàng Nhà nước quy định tối đa chỉ còn 6%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng. Nhiều người kỳ vọng mức này sẽ còn thấp hơn nữa. Trong khi đó, tiền mặt của Vinamilk tại thời điểm cuối tháng 6/2014 (chưa có báo cáo tài chính quý III) lên đến hơn 7.000 tỷ đồng, chiếm xấp xỉ 30% tổng tài sản.
CTCK ACB (ACBS) cho biết, giai đoạn từ năm 2010-2013, Vinamilk đã tăng tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền mặt trên mệnh giá lên gấp đôi, từ 29% lên 61%, nhưng dù vậy, lượng tiền vẫn còn dồi dào và vì thế đã làm tỷ suất lợi nhuận trên vốn cổ phần (ROE) giảm từ 50% xuống 40%. ACBS cho rằng, với mức lãi suất thấp hiện nay và có thể sẽ vẫn tiếp tục đứng ở mức hiện tại tương đối lâu, có lẽ Vinamilk nên có giải pháp sử dụng tiền mặt hiệu quả hơn, để hỗ trợ cho tăng trưởng và ROE tương lai.
ACBS nhận định, cổ phiếu VNM hiện nay không còn rẻ nữa. Cổ đông có thể sẽ yêu cầu tăng thêm cổ tức để quản lý vốn tối ưu hơn. Theo ACBS, 10% tiền trên tổng tài sản đã là nhiều, 30% là không hợp lý và có vẻ là quá thận trọng.
Tăng trưởng doanh thu của Vinamilk cơ bản đã giảm một nửa trong vòng 4-5 năm qua, từ khoảng 30-50% xuống còn 17%. Công ty lý giải với nhà đầu tư là do điều kiện kinh tế ảm đạm nói chung, nhưng theo chuyên gia phân tích của ACBS, không chỉ là như vậy, đã qua rồi cái thời có thể kiếm tiền dễ dàng nhờ lượng tiêu thụ sữa bình quân đầu người tăng cao, và triển vọng tăng trưởng trong tương lai sẽ khó khăn hơn với tốc độ tăng trưởng có thể sẽ chậm hơn.
Nói đến những doanh nghiệp “tồn kho tiền” không thể không nói đến Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Hãng bia này vừa mới công bố báo cáo tài chính bán niên 2014 và đến thời điểm này cũng chưa có báo cáo tài chính quý III. Theo báo cáo, tiền mặt, bao gồm cả tiền gửi ngân hàng dưới dạng đầu tư tài chính ngắn hạn, tại thời điểm cuối tháng 6 của Sabeco lên đến hơn 6.155 tỷ đồng, chiếm hơn 31,6% tổng tài sản.
Thuyết minh cho biết, hơn 4.714 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn trên báo cáo tài chính hợp nhất là tiền gửi ngân hàng dưới 1 năm với lãi suất tư# 6-10%/năm. Có lẽ phần tiền gửi được hưởng lãi suất 10% không nhiều, vì theo báo cáo của công ty mẹ thì có đến 4.474 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn là tiền gửi dưới 1 năm với lãi suất từ 6-8%/năm.
Hiện còn ngân hàng nào dám trả lãi suất 10%/năm đối với tiền gửi ngắn hạn thì kể cũng hơi lạ, vì lãi suất đầu ra đang khá thấp, thậm chí nhiều ngân hàng đang phải đổ tiền vào trái phiếu chính phủ với lãi suất thấp hơn rất nhiều.
Tại thời điểm cuối năm 2010, lượng tiền mặt của Sabeco xấp xỉ 3.954 tỷ đồng, chiếm gần 25% tổng tài sản. Giống như trường hợp của Vinamilk, trong khi tỷ lệ tiền mặt trên tổng tài sản tiếp tục tăng lên thì tốc độ tăng trưởng doanh thu của Sabeco ngày càng chậm lại; doanh thu năm 2010 tăng 35,43% so với năm trước đó, nhưng năm 2013 so với năm 2012 thì con số này chỉ còn 10,18%.
Sabeco đang thực hiện chi trả cổ tức đợt 2 năm 2013 với mức 800 đồng/cổ phần, nhưng tính ra khi đợt trả cổ tức này kết thúc chỉ làm giảm tiền mặt của Sabeco hơn 513 tỷ đồng. Mấy năm gần đây, Sabeco luôn cố gắng duy trì cổ tức ở mức 2.200-2.300 đồng/cổ phần.
Sabeco được ví như cô gái đẹp nhưng độc đoán vì nhiều nhà đầu tư muốn vào mà chưa được. Nhưng một số người nói đùa rằng, tuổi xuân có hạn và, theo thời gian, tính hấp dẫn của Sabeco ngày càng giảm. Tại ĐHCĐ thường niên hồi cuối tháng 5/2014, chính ông Đồng Việt Trung, Trưởng Ban kiểm soát, đã trích số liệu của Hiệp hội Bia Việt Nam cho biết, thị phần của Sabeco hiện đã giảm xuống mức 44% so với 46% trước đây.
Theo ACBS, thừa tiền mặt cũng không tốt cho nhà đầu tư tương tự như khi tỷ lệ nợ quá cao.