Nhiều DN vẫn có kết quả kinh doanh năm 2008 rất tốt và triển vọng lợi nhuận năm 2009 sáng sủa.

Nhiều DN vẫn có kết quả kinh doanh năm 2008 rất tốt và triển vọng lợi nhuận năm 2009 sáng sủa.

Những cổ phiếu“lên công về thủ…”

(ĐTCK) VN-Index đã xác lập đáy mới 276 điểm vào ngày 12/2, khá nhiều cổ phiếu dẫn dắt thị trường đã rơi xuống mức giá thấp hơn đáy cũ. Tuy nhiên, vẫn có một số cổ phiếu blue-chip có mức giá ổn định nhờ vào một số điểm chung: kết quả kinh doanh năm 2008 rất tốt và triển vọng lợi nhuận năm 2009 sáng sủa. Đây là các cổ phiếu lên công về thủ: Giá ổn định khi thị trường biến động và có nhiều khả năng tăng giá khi thị trường phục hồi.

"Ngôi sao" Vinamilk

Vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2008, nhưng CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - VNM) đã công bố các kế hoạch trong năm 2009, dự kiến trình ĐHCĐ sắp tới. Theo dự kiến, tổng doanh thu của VNM đạt hơn 9.000 tỷ đồng, tăng gần 8%; lợi nhuận sau thuế của Công ty tăng hơn 20%, đạt gần 1.500 tỷ đồng.

Bộ phận phân tích CTCK Bản Việt (VCSC) đánh giá, kế hoạch của VNM khá hiện thực dựa trên nền tảng kinh doanh vững chắc: năm 2008, tổng doanh thu của Công ty tăng gần 20% so với năm trước, trong đó thị trường nội địa chiếm gần 86%. VNM đã đạt 8.380 tỷ đồng doanh thu và 1.230 tỷ đồng lợi nhuận, tương ứng tăng 25,5% và 27,6%.

VCSC nhận định, năm 2009 VNM sẽ tiếp tục tăng trưởng, do sản phẩm của Công ty chủ yếu tập trung vào thị trường nội địa. Một thế mạnh khác của Công ty là nguyên liệu. Trong năm 2009, nguồn cung cấp nguyên liệu trong nước của VNM chỉ chiếm 25%, còn lại là sản phẩm nhập khẩu, chủ yếu từ New Zealand. Công ty ký hợp đồng với các nhà cung cấp nước ngoài, mặc dù giá đã được ấn định từ trước nhưng VNM hoàn toàn có thể đàm phán lại giá mua trong trường hợp thị trường có nhiều biến động. Là công ty có tham gia đầu tư tài chính, cuối năm 2009, VNM đã trích lập dự phòng cho hoạt động đầu tư tài chính ngắn và dài hạn lên đến 243 tỷ đồng. Yếu tố rủi ro của VNM là các biến động trên thị trường nguyên liệu hay vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm…

Thực tế, VNM là cổ phiếu phòng vệ điển hình. Diễn biến giá trong 52 tuần qua cho thấy, giá cổ phiếu VNM chỉ giảm 44% so với mức giảm 67% của VN-Index. Trong 3 tháng gần đây, sự giảm giá tương ứng là gần 4% và 20%. Bộ phận phân tích của đa số CTCK đều đánh giá, trong năm 2009 NĐT nên quan tâm đến nhóm hàng tiêu dùng và trong nhóm này, cổ phiếu VNM được đánh giá rất cao.

Ổn định - nhóm cổ phiếu ngành dược

Theo báo cáo phân tích thị trường của CTCK VNDirect, nhóm cổ phiếu ngành dược Việt Nam có sức hấp dẫn do một số lợi thế: thị trường tiêu thụ ổn định, hiện các DN nội địa mới đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu, hầu hết DN chưa hoạt động hết công suất thiết kế, tuy thuộc nhóm phòng vệ nhưng tốc độ tăng trưởng của ngành vẫn cao hơn mức độ trung bình của các DN niêm yết trên HOSE…

Năm 2008, khủng hoảng kinh tế làm hầu hết các công ty niêm yết phải đối mặt với khó khăn, tuy nhiên 6 mã cổ phiếu  ngành dược niêm yết trên HOSE dường như là một ngoại lệ. Theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2008, IMP có mức lợi nhuận ròng tăng 14%, DMC và DHG tăng gần 5% và 6%. Hai công ty dược mới niêm yết (DCL, TRA) đều có lợi nhuận tăng từ 20 - 26%, riêng OPC giảm lợi nhuận trong năm 2008.

Theo đánh giá của CTCK Kim Eng, các công ty dược đều có chung thế mạnh do tình hình tài chính dồi dào (trừ DCL) và đầu ra ổn định. Trong 52 tuần qua, cổ phiếu ngành dược có mức giảm ít hơn nhiều mức sụt giá chung. Ví dụ, DHG chỉ giảm 46% so với mức giảm 67% của VN-Index…

Vấn đề rủi ro với các cổ phiếu ngành dược là sự biến động của giá nguyên liệu nhập khẩu. Cuối năm 2008, giá hầu hết nguyên liệu trên thế giới đều giảm, nhưng giá nguyên liệu ngành dược vẫn ổn định ở mức cao. Trong năm 2009, hiệu quả của ngành cũng phụ thuộc nhiều vào yếu tố tỷ giá USD/VND. Mặt khác, tính cạnh tranh của ngành ngày càng cao hơn, do từ ngày 1/1/2009, các DN nước ngoài được trực tiếp nhập khẩu mà không cần qua đại lý trong nước...

Vững vàng VSH

Theo báo cáo phân tích TTCK năm 2009 của Vietstock, cổ phiếu ngành điện vẫn đáng lưu tâm, do ngành còn nhiều dư địa để phát triển, cung vẫn chưa đáp ứng được cầu, ngoài ra ngành điện được hưởng lợi từ việc giá bán điện đang được điều chỉnh tăng lên ngang bằng với các nước trong khu vực. Quan trọng hơn, ngành điện (phân phối) hiện vẫn đang hoạt động độc quyền. Theo tính toán, để đảm bảo tốc độ phát triển kinh tế 6,5% trong năm 2009, ngành điện phải tăng trưởng 13%.

Ba tháng qua, cổ phiếu của CTCP Vĩnh Sơn Sông Hinh (VSH) vẫn xoay nhẹ quanh ngưỡng 28.000 đồng/CP so với mức mất điểm trung bình 20% của VN-Index. Kể từ khi PPC ngã ngựa từ cú sốc tỷ giá, VSH là cổ phiếu ngành điện đáng quan tâm nhất. Bộ phận phân tích của CTCK HSC đánh giá, thế mạnh của VSH là lượng tiền mặt dồi dào, lên tới 900 tỷ đồng, được gửi với lãi suất khá cao, nên thu nhập tài chính của Công ty không giảm, VSH lại có các khoản vay nợ bằng ngoại tệ khá nhỏ, trên 15 triệu USD, nên không quá quan ngại vấn đề tỷ giá. Yếu tố quyết định tính hiệu quả của VSH trong năm 2009 là yếu tố thời tiết.