Xử lý nợ xấu, giải tỏa điểm nghẽn của nền kinh tế
Vào đúng ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIV, có tới 2 văn kiện quan trọng được thông qua. Đó là Nghị quyết về xử lý nợ xấu và Nghị quyết về việc thành lập đoàn giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, giai đoạn 2011 - 2016.
Cả hai nghị quyết đều có ý nghĩa rất lớn đối với nền kinh tế, bởi “cục máu đông” nợ xấu bao lâu nay là một trong những điểm nghẽn lớn nhất của nền kinh tế. Còn câu chuyện hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, những tồn tại trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cũng đã gây nhức nhối dư luận bao lâu nay. Hai “điểm nghẽn” này được xử lý triệt để, nền kinh tế sẽ hoạt động thông suốt hơn, chất lượng tăng trưởng cao hơn.
Thoạt tiên, vẫn có những băn khoăn về hiệu quả của Nghị quyết về xử lý nợ xấu khi được thông qua. Lý do cơ bản là cơ chế của Nghị quyết chỉ hỗ trợ cho những khoản nợ xấu từ mốc 15/8/2017 trở về trước, chứ không mở rộng về tương lai toàn bộ các khoản.
Tuy nhiên, sau khi cân nhắc ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đây là nghị quyết thí điểm mang tính đặc thù giải quyết khoản nợ xấu phát sinh bất thường trong thời gian qua, cho nên cần có chính sách phù hợp để xử lý nợ xấu phát sinh do nghiệp vụ tín dụng thực hiện trước thời điểm Nghị quyết có hiệu lực.
Sau thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, ban hành và áp dụng các chuẩn mực quản trị ngân hàng, quản lý rủi ro cao hơn, hợp lý theo thông lệ quốc tế để giảm thiểu phát sinh nợ xấu mới.
“Việc quy định phạm vi nợ xấu cần xử lý theo phương án nêu trên sẽ bảo đảm nguồn lực để tập trung xử lý các khoản tín dụng xấu đang gây cản trở hoạt động của hệ thống ngân hàng, tránh việc các tổ chức tín dụng có thể lạm dụng các quy định của Nghị quyết để xử lý nợ xấu của các khoản nợ phát sinh sau ngày 15/8/2017”, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy viên Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh.
Vì vẫn còn những lấn cấn, nên tỷ lệ đại biểu Quốc hội nhấn nút thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu không quá cao - 86,35%. Tuy nhiên, có tới 93,69% đại biểu đã tán thành việc Quốc hội thành lập Đoàn giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, giai đoạn 2011 - 2016. Dễ hiểu, bởi đây là vấn đề “trọng đại” đối với nền kinh tế.
Theo Nghị quyết, Đoàn giám sát có trách nhiệm báo cáo kết quả giám sát với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 4/2018, trình báo cáo kết quả giám sát để Quốc hội tiến hành giám sát tối cao tại Kỳ họp thứ 5 (giữa năm 2018).
Một trong những nội dung quan trọng được giám sát là làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Điều đáng chú ý là Nghị quyết được thông qua vào thời điểm Văn phòng Trung ương Đảng phát đi thông báo kết luận của Bộ Chính trị về cuộc họp xem xét và cho ý kiến chỉ đạo về việc xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương.
Chỉ đạo đối với một ngành, nhưng rõ ràng, câu chuyện của hàng loạt dự án ngàn tỷ đắp chiếu - như Nhà máy Sản xuất xơ sợi Đình Vũ, Nhà máy Bột giấy Phương Nam, Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II, Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất… không phải là vấn đề của riêng một ngành, mà của cả nền kinh tế.
Tạo động lực cho kinh tế tư nhân phát triển
Một dấu ấn quan trọng tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIV, đó là Quốc hội đã thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, đây chính là một tin vui, một “món quà” đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Bởi lẽ, sau 15 năm kể từ lần đầu tiên khái niệm doanh nghiệp nhỏ và vừa được nói đến trong hệ thống pháp luật Việt Nam, “chúng ta đã có một luật riêng quy định các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Phấn khởi trước việc Quốc hội thông qua dự luật này, ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã bày tỏ kỳ vọng rằng, khi Luật đi vào cuộc sống, 6 khó khăn dai dẳng bao lâu nay của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, như tín dụng, công nghệ, thị trường…, sẽ sớm được giải quyết, tạo động lực cho khu vực tư nhân Việt Nam phát triển.
Theo ông Nam, các vấn đề liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tham gia chuỗi liên kết ngành là rất quan trọng. Việt Nam cũng đã có nhiều chuỗi sản xuất, nhưng chưa hoàn chỉnh vì chỉ được hình thành một cách tự phát. Việc hỗ trợ doanh nghiệp một cách bài bản và hiệu quả sẽ giúp khu vực này phát triển, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
“Các địa phương phải đặc biệt quan tâm. Thực tế từ năm 2011 đến nay, dù Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng có hơn 20 tỉnh, thành phố không thực hiện các chính sách hỗ trợ, do đó ảnh hưởng tới sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp”, ông Nam bình luận.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho rằng, ngay sau đây, nhiệm vụ quan trọng là phải sớm ban hành ngay nghị định hướng dẫn thi hành Luật của Chính phủ. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cũng phải nỗ lực hết sức.
“Các nhiệm vụ cụ thể của từng cơ quan, đơn vị đã được quy định trong Luật. Nếu tất cả cùng nỗ lực, Luật sẽ sớm đi vào cuộc sống, mang lại sự hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam”, Thứ trưởng Đặng Huy Đông nói.
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chính thức được thông qua. Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân cũng đã chính thức được ban hành. Đây là những chính sách vô cùng quan trọng để thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển, cũng là thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Những cỗ xe tam mã đã sẵn sàng để kéo nền kinh tế đi lên!