Những thương vụ đình đám
Mới đây, CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (KDH) đã chính thức công bố mua thành công thêm 32 triệu cổ phiếu BCI của CTCP Đầu tư xây dựng Bình Chánh (BCCI) để nâng số lượng sở hữu lên 49,7 triệu cổ phiếu, chiếm 57,31% vốn điều lệ và trở thành công ty mẹ của BCCI.
Đây là thương vụ gây ồn ào thị trường thời gian qua, bởi việc “thâu tóm” này diễn ra giữa 2 doanh nghiệp niêm yết trên TTCK và đều là những doanh nghiệp tên tuổi trên thị trường bất động sản. Thậm chí, xét về quy mô, BCCI còn lớn hơn cả KDH, nên đã có nhiều luồng ý kiến cho rằng, đây là thương vụ điển hình về “cá bé nuốt cá lớn”.
Sự khởi sắc của thị trường bất động sản thời gian qua là một trong những nguyên nhân chính giúp hoạt động M&A trên thị trường bất động sản sôi động và xu hướng này sẽ còn diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới.
Tương tự, cũng mới đây, một doanh nghiệp địa ốc đang niêm yết trên sàn chứng khoán khác là CTCP Đầu tư Căn nhà Mơ ước (DRH) cũng đã có sự “thay máu” trong cơ cấu cổ đông. Theo nguồn tin mà chúng tôi có được, thời gian qua, có một nhóm cổ đông đã mua lại hơn 50% vốn của DRH để nắm quyền chi phối hoạt động của doanh nghiệp này. Ngay sau khi "về tay" cổ đông lớn này, DRH đã tiến hành mua lại một số dự án và hiện đang bắt tay triển khai.
Cụ thể, 2 dự án mà DRH sẽ triển khai ngay trong năm 2016 là dự án khu căn hộ trên đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7, TP. HCM và một dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Tại ĐHCĐ bất thường tổ chức mới đây, cổ đông DRH đã thông qua kế hoạch phát hành tăng vốn điều lệ lên gấp 3 lần, từ 184 tỷ đồng, lên 490 tỷ đồng. Mục đích của việc tăng vốn để huy động vốn, thực hiện chiến lược “lột xác” toàn diện cho DRH sắp tới.
Nếu như với các doanh nghiệp địa ốc niêm yết, câu chuyện mua bán doanh nghiệp, hay chuyển nhượng (M&A) dự án diễn ra rõ ràng, thì với các doanh nghiệp chưa niêm yết, hoạt động này như làn sóng ngầm, dù vẫn khá mạnh mẽ. Trong đó, chỉ tính 2 đại gia địa ốc là Hưng Thịnh và Novaland cũng đã thực hiện hàng chục thương vụ “thâu tóm”.
Mới đây, Hưng Thịnh công bố đã chính thức mua lại 2 dự án tại quận 7, TP. HCM của Công ty Đức Khải thông qua hình thức mua đứt Công ty Khải Huy Huân (công ty con của Đức Khải). Theo ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh, hiện Công ty đang có nhiều công ty con, công ty thành viên liên quan đến hoạt động mua dự án.
Tương tự, với Tập đoàn Novaland, chỉ tính trong thời gian ngắn vừa qua, bằng hình thức mua lại trực tiếp dự án hoặc mua đứt doanh nghiệp để sở hữu dự án, tập đoàn này đang sở hữu khá nhiều doanh nghiệp con.
Giúp thị trường lành mạnh và bền vững hơn
Theo phân tích của giới chuyên môn, sự khởi sắc của thị trường bất động sản thời gian qua là một trong những nguyên nhân chính giúp hoạt động M&A trên thị trường bất động sản sôi động và xu hướng này sẽ còn diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới.
Đã có một số quan điểm lo ngại, việc “thâu tóm” lẫn nhau giữa các doanh nghiệp sẽ làm méo mó thị trường bất động sản. Tuy nhiên, phần lớn ý kiến lại cho rằng, đây là xu hướng tất yếu, là sự chuyển giao cần thiết để thị trường bất động sản phát triển mạnh và bền vững hơn.
Trở lại câu chuyện Khang Điền “thâu tóm” BCCI. Theo một lãnh đạo của Khang Điền, đây là hoạt động bình thường trong kinh doanh và Khang Điền mua lại cổ phần của BCCI là công khai, minh bạch.
Khang Điền có lợi thế là một doanh nghiệp đầu tư bất động sản chuyên nghiệp, còn BCCI có lợi thế có quỹ đất lớn, trong đó có nhiều quỹ đất để trống nhiều năm qua chưa được khai thác một cách đúng nghĩa. Do vậy, việc Khang Điền mua lại BCCI về bản chất là một sự liên kết, nhằm phát huy những lợi thế của nhau, làm cho bản thân các doanh nghiệp lẫn thị trường phát triển tốt hơn.
Ảnh: Lê Toàn
Tương tự, với DRH, dù doanh nghiệp này đã hoạt động trên thị trường hơn 10 năm và gần 5 năm có mặt trên TTCK, nhưng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này khá èo uột. Tuy nhiên, kể từ sau khi có nhóm cổ đông mới nhảy vào, bản thân doanh nghiệp này đã có một sự “lột xác” toàn diện.
Tại ĐHCĐ vừa diễn ra, ông Đặng Đức Thành, Chủ tịch HĐQT và cũng là người sáng lập DRH - người đã thoái gần 30% vốn điều lệ tại DRH cho biết, việc ông giảm bớt cổ phần để cho lực lượng mới có cơ hội tham gia vào hoạt động của Công ty.
“Hiện tại, gia đình tôi vẫn còn nắm giữ 6% cổ phần. Tôi cũng muốn nhà đầu tư hiểu rằng, đây là công ty đại chúng, không quan trọng về vấn đề cá nhân, miễn là Công ty phát triển”, ông Thành nói.
Còn theo ông Phan Tấn Đạt, người vừa kế nhiệm ghế Tổng giám đốc của DRH, việc xây dựng chiến lược hoạt động tại DRH không phải do một cá nhân, mà là trí tuệ, sự đồng thuận của cả tập thể Ban lãnh đạo Công ty. Điều quan trọng nhất của DRH, là dù thời gian qua có sự thay đổi lớn về cổ đông hay tài chính, song điều quan trọng là tập thể các cổ động cũ và mới luôn có sự đồng thuận cho một mục tiêu chiến lược chung của Công ty là làm sao để doanh nghiệp phát triển tốt hơn.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM, thị trường bất động sản thời gian qua đang có sự chuyển giao khá mạnh giữa các doanh nghiệp không chuyên nghiệp sang các doanh nghiệp chuyên nghiệp. Sự chuyển giao này là vô cùng cần thiết, làm tăng tính thanh khoản thị trường, giúp giảm hàng tồn kho và phục hồi niềm tin thị trường.
“Nếu không có những doanh nghiệp thực sự chuyên nghiệp, thì sẽ không có những khu đô thị, dự án được mọc lên một cách bài bản, đồng bộ”, ông Châu nói và dẫn chứng, nhiều năm trước, TP. HCM có khá nhiều dự án từng bị “trùm mền” hàng năm trời, nhưng chính nhờ sự chuyển giao trên thị trường đã biến những dự án “trùm mền” thành những khu dân cư hiện đại.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com