Những cung đường mới

Những cung đường mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau bao ngày giãn cách xã hội, gia đình chúng tôi cuối cùng cũng được đi du lịch, hay nói cách khác là “dám” đi du lịch.

1. Các công ty du lịch, khách sạn - resort, các công ty vận chuyển và các địa phương đang có hàng loạt chương trình giảm giá siêu ưu đãi dành cho khách du lịch nội địa. Tuy còn nhiều hạn chế, nhưng có lẽ giai đoạn này cũng là giai đoạn có nhiều khác biệt nhất mà gia đình tôi đã từng trải nghiệm.

Không quá rầm rộ, các hoạt động vui chơi, giải trí phải “kín cổng, cao tường” vì nhiều địa phương vẫn đang trong giai đoạn vừa mở cửa, vừa chống dịch. Các hoạt động tham quan hoặc tập trung đông người ở các điểm vui chơi được hạn chế tối đa, nhưng cũng vì thế tôi có thêm khoảng không gian để sở hữu hoàn toàn những khoảnh khắc của riêng mình.

Tôi có thể tản bộ trên một con phố vắng và thoải mái ngắm giàn hoa trước cửa một ngôi nhà nào đó, có thể ghé vào bất cứ hàng quán nào tôi thấy thích, có thể quyết định ở lại một thành phố thêm vài ngày nữa… mà không sợ làm phiền ai. Tôi được tự do làm điều mình thích mà không ảnh hưởng tới bất kỳ người nào khác.

Resort mà gia đình tôi lựa chọn trong chuyến du lịch miền Trung lần này là một resort quen thuộc, ưa thích của 2 vợ chồng.

Dịch vụ rất tốt, chúng tôi đã ở nhiều lần trước đây và thấy hài lòng. Mặc dù lượng khách đến đây ít hơn thông thường, nhưng việc không giảm, thậm chí còn nâng cao chất lượng dịch vụ đã tạo tâm lý rất tốt cho 2 vợ chồng sau chuyến bay kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ mệt nhoài.

Nhân viên nhiệt tình và niềm nở, hướng dẫn từng chi tiết cho khách hàng, trong khi phòng ốc được dọn dẹp gọn gàng, sạch sẽ, ngăn nắp. Khách ra vào khách sạn đều được nhân viên tận tình hướng dẫn check-in qua QR Code và có cả thông báo các biện pháp để có được một chuyến du lịch “an toàn” nhất.

Một điều nhỏ, nhưng có lẽ đây là cách ngắn nhất mà ngành du lịch và các nhà phát triển nghỉ dưỡng đang làm để từng bước lấy lại những gì đã mất sau gần 2 năm bất ổn bởi sự bùng phát của Covid-19.

“Dịch bùng lên, tất cả buộc phải đóng cửa, doanh nghiệp gặp khó khăn khi doanh thu không đủ bù chi phí, nhưng không vì thế mà chúng em giảm chất lượng dịch vụ, thậm chí còn tốt hơn trước, bởi chỉ có chất lượng tốt hơn mới kéo khách quay trở lại”, Tuấn, nhân viên khách sạn hồ hởi chia sẻ khi dẫn chúng tôi lên phòng.

Cuộc trải nghiệm của 2 vợ chồng sau đó qua một thị xã cổ rất nổi tiếng, nơi chúng tôi đã ghé rất nhiều lần nhưng vẫn muốn đến mỗi lần thăm miền Trung. Một điều vui là việc thu phí vào khu phố cổ đã được miễn, chỉ đáng tiếc là một số địa điểm tham quan vẫn phải đóng cửa “im lìm”.

Điều này cũng không có gì lạ khi tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và các địa phương, dù được phép mở cửa thí điểm trở lại, cũng vẫn phải tuân thủ nghiêm ngặt những yêu cầu phòng chống dịch. Nhưng đôi khi, sự “im ắng” cũng là một cách trải nghiệm thú vị và bằng chứng là các du khách đi du lịch đợt này không ai phàn nàn hay buồn rầu, mọi ánh mắt đều ánh lên niềm vui.

2. Ngành du lịch Việt Nam trước khi Covid-19 ập đến đã có sự phát triển mạnh mẽ. Lượng du khách nội địa và quốc tế tăng vọt hàng năm, cùng doanh thu mang lại luôn là niềm tự hào trong báo cáo thành tích hàng năm của nhiều địa phương.

Thế nhưng, đằng sau những con số tích cực về tăng trưởng du khách và doanh thu, đã có những cảnh báo về việc những “điểm đến” đang bắt đầu phải gồng mình đón những làn sóng va đập, mang yếu tố thiếu bền vững, có thể làm người địa phương phản ứng tiêu cực.

Vì vậy, Covid-19, nói ở góc tích cực, đang làm giảm bớt dần những tiêu cực đó, đồng thời định hướng lại ngành du lịch Việt Nam nói chung. Trong đó, chất lượng dịch vụ và cơ sở lưu trú được ưu tiên hàng đầu trong danh sách lựa chọn của du khách, và muốn đón khách, không có cách nào khác là buộc phải thay đổi, nâng cấp ở một mức độ cao hơn.

Có thể trong 3 - 4 năm nữa, ngành du lịch toàn cầu sẽ phát triển thịnh vượng trở lại, nhưng trong thời điểm hiện tại, nhu cầu du lịch của người dân trên toàn cầu thay đổi. Trước khi quyết định đặt chân đến các điểm đến nào đó, họ sẽ tìm hiểu, nghiên cứu và chọn lựa kỹ càng hơn trước. Trong đó, chỉ những dự án đáp ứng được các yêu cầu về staycation (du lịch tại chỗ), resort chăm sóc sức khỏe, khu nghỉ dưỡng phức hợp với trải nghiệm F&B (ẩm thực) và vui chơi giải trí độc đáo… mang lại nhiều trải nghiệm mới lạ mới được ưu tiên.

Nói như ông Ngô Hoài Chung, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, đây sẽ là thách thức lớn, nhưng cũng là cơ hội để thúc đẩy sự vào cuộc mạnh mẽ của các nhà đầu tư tư nhân trong phát triển hạ tầng, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển sản phẩm, xúc tiến quảng bá du lịch.

Theo đó, khi ngành du lịch có thêm nhiều sản phẩm đẳng cấp, các điểm đến hấp dẫn, các khu du lịch quy mô lớn, chất lượng và phương thức kinh doanh hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế sẽ là đòn bẩy tăng trưởng du lịch địa phương cũng như cả nước thời gian tới.

Tất nhiên, điều này cũng sẽ phụ thuộc rất lớn vào sự ủng hộ, chỉ đạo quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc phối hợp hình thành một chuỗi quy trình phát triển du lịch chung, bên cạnh thúc đẩy nâng cao chất lượng của các cơ sở lưu trú.

Chẳng hạn như câu chuyện của Thái Lan, họ đã thổi thành công “bản giao hưởng” mang tên Phuket Sandbox và Samui+. Hai hòn đảo phía Nam Thái Lan này đã mở cửa đón khách du lịch trở lại từ tháng 7/2021 và đang gặt hái được nhiều thành công.

Hiện tại, Phuket đang là nơi an toàn nhất Thái Lan giữa lúc tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp với sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron trên toàn cầu. Rõ ràng, việc tạo ra điểm đến, địa phương an toàn là tối cần thiết, không chỉ có giá trị cho ngành du lịch, mà còn cho nhiều ngành nghề khác phát triển sau đại dịch này.

3. Có lẽ, để trở lại đường đua, không thể chỉ cần nỗ lực của một tổ chức, đơn vị, mà cần một cái nhìn rộng và sức mạnh hiệu triệu toàn xã hội và một chương trình tổng thể toàn diện. Từ đó, những cung đường du lịch sẽ lại mở ra cho ngành công nghiệp không khói đầy hấp dẫn của Việt Nam.

Tin bài liên quan