Những con số nổi bật trên TTCK tuổi 15

(ĐTCK) Tuy mới ở tuổi 15, nhưng TTCK Việt Nam đã có bước trưởng thành ấn tượng. Điều này thể hiện qua nhiều“con số biết nói”.
Những con số nổi bật trên TTCK tuổi 15

Quy mô TTCK đạt 54% GDP

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), vốn hóa thị trường cổ phiếu đến cuối năm 2014 đạt 1.121.000 tỷ đồng, tăng 54,4% so với đầu năm 2010, đạt trên 31% GDP (cuối năm 2007, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu thậm chí đạt 43,23% GDP). Tính cả dư nợ trái phiếu trên thị trường trái phiếu, thì quy mô của TTCK Việt Nam đạt khoảng 54% GDP. Sau 15 năm phát triển, vốn hóa TTCK tăng 580 lần.

Giá trị giao dịch bình quân tăng 50 lần

Giá trị giao dịch bình quân hiện nay tăng 50 lần so với hơn 10 năm trước. Trong giai đoạn 2010 - 2015, giá trị giao dịch bình quân đạt trên 2.900 tỷ đồng/phiên, tăng gấp đôi so với giai đoạn 2005 - 2010.

Huy động vốn qua TTCK đạt 2 triệu tỷ đồng

Đến nay, TTCK đã giúp Chính phủ và các doanh nghiệp huy động khoảng 2 triệu tỷ đồng vốn cho đầu tư phát triển. Quy mô huy động vốn hiện nay tăng 50 lần so với 10 năm trước. Tính riêng trong 10 năm trở lại đây, quy mô huy động vốn qua TTCK đáp ứng khoảng 23% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và tỷ lệ đã tương đương gần 60% so với cung tín dụng qua thị trường tiền tệ - tín dụng.

Thị trường có 670 công ty niêm yết

Trải qua 15 năm vận hành, số lượt công ty niêm yết trên Sở GDCK TP. HCM (HOSE) và Sở GDCK Hà Nội (HNX) đạt 670 công ty và quỹ đầu tư (không kể các doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên UPCoM), với mức vốn hóa 1.121.000 tỷ đồng.

Hơn 200 doanh nghiệp trên UPCoM

Thị trường UPCoM hiện có trên 200 công ty đăng ký giao dịch, với quy mô vốn hóa thị trường 38.000 tỷ đồng, tăng gần 9 lần so với cuối năm 2009. Thanh khoản của thị trường tăng trên 5 lần, từ 4 tỷ đồng/phiên năm 2009 lên 21,9 tỷ đồng/phiên năm 2014.

Hơn 50% Doanh nghiệp niêm yết hình thành từ cổ phần hóa

Trong 15 năm qua, không kể hơn 200 doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM, trong đó có nhiều doanh nghiệp hình thành từ cổ phần hóa các DNNN, hiện trên HOSE và HNX có 340 niêm yết được hình thành từ cổ phần hóa DNNN.

Giai đoạn 2011 - 2014, tổng tài sản của các doanh nghiệp này tăng bình quân 12%/năm; tổng vốn chủ sở hữu tăng bình quân 16%/năm; tỷ trọng doanh thu và lợi nhuận lần lượt chiếm từ 75 - 80% và từ 77 - 82% toàn thị trường.

Có 81 CTCK hoạt động bình thường

Trên cơ sở thực hiện Đề án tái cấu trúc các CTCK, theo UBCK, đến nay đã xử lý được 24 công ty, hiện còn 81 CTCK đang hoạt động bình thường, giảm 24% tổng số CTCK. Số CTCK có lỗ lũy kế giảm, vốn chủ sở hữu tăng và đạt khoảng 41.636 tỷ đồng. Hoạt động tái cấu trúc các CTCK về vốn, nghiệp vụ kinh doanh, công nghệ, nhân sự… đang được triển khai quyết liệt.

Có 27 quỹ đầu tư, 41 công ty quản lý quỹ

Theo UBCK, đến tháng 7/2015, thị trường có 27 quỹ đầu tư, trong đó có 17 quỹ mở, 2 quỹ ETF và 8 quỹ thành viên. Sau 3 năm thực hiện Đề án tái cấu trúc, sản phẩm quỹ mở đã thay thế hoàn toàn quỹ đóng, trong đó mô hình quỹ mở hiện đại hơn, phù hợp hơn với thông lệ quốc tế, được giám sát bởi hệ thống ngân hàng giám sát, bảo vệ lợi ích NĐT tốt hơn. Hiện có 41 công ty quản lý quỹ đang hoạt động bình thường. Như vậy, hoạt động tái cấu trúc đã thu hẹp gần 20% số lượng các công ty quản lý quỹ.

Gần 1,5 triệu tài khoản nhà đầu tư

Tổng số lượng tài khoản của NĐT hiện đạt gần 1,5 triệu tài khoản, tăng hơn 40% so với năm 2010. Tính riêng số lượng tài khoản của NĐT nước ngoài, có gần 18.000 tài khoản, tăng gấp đôi so với năm 2007, trong đó số lượng NĐT tổ chức tăng từ 200 lên gần 2.300. Giá trị danh mục của NĐT nước ngoài liên tục tăng theo các năm và duy trì ở mức cao. Tổng giá trị danh mục NĐT nước ngoài năm 2009 là 6,34 tỷ USD, năm 2014 đạt gần 13,5 tỷ USD.

Ban hành 2 văn bản dựng nền móng cho TTCK phái sinh

Ngày 11/3/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 366/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển TTCK phái sinh Việt Nam; Ngày 5/5/2015, Chính phủ ban hành Nghị định 42/2015/NĐ-CP quy định về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh.

Hiện tại, ngoài tập trung xây dựng Thông tư hướng dẫn Nghị định 42/2015, UBCK cùng các thành viên thị trường đang tích cực chuẩn bị hệ thống hạ tầng giao dịch, thanh toán, đào tạo NĐT…, để dự kiến mở cửa TTCK phái sinh vào năm 2016, với hai sản phẩm ban đầu là hợp đồng tương lai chỉ số và hợp đồng tương lai trái phiếu.

Tin bài liên quan