Hàng loạt dự án bị “sờ gáy”
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Dương Mạnh Đ., (trú tại TP.HCM) cho biết, khoảng cuối năm 2019, ông biết thông tin về dự án Splus RiverView tại phường Vĩnh Phú, thị xã Thuận An (nay là TP. Thuận An), tỉnh Bình Dương, do CTCP Quản lý đầu tư STC (Công ty STC) làm chủ đầu tư. Sau khi tham khảo thông tin và nhận thấy mức giá tại dự án khá phù hợp với nhu cầu và thu nhập của mình nên quyết định đặt mua căn hộ có ký hiệu CH.902, diện tích 53,35 m2 với mức giá khoảng 900 triệu đồng.
Theo nội dung ký kết tại “Phiếu đăng ký căn hộ”, ông phải đóng trước 15% giá trị căn hộ cho chủ đầu tư, tương đương gần 140 triệu đồng. Lúc này, chủ đầu tư cho biết, thời gian dự kiến hoàn thành dự án và bàn giao cho khách hàng là đầu tháng 6/2021.
Tuy nhiên, gần 1 năm trôi qua kể từ khi nộp tiền, ông không nhận được thêm bất cứ thông tin nào về dự án. Nhận thấy có dấu hiệu bất thường, ông đã trực tiếp tới công trường thì mới biết dự án vẫn chưa được thi công.
Ghi nhận thực tế của phóng viên cho thấy, khu vực triển khai dự án Splus RiverView mới đang được quây tôn bờ rào, phía trong là bãi đất trống, chưa triển khai xây dựng.
Để có thông tin đa chiều hơn, phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán đã liên hệ, đặt lịch làm việc với Công ty STC, nhưng không nhận được phản hồi.
Bên trong dự án Splus RiverView vẫn là bãi cỏ hoang. Ảnh: Việt Dũng |
Liên hệ với ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương thì được biết, Sở đã gửi tờ trình tới UBND tỉnh Bình Dương về việc xử lý vi phạm hành chính đối với Công ty STC do huy động vốn khi chưa đủ điều kiện. Thời gian ban hành quyết định xử phạt cụ thể sẽ được thông báo sau.
“Sau khi có tờ trình, tới ngày 17/9/2020, Công ty STC mới nộp hồ sơ cho Sở đề nghị thẩm định thiết kế bản vẽ kỹ thuật thi công đối với dự án này”, đại diện Sở Xây dựng thông tin thêm.
Tại một dự án khác là dự án Khu đô thị Đông Bình Dương, tọa lạc tại phường Tân Bình, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương, có tổng diện tích 126 ha, do Công ty TNHH Phát triển Đông Bình Dương (Công ty Đông Bình Dương) làm chủ đầu tư, từ đầu năm 2020 đến nay, Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương đã lần thứ 2 ra quyết định xử phạt hành chính đối với chủ đầu tư này do cố tình tổ chức thi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật khi chưa được cấp phép.
Không chỉ chủ đầu tư, đơn vị phân phối cho dự án là Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng HHA cũng bị UBND tỉnh Bình Dương xử phạt hành chính số tiền 275 triệu đồng, đồng thời bị đình chỉ hoạt động kinh doanh 12 tháng do có hành vi huy động vốn trái phép.
Khi được hỏi về vi phạm này, ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Công ty HHA đã từ chối trả lời với lý do “đã giải trình quá nhiều trước đó”?!!
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, bên trong dự án Khu đô thị Đông Bình Dương đã được xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại một số tuyến đường, cho dù chưa được cấp phép. Bên cạnh đó, chủ đầu tư cùng đơn vị phân phối đã tiến hành bàn giao mốc vị trí các lô đất cho hàng trăm khách hàng, đồng thời tổ chức thi công, xây dựng nhà điều hành bên trong dự án.
Thông tin về lỗi cố tình vi phạm của Công ty Đông Bình Dương, ông Lê Hữu Nhơn, Chánh thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết, Sở đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng để xin ý kiến về việc thi hành biện pháp cưỡng chế đối với những sai phạm tại dự án Khu dân cư Đông Bình Dương.
“Khi bị xử phạt lần 1, Công ty Đông Bình Dương đã làm hồ sơ, thủ tục để xin cấp phép xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, do hồ sơ chưa đầy đủ nên Sở chưa thể cấp phép. Sau khi tiến hành xử phạt lần 2 với những tình tiết tăng nặng, Sở đã có văn bản xin ý kiến Bộ Xây dựng về việc thực hiện biện pháp cưỡng chế đối với những sai phạm của chủ đầu tư dự án Đông Bình Dương và đang chờ hồi đáp”, ông Nhơn nói.
Mạnh tay để làm sạch thị trường
Thực tế, thời gian qua, thị trường bất động sản Bình Dương đã đón nhận nhiều doanh nghiệp lớn, có uy tín về phát triển dự án, có thể kể đến những cái tên như Hưng Thịnh, An Gia, LDG, Phú Đông, Phát Đạt…
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp, dự án kinh doanh thiếu minh bạch đã để lại tiếng xấu cho thị trường và ông Trần Khắc Thạch, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Bình Dương, bày tỏ quan điểm ủng hộ những biện pháp xử lý mạnh tay của chính quyền địa phương đối với những doanh nghiệp kinh doanh thiếu uy tín.
“Sở Xây dựng cần phải mạnh tay hơn nữa đối với những doanh nghiệp kinh doanh chộp giật để làm sạch thị trường, từ đó thu hút thêm được nhiều doanh nghiệp uy tín về đầu tư, cũng như củng cố niềm tin của khách hàng khi quyết định lựa chọn mua nhà tại Bình Dương”, ông Thạch nhấn mạnh.
Theo luật sư Trần Văn Duẩn, Trưởng Văn phòng Luật Thanh niên, các cơ quan chức năng cần có chế tài xử lý việc huy động vốn trái pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản theo hướng tăng nặng hơn nhằm tăng tính răn đe, giúp lành mạnh hóa thị trường, đồng thời tăng cường công tác quản lý, giám sát, kịp thời xử lý những khiếu nại, tố cáo của người dân để hạn chế gây ra hậu quả cho nhiều người.
“Với doanh nghiệp đầu tư bất động sản, kinh doanh chụp giật là hành động tự sát vì dự án có vòng đời rất dài nên khách hàng dễ dàng nhận ra chân tướng”, ông Duẩn nhấn mạnh.