HAF thua lỗ liên miên
Chỉ có vốn điều lệ 145 tỷ đồng, nhưng Công ty cổ phần Thực phẩm Hà Nội (mã HAF) lại đang nắm trong tay nhiều cơ sở nhà đất nằm ở mặt tiền phố trung tâm Hà Nội, thường được gọi là “đất vàng”, “đất kim cương”, gồm 11 trung tâm thương mại, siêu thị và chuỗi cửa hàng tiện ích; 8 cơ sở khách sạn, nhà hàng, dịch vụ ăn uống; 5 cơ sở kinh doanh…
Trong đó, có thể kể tới một số khu đất vàng nổi bật như 736 m2 ở 51 Lê Đại Hành; 164,5 m2 ở 46 Lương Ngọc Quyến; 347,6 m2 ở số 7 Đinh Liệt; 200 m2 ở 30 Hàng Đào; 396,6 m2 ở 26 Cao Thắng; 76,7 m2 ở số 1 Cao Thắng; 195 m2 ở 72 Triệu Việt Vương; 218,3 m2 ở 112 phố Huế; 55,5 m2 ở 94 phố Huế; 250,1 m2 ở 26 Trần Nhật Duật; 212,36 m2 ở 24 Trần Nhật Duật; 8.678 m2 ở 162 - 164 đường Tựu Liệt; 187,6 m2 ở số 9 Lê Quý Đôn; 928,3 m2 ở 141 Trương Định; 225 m2 ở 35 Lạc Trung; 1.220 m2 ở 319 Tây Sơn; 321,4 m2 ở 55 Mã Mây… và nhiều kios ở chợ Hàng Da, chợ Ngọc Hà, chợ Bưởi, chợ Vọng Hà, Châu Long.
Ngoài ra, HAF còn có cơ sở nhà đất khác nằm ở 2 công ty con là Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ Bắc Qua (HAF nắm giữ 54% vốn) và Công ty cổ phần Thương mại Lãng Yên (HAF nắm giữ 51% vốn): dự án của Công ty cổ phần Bắc Qua trên diện tích đất 2.296 m2 ở ngã tư Hàng Khoai - Nguyễn Thiện Thuật (19 Hàng Khoai) và dự án của Công ty Lãng Yên ở 21 Trần Khánh Dư.
Có lợi thế quản lý và sở hữu nhiều khu đất vàng ở Thủ đô, vậy nhưng hoạt động kinh doanh của HAF lại kém hiệu quả. Giai đoạn 2016 - 2019, lợi nhuận của doanh nghiệp theo hướng đi xuống, từ 11,4 tỷ đồng còn 3,1 tỷ đồng. Từ năm 2020 tới nay, HAF thua lỗ liên tục.
Báo cáo tài chính quý III/2022 cho thấy, trong 9 tháng đầu năm, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Công ty đạt 81,29 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm 2021; lỗ sau thuế 6,3 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số lỗ 3,5 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2021.
HAF hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, bán buôn và quản lý, khai thác mạng lưới địa điểm. Dịch bệnh gây thiệt hại nặng nề đến mảng bán buôn và khai thác mạng lưới địa điểm để cho thuê hoặc hợp tác. Một số địa điểm đóng cửa, trả lại mặt bằng, thanh lý hợp đồng trước thời hạn. Theo đó, doanh thu thương mại của Công ty đi xuống, mức lỗ gia tăng trong năm 2022.
Trong công văn giải trình chênh lệch lợi nhuận và giải trình ý kiến kiểm toán ngoại trừ tại áo cáo tài chính bán niên 2022, HAF cho biết, lợi nhuận sau thuế của Công ty giảm mạnh so với cùng kỳ 2021 chủ yếu do trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính và đơn vị kiểm toán thực hiện bút toán hồi tố trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính.
Trước đó, đơn vị kiểm toán đã đưa ra nhiều ý kiến ngoại trừ với báo cáo tài chính của HAF, bao gồm việc Công ty chưa trích lập dự phòng tổn thất khoản đầu tư vào Công ty Bắc Qua; đơn vị kiểm toán chưa thu thập được báo cáo tài chính giữa niên độ của các công ty liên kết với HAF như Công ty cổ phần Sản xuất - kinh doanh gia súc, gia cầm, Công ty cổ phần Ẩm thực Hà Nội, Công ty cổ phần Sản xuất, chế biến thực phẩm Hà Nội…
Ngoài ra, HAF còn một số khoản phải thu về cho vay, khoản phải thu khách hàng… đã quá hạn thanh toán trên 3 năm. Đơn vị kiểm toán cho rằng không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng thích hợp để đánh giá khả năng thu hồi các khoản nợ trên và giá trị dự phòng cần trích lập.
CHS: Kinh doanh đi xuống hậu cổ phần hoá
Công ty cổ phần Chiếu sáng công cộng TP.HCM – Sapulico (CHS) có vốn điều lệ 284 tỷ đồng, trong đó Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) nắm giữ 51% vốn, Công ty cổ phần Long Hậu (đối tác chiến lược khi CHS cổ phần hóa) nắm 34%.
Sapulico được cổ phần hóa năm 2015, ngành nghề kinh doanh chính là dịch vụ quản lý vận hành duy tu bảo dưỡng hệ thống chiếu sáng công cộng, hệ thống đèn tín hiệu giao thông, xây dựng công trình công ích, sản xuất thiết bị điện chiếu sáng, lắp đặt hệ thống xây dựng khác…
Tại thời điểm IPO, công ty quản lý và sử dụng nhiều lô đất tại TP.HCM và các tỉnh. Riêng tại TP.HCM, Sapulico có các lô đất 386 m2 tại 121 Châu Văn Liêm (phường 14, quận 5); lô đất 2.372,5 m2 tại 167 Lưu Hữu Phước (phường 15, quận 8); lô đất 318 m2 tại 436 An Dương Vương, (phường 4, quận 5); lô đất 218 m2 tại 55 Nguyễn Thi (phường 13, quận 5); lô đất 680,9 m2 tại số 3 TL14 (phường Thạnh Lộc, quận 12); lô đất 2500 m2 tại xã Tân Thạnh, huyện Củ Chi.
Trước cổ phần hóa, trong giai đoạn 2012 - 2014, CHS có lợi nhuận sau thuế dao động từ 80,3 - 102,3 tỷ đồng/năm. Khi cổ phần hóa năm 2015, lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2015 của Công ty đạt 51,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau cổ phần hóa, kết quả kinh doanh của Sapulico sụt giảm rất mạnh. Năm 2017, CHS đạt doanh thu 383 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 25,3 tỷ đồng; năm 2018, doanh thu là 375 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 23,9 tỷ đồng; năm 2019, doanh thu 404 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 31,5 tỷ đồng; năm 2020, doanh thu là 438 tỷ đồng và lợi nhuận 36 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu của CHS đạt 278,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 21,5 tỷ đồng, giảm 17,6% so với cùng kỳ năm trước.
Mới đây, Sapulico thông báo sẽ tổ chức đại hội cổ đông bất thường năm 2023 dự kiến ngày 28/2/2023. Tuy nhiên, nội dung đại hội chưa được công bố.
PCM: lợi nhuận từng chỉ đạt 5% kế hoạch đặt ra
Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Bưu điện (PCM) có vốn điều lệ 40 tỷ đồng, phần vốn Nhà nước chiếm 49%, do Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam quản lý.
Theo công bố thông tin khi đưa cổ phiếu lên giao dịch trên thị trường UPCoM, Công ty quản lý và sử dụng nhiều lô đất lớn như 9.419,2 m2 ở số 64 đường Cầu Diễn, quận Từ Liêm, Hà Nội; 11.547,2 m2 ở Lộc Hà, Mai Lâm, Đông Anh, Hà Nội; 29.218 m2 ở phường Nam Sơn, thị xã Tam Điệp, Ninh Bình, 63,3 m2 ở 57/20 Bàu Cát, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM; 5.330,3 m2 ở phường Trung Sơn, Tam Điệp, Ninh Bình…
Các năm vừa qua, hiệu quả kinh doanh của Công ty không cao, cổ tức đều ở mức dưới 2,5%/năm, thậm chí năm 2021 chỉ vỏn vẹn 0,19%.
Theo tài liệu đại hội cổ đông thường niên diễn ra vào tháng 4/2022, năm 2021, dịch bệnh Covid đã ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh của Công ty. Tuy nhiên, bên cạnh khó khăn khách quan, Công ty cũng thừa nhận một số tồn tại về mặt chủ quan như nguồn nhân lực còn hạn chế nên hiệu quả công việc chưa cao.
Quý III/2021, PCM đã triển khai dự án nâng cấp thiết bị dây chuyền sản xuất ống nhựa, giúp nâng cao chất lượng, giảm chi phí. Kết quả năm 2021, PCM đạt doanh thu 51,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 75 triệu đồng. Mức lợi nhuận này chỉ bằng 5% kế hoạch mà đại hội cổ đông thường niên đã thông qua.
Trên website của PCM, mục công bố thông tin về báo cáo tài chính, chỉ có báo cáo tài chính bán niên 2022. Theo báo cáo này, 6 tháng đầu năm 2022, Công ty đạt doanh thu 30,37 tỷ đồng, tăng 59,8% so với cùng kỳ 2021; lợi nhuận sau thuế đạt 225,4 triệu đồng.
Năm 2022, PCM đặt mục tiêu doanh thu 60,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1,53 tỷ đồng. Trả lời chất vốn của cổ đông về việc doanh thu, lợi nhuận và thu nhập của người lao động giảm qua các năm, Hội đồng quản trị PCM cho biết, Công ty đang trong quá trình thoái vốn Nhà nước nên mục tiêu hoạt động chính là bảo toàn vốn của cổ đông và chăm lo đời sống cho người lao động. Công ty đã xây dựng kế hoạch phát triển của Công ty và đang chờ cấp có thẩm quyền phê duyệt.