Cuộc đấu giá sim di động tiền tỷ đầu tiên
Cuối năm 2004, trong chương trình đấu giá từ thiện cuối năm trên truyền hình, sim 8 số 8 - 0988888888 được một doanh nhân trả 1,1 tỷ đồng để ủng hộ cho quỹ Vì người nghèo. Đây được coi là vụ đấu giá sim di động tiền tỷ đầu tiên trong lịch sử.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, doanh nhân này đã không trả số tiền đấu giá như đã cam kết. Cũng vì thế, chiếc sim 8 số 8 đã có chủ nhân mà vẫn bị “treo” trong kho số của Viettel trong một thời gian dài. Phải đến gần 6 năm sau đó, chiếc sim được trao cho chủ mới.
Đấu giá hàng chục tỷ đồng tại đêm thi Hoa hậu Trái đất
Chương trình đấu giá gây quỹ từ thiện "Đêm hội Hoa hậu Trái đất và doanh nhân hướng về miền Trung" cuối năm 2010 đạt được số tiền xấp xỉ 74 tỷ đồng. Chương trình đã được phát sóng trên các kênh quốc tế như NBC, StarWorld và những kênh truyền hình trong nước.
Bộ tác phẩm Tứ linh (long - lân - quy - phụng) - tác phẩm nhận giải xuất sắc tại Triển lãm sinh vật cảnh cao cấp toàn quốc trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long, có giá đấu khởi điểm là 40 tỷ đồng, chỉ sau vài phút, số tiền cho những linh vật này tăng dần từ 42 lên 45 rồi dừng lại ở con số 47,9 tỷ đồng. Người thắng cuộc để sở hữu tác phẩm nghệ thuật này là đại diện Công ty gốm sứ Bảo Long.
Viên đá Ruby được đem đấu giá từ thiện nhưng cuối cùng người mua từ chối trả tiền. Ảnh: Thiên Chương
|
Các vật phẩm quý khác gồm chiếc trống đồng kỷ vật 1000 năm Thăng Long được một người xưng danh là Lương Đức Hải trả mua với giá thu về 12 tỷ đồng; bức tranh đá quý có chữ ký của khoảng 80 thí sinh Miss Earth cũng được một người tên Thanh Bình đấu với mức giá 3 tỷ đồng. Còn viên đá ruby khổng lồ được người tên Phát, xưng là đại diện Công ty Bình Điền (Long An), mua giá 11 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Hội Chữ thập đỏ TP HCM cuối cùng mới chỉ thu được hơn một tỷ đồng. 73 tỷ đồng còn lại đã bị các cá nhân, doanh nghiệp vì nhiều lý do mà từ chối trả. Thậm chí một số doanh nghiệp còn nói không có đại diện nào tham gia đấu giá.
Đấu giá tranh gạo của ca sĩ Quang Dũng
Năm 2010, tại một buổi Gala dinner đấu giá từ thiện diễn ra tại Quy Nhơn, bức tranh gạo của ca sĩ Quang Dũng được mua với giá cao nhất trong số 4 món đồ đem rao bán là 10.000 USD. Người mua đã yêu cầu Ban tổ chức chuyển tranh về một phòng trà ở TP HCM thì mới chịu chuyển tiền. Ngày 29 Tết năm đó, Mặt trận tổ quốc Bình Định đã tất tả chuyển tranh đi nhưng tiền vẫn không được người mua thanh toán như tuyên bố.
Các vật phẩm của các nhà sưu tập khác cũng được mua với mức giá cao, nhưng sau đó các cá nhân thắng cuộc đấu giá không có hồi âm.
Trước đó, năm 2009, một doanh nghiệp tại TP HCM đồng ý mua đấu giá bức tranh gây quỹ từ thiện với mức 450 triệu đồng trong chương trình "Nối nhịp trái tim". Tuy nhiên, sau đó, người thắng đấu giá là chủ một doanh nghiệp ở Bình Thạnh (TP HCM) cũng đã hủy kết quả đấu của mình.
Tình trạng doanh nghiệp, cá nhân tham gia đấu giá (gồm đấu giá từ thiện và đấu giá tài sản) sau đó không mua tài sản đó nữa từng diễn ra rất nhiều lần. Trong một số phiên thảo luận tại Quốc hội về Luật Đấu giá, vấn đề này từng được nhiều đại biểu đề cập khá gay gắt với quan điểm cần ngăn ngừa tình trạng đấu giá cao để quảng bá rồi bỏ chạy. Các đại biểu cũng cho rằng cần có chế tài xử lý đối với tình trạng trên.
Riêng về đấu giá từ thiện, nhiều ý kiến cho rằng, ban tổ chức các buổi đấu giá từ thiện cần phải làm rõ các vấn đề: Người trả giá có đầy đủ tư cách chủ thể để đại diện cho công ty trả giá hay không? Trường hợp họ trả giá không rõ danh tính, không đúng theo danh tính mà họ xưng, không được ủy quyền thì xử lý như thế nào? Trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ như thế nào?
Hiện nay, theo Nghị định 17/2010 về đấu giá tài sản quy định, người tham gia đấu giá tài sản phải nộp phí tham gia đấu giá và khoản tiền đặt trước. Phí tham gia đấu giá được thực hiện theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.
Khoản tiền đặt trước do tổ chức bán đấu giá tài sản và người có tài sản bán đấu giá thỏa thuận quy định nhưng tối thiểu là 1% và tối đa không quá 15% giá khởi điểm của tài sản.