Thị phần nhóm trên còn thay đổi
Thống kê sơ bộ của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 39.600 tỷ đồng, tăng 15,76% so với cùng kỳ năm 2021. Dẫn đầu về doanh thu phí bảo hiểm gốc là PVI, với doanh thu ước đạt 6.144 tỷ đồng, tăng 20,12% so với cùng kỳ, chiếm thị phần 15,52%. Tiếp đến là Bảo Việt, với 5.452 tỷ đồng, tăng 6,52% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm thị phần 13,77%; PTI, với 3.856 tỷ đồng, tăng 12,81%, chiếm thị phần 9,74%; MIC, với 2.930 tỷ đồng, tăng 33,37%, chiếm thị phần 7,40%; Bảo Minh, với 2.905 tỷ đồng, tăng 15,87%, chiếm thị phần 7,34%.
Ngoài các doanh nghiệp bảo hiểm dẫn đầu thị trường nêu trên, một số doanh nghiệp bảo hiểm có tỷ lệ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc trên 40% so với cùng kỳ năm 2021 như HDI OPES (811 tỷ đồng, tăng trưởng 62,41% so với cùng kỳ); Xuân Thành (527 tỷ đồng, tăng 60,48% so với cùng kỳ); VNI (1.639 tỷ đồng; tăng 40,71% so với cùng kỳ).
Về thứ hạng thị phần, số liệu 7 tháng cho thấy, trong Top đầu thị trường, ngoài việc PVI đã “soán ngôi” đầu của Bảo Việt, MIC vượt qua Bảo Minh với thị phần theo đuổi nhau sát nút thì vị trí thứ 3 của PTI cũng đang bị đe dọa do những vấn đề phát sinh trong năm 2022. Đầu tiên là những thay đổi liên quan đến việc các cổ đông mới tham gia điều hành và có thể sẽ những chiến lược phát triển và tăng trưởng khác những bước đi hiện tại. Một số chiến lược lớn không có được sự đồng nhất của cổ đông, chẳng hạn như việc tăng vốn điều lệ đã bị phủ quyết... khiến cho doanh nghiệp khó có thể có một định hướng phát triển rõ nét như giai đoạn trước đây. Tiếp đến là việc phải chi trả bồi thường với số tiền gây sốc cho thị trường với hơn 200 tỷ đồng cho sản phẩm bảo hiểm Vững Tâm An khiến lợi nhuận của hãng bảo hiểm này bị ảnh hưởng nặng nề...
Sức nóng của những tên tuổi mới
Trong một diễn biến khác, một doanh nghiệp bảo hiểm đã “đổi chủ” là Công ty Bảo hiểm Groupama Việt Nam. Thông tin từ Công ty cổ phần Tasco cho biết, Bộ Tài chính vừa có công văn chấp thuận cho Tasco được nhận chuyển nhượng 100% phần vốn góp của Công ty TNHH Bảo hiểm Tổng hợp Groupama Việt Nam từ Tập đoàn Groupama Assurances Mutuelles (Pháp).
Bộ Tài chính vừa có công văn chấp thuận cho Tasco được nhận chuyển nhượng 100% phần vốn góp của Công ty TNHH Bảo hiểm Tổng hợp Groupama Việt Nam từ Tập đoàn Groupama Assurances Mutuelles (Pháp).
Bảo hiểm Tổng hợp Groupama Việt Nam đã hoạt động tại thị trường Việt Nam hơn một thập niên. Bên cạnh các sản phẩm bảo hiểm được thiết kế theo yêu cầu của doanh nghiệp, cá nhân thì hãng bảo hiểm này còn có các sản phẩm nổi tiếng như bảo hiểm đa rủi ro dành cho cửa hàng và các cơ sở thương mại, bảo hiểm đa rủi ro về nhà cho tư nhân, sản phẩm cho bảo hiểm sức khoẻ và đặc biệt là sản phẩm “An Hạnh Phúc” cho bảo hiểm đa rủi ro cho nông dân… Sau khi Tasco mua lại, công ty bảo hiểm này sẽ phát triển mạnh lĩnh vực bảo hiểm xe cơ giới nhằm tận dụng thế mạnh về hệ thống 73 showroom của Savico cũng như 2,5 triệu khách hàng đang sử dụng dịch vụ thu phí không dừng (VETC). Con số này dự kiến tăng lên 5 triệu khách hàng vào năm 2027. Được biết, Tasco sở hữu 100% vốn của Công ty cổ phần SVC Holdings - cổ đông lớn nhất, chiếm 53,68% cổ phần của Savico.
Chiến lược phát triển của Bảo hiểm Tổng hợp Groupama Việt Nam sau khi đổi chủ được dự đoán sẽ làm tăng sức cạnh tranh trên thị trường bảo hiểm xe cơ giới. Đây vốn là phân khúc đóng góp chính cho nhóm doanh nghiệp này, nhưng cũng là phân khúc cạnh tranh khốc liệt bậc nhất. Nửa đầu năm 2022, theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, bảo hiểm xe cơ giới đóng góp thứ hai về doanh thu trên tổng doanh thu các nghiệp vụ của khối phi nhân thọ. Cụ thể, doanh thu phí 6 tháng của bảo hiểm cơ giới đạt 9.367 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 27,7% trong tổng doanh thu toàn thị trường, tăng 10% so với cùng kỳ; bồi thường 3.732 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường đạt 39,8%.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia bảo hiểm trong ngành thì lại cho rằng, sự cạnh tranh chắc chắn chưa thể diễn ra “một sớm một chiều”. Vì dù Tasco có lợi thế về hệ thống khách hàng cũng như showroom của Savico, tuy nhiên, điều cốt lõi để chiếm được thị phần trong lĩnh vực này là chất lượng dịch vụ; trong đó, mạng lưới gara liên kết rộng và chất lượng tốt sẽ được khách hàng lựa chọn. Groupama sẽ cần nhiều thời gian để xây dựng mạng lưới phục vụ khách hàng đủ rộng, có thể cung cấp dịch vụ nhanh và tốt nhất cho khách hàng.
Cùng với sự thay đổi của Groupama Việt Nam, tháng 12/2021, Công ty cổ phần Bảo hiểm AAA về tay Tập đoàn Bamboo Capital. Sau thương vụ M&A gây chú ý trên thị trường Việt Nam, Bảo hiểm AAA đang tập trung nguồn lực và tài chính để nâng cấp hệ thống, cũng như phát triển thêm các dịch vụ mới dựa trên trải nghiệm khách hàng. Điển hình như cổng thông tin dịch vụ khách hàng, ứng dụng di động cho khách hàng và đại lý, các sản phẩm bảo hiểm số hóa, dịch vụ khách hàng và bồi thường trực tuyến, thanh toán trực tuyến, mở rộng mạng lưới cung cấp các sản phẩm kỹ thuật số thông qua các đối tác Insurtech…
Bảo hiểm AAA xác định bancassurance và insurtech là hai kênh quan trọng sẽ được tập trung đầu tư trong tương lai. Công ty đang có kế hoạch hợp tác với hàng loạt ngân hàng và đối tác lớn khác. Cùng với đó, AAA cũng đẩy mạnh cả kênh kỹ thuật số để có thể mang đến những trải nghiệm vượt trội cho khách hàng. Để hiện thực hóa tham vọng trở thành công ty bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu Việt Nam, ngoài chiến lược đẩy mạnh kênh phân phối, AAA còn mở rộng mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch trên toàn quốc. Hiện AAA đang có 51 chi nhánh và 100 phòng giao dịch trên toàn quốc.
Nếu như kênh bancasurance đang được xem là “đại dương đỏ” với sự cạnh tranh vô cùng khắc nghiệt về phí, chất lượng dịch vụ thì insurtech lại là nơi có nhiều đất diễn hơn. Tuy nhiên, đây lại là lĩnh vực cần sự đầu tư rất lớn về nguồn lực như con người, tài chính, công nghệ.
Các thương vụ M&A trên được nhìn nhận sẽ tạo ra cú huých mới trên thị trường khiến cho các doanh nghiệp hiện hữu cũng cần tăng tốc để tạo ra sự cạnh tranh tốt hơn trên thị trường vốn có nhiều biến động.