Vài tháng gần đây, hàng loạt cổ phiếu có giá giảm trên 50%, thậm chí 70 - 80%.

Vài tháng gần đây, hàng loạt cổ phiếu có giá giảm trên 50%, thậm chí 70 - 80%.

Những cổ phiếu đi ngược thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong thời gian thị trường lao dốc, một số cổ phiếu trở thành “hiện tượng lạ” khi đi ngược xu hướng chung.

Kết quả kinh doanh tạo lực đẩy

Từ đầu tháng 4/2022 đến nay, VN-Index nằm trong xu hướng giảm, từ trên 1.500 điểm xuống dưới 1.000 điểm, dù có một số nhịp hồi lên 1.200 điểm vào giữa tháng 5 hay 1.300 điểm đầu tháng 6. Chỉ số hiện trở về vùng điểm trước khi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đầu năm 2020.

Hiện tại, hàng loạt cổ phiếu có giá giảm trên 50%, thậm chí 70 - 80%, kể cả các mã trong rổ chỉ số VN30. Trong 30 mã cổ phiếu có giá trị vốn hóa và thanh khoản hàng đầu trên sàn HOSE, có 2 mã hiếm hoi tăng giá là VNM của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) và SAB của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), với mức tăng lần lượt là 18% và gần 20% so với đầu tháng 6.

Kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp này được coi là bệ đỡ giá cổ phiếu, dù không ít doanh nghiệp khác cũng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng cao.

Trong quý III/2022, Vinamik đạt doanh thu hợp nhất 16.094 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 2.363 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước do giá nguyên vật liệu ở mức cao và chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng, nhưng đây là quý đạt kết quả kinh doanh cao nhất trong 4 quý gần nhất.

Đối với Sabeco, với mức nền so sánh thấp của cùng kỳ năm ngoái vì giãn cách xã hội do Covid-19, trong quý III/2022, Sabeco đạt doanh thu 8.635 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.395 tỷ đồng, lần lượt tăng 102% và 196%, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 26,7% lên 31,2% - mức cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.

Trong nhóm bất động sản, cổ phiếu CKG của Công ty cổ phần Tập đoàn Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Kiên Giang (CIC Group) sau khi lùi xuống gần mệnh giá vào cuối tháng 6 đã có diễn biến hồi phục mạnh, nhất là khi doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm tích cực và triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ. Trong quý III/2022, CIC Group ghi nhận doanh thu 277,1 tỷ đồng, gấp 6,4 lần và lợi nhuận sau thuế 31,8 tỷ đồng, gấp 17,5 lần cùng kỳ.

Mới đây, CIC Group đã thông qua việc tiếp tục triển khai phương án phát hành hơn 13,4 triệu cổ phiếu riêng lẻ chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, với giá 15.000 đồng/cổ phiếu. Trước đó, ngày 21/9, kế hoạch này được thông báo tạm dừng mà không có lý do cụ thể. Gần đây, cổ phiếu CKG dao động quanh mức 25.000 đồng/cổ phiếu.

Một cổ phiếu khác, mã FIR của Công ty cổ phần Địa ốc First Real (First Real) duy trì ở vùng giá đỉnh, trong bối cảnh nhiều cổ phiếu cùng ngành vẫn đang trượt dốc. Kết thúc quý IV niên độ tài chính 2022 (1/10/2021 - 30/9/2022), First Real đạt doanh thu 113,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 30,4 tỷ đồng, tăng lần lượt 108% và 46% so với cùng kỳ. Theo First Real, doanh thu tăng trưởng chủ yếu đến từ mảng hoạt động chính là chuyển nhượng bất động sản, qua đó giúp lợi nhuận tăng.

Với nhóm ngành chứng khoán, vốn nhuốm màu ảm đạm cùng thị trường chung, một loạt cổ phiếu chiết khấu 50 - 70% giá, thì mã DSC của Công ty Chứng khoán DSC lại tăng từ dưới 13.000 đồng/cổ phiếu ngày 1/6 lên trên 40.000 đồng/cổ phiếu trong những phiên gần đây, với thanh khoản được cải thiện.

Trong quý III/2022, Chứng khoán DSC đạt doanh thu 42,4 tỷ đồng, gấp 5,1 lần cùng kỳ, nhờ đó, lợi nhuận sau thuế ghi nhận 8,6 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần cùng kỳ. Kết quả này hoàn toàn trái ngược với con số lỗ hơn 4 tỷ đồng trong quý II trước đó.

Khác với những cổ phiếu có độ nhận diện cao nêu trên, cổ phiếu CAP của Công ty cổ phần Nông sản Thực phẩm Yên Bái (Thực phẩm Yên Bái) có diễn biến khả quan trong giai đoạn thị trường lao dốc, hiện dao động quanh ngưỡng 80.000 đồng/cổ phiếu, tăng gần 50% so với đầu năm 2022 và gấp 3,5 lần so với đầu năm 2020.

Thực phẩm Yên Bái chuyên sản xuất giấy đế, vàng mã, tinh bột sắn. Theo báo cáo tài chính quý IV niên độ 2021 - 2022 (kết thúc ngày 30/9/2022), doanh nghiệp đạt doanh thu 220 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ và lãi sau thuế hơn 40 tỷ đồng, tăng 106% so với cùng kỳ. Đây là kết quả kinh doanh theo quý cao nhất của Công ty từ trước đến nay.

Nguy cơ đuối sức

Theo ông Trần Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Agriseco, những cổ phiếu đi ngược thị trường chung thường được chia làm 2 nhóm. Một nhóm có tính ổn định như thực phẩm, sản xuất, cổ phiếu ít xuất hiện đội làm giá, không có dư nợ giao dịch ký quỹ (margin) nhiều nên không có áp lực bán giải chấp. Nhóm thứ hai có thanh khoản thấp, lãnh đạo doanh nghiệp sở hữu đa số cổ phiếu nên lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng ít.

Hiện tại, đầu tư vào cổ phiếu đi ngược thị trường không phải là chiến lược tốt, nhà đầu tư có thể gặp rủi ro bất cứ lúc nào.

Đồng quan điểm, ông Trần Minh Hoàng, Trưởng phòng Nghiên cứu và Phân tích, Công ty Chứng khoán Vietcombank cho rằng, các cổ phiếu đang đi ngược thị trường là những mã kiểm soát được nguồn cung, nếu không thì giá cũng sẽ giảm theo thị trường chung.

Chẳng hạn, Thực phẩm Yên Bái chỉ có hơn 7,8 triệu cổ phiếu đang lưu hành, trong đó, nhóm lãnh đạo và người nội bộ sở hữu 5 triệu cổ phiếu, chiếm hơn 64%. Hay trong cơ cấu cổ đông của Chứng khoán DSC, riêng Công ty cổ phần Đầu tư NTP đã sở hữu 70%.

Ông Hoàng lưu ý, những cổ phiếu đi ngược thị trường khó có thể thoát được xu hướng chung nếu xu hướng này kéo dài. Trong giai đoạn VN-Index giảm từ 1.300 điểm xuống 1.000 điểm, có những cổ phiếu ban đầu chống chịu rất tốt, nhưng về sau không có lực đỡ, giá vẫn giảm mạnh.

“Cổ phiếu có thể xuất hiện những sóng ngắn, nếu may mắn, nhà đầu tư có thể tìm kiếm được cổ phiếu tăng giá và thu được vài phần trăm lợi nhuận, nhưng không thể giữ lâu dài. Thậm chí, khi vào đúng nhịp điều chỉnh, nhà đầu tư có thể mất hết”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, trong một vài trường hợp khác, khi nhận thấy thị trường kém tích cực, nhiều nhà đầu tư có chiến lược giải ngân vào cổ phiếu được trả cổ tức cao. Điều này cũng phần nào lý giải xu hướng tăng giá của cổ phiếu CAP khi trong những năm qua, doanh nghiệp thường xuyên chia cổ tức với tỷ lệ cao bằng cả tiền mặt và cổ phiếu. Vào tháng 6/2022, doanh nghiệp đã chia cổ tức năm 2021 gồm 50% bằng tiền mặt và 50% bằng cổ phiếu.

Thời điểm hiện tại, ông Hoàng nhận định, đầu tư vào cổ phiếu đi ngược thị trường không phải là chiến lược tốt, nhà đầu tư có thể gặp rủi ro bất cứ lúc nào. Mặc dù vậy, nhà đầu tư có thể giải ngân một phần nhỏ để “cảm nhận” thị trường.

Trong khi đó, ông Khoa khuyến nghị, việc giải ngân lúc này nên đứng trên góc độ thận trọng và phù hợp với khẩu vị rủi ro của từng nhà đầu tư.

Tin bài liên quan