Ông Bùi Quang Ngọc, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT cho biết, trước khủng hoảng kinh tế, FPT tăng trưởng 30 - 35%/năm; trong giai đoạn khủng hoảng, tăng trưởng chỉ còn 10%; nhưng khi khủng hoảng qua đi, lại kỳ vọng có thể đạt mức tăng trưởng 20%/năm.
“Chúng tôi muốn tìm kiếm các nhà đầu tư trong các ngành công nghệ cao đến từ Mỹ, Nhật Bản… hay nhà cung cấp các dịch vụ cao cấp trong lĩnh vực quản trị nhân sự, quản trị dự án lớn để đáp ứng chuẩn mực của các thị trường cao cấp mà chúng tôi hướng tới”.
Trong khi đó, ông Lê Hải, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Quân đội (MB) mong muốn tìm đối tác hỗ trợ Ngân hàng tăng cường năng lực tài chính, năng lực quản trị, công nghệ và hỗ trợ trong phát triển quan hệ với các định chế tài chính lớn.
“Chúng tôi sẽ phát triển khách hàng lớn từ 2 triệu hiện nay lên 6 triệu khách hàng trong 6 năm tới. Cơ cấu nguồn thu từ dịch vụ từ 20% lên 40%, tập trung vào khách hàng cá nhân. MB cũng đang có kế hoạch phát triển theo xu thế của các ngân hàng thế giới là phát triển mobile banking bằng việc kết hợp với Viettel xây dựng phần mềm giao dịch cho khách hàng cá nhân, đặc biệt là phát triển dịch vụ home banking, khách hàng ngồi ở nhà có thể sử dụng các dịch vụ của ngân hàng”, ông Hải nói.
Trên thực tế, FPT hay MB đều muốn tìm kiếm đối tác nước ngoài trong lĩnh vực cần tăng cường khả năng cạnh tranh. Ông Hải nêu rõ quan điểm: “Chúng tôi muốn ưu tiên room nước ngoài còn lại cho đối tác gắn bó lâu dài với MB, ít nhất từ 6 - 8 năm”. Đối với FPT, mặc dù room đã cạn và đợt phát hành mới nào của FPT thì phần cho nhà đầu tư nước ngoài luôn được đăng ký hết ngay, nhưng ông Ngọc hy vọng chính sách nới room mà Chính phủ sắp ban hành sẽ giúp FPT tiếp tục mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài.
Phát biểu của ông Nguyễn Thanh Bình, Phó tổng giám đốc CTCP Đại lý liên hiệp vận chuyển (GMD) đã cho nhà đầu tư có cái nhìn rõ hơn về bức tranh của ngành logistic ở Việt Nam. GMD hiện là công ty hiếm hoi của Việt Nam có thể cung cấp dịch vụ trọn gói trong lĩnh vực logistic, từ vận tải, giao nhận, kho bãi, phân phối và cảng.
Việt Nam có vị trí chiến lược tốt, có nhiều cơ hội để trở thành một địa chỉ trung chuyển hàng hóa cho thế giới, nhưng điều này còn phụ thuộc điều kiện là khối lượng hàng hóa của Việt Nam và năng lực điều hành trong lĩnh vực này. Việt Nam còn một chặng đường dài để tiến tới cạnh tranh với các nước trong khu vực, nhưng trước mắt cũng có thể nỗ lực làm cho hệ thống cảng ở Việt Nam sôi động hơn. Nhiều người nghĩ rằng, hoạt động logistic ở Việt Nam nằm trong tay DN nước ngoài, nhưng thực tế là các DN trong nước vẫn nắm giữ với lợi thế kho bãi, cảng và hạ tầng nói chung, còn nhà đầu tư nước ngoài chỉ nắm giữ mảng contract logistic.
“Tới đây, GMD sẽ đầu tư vào công nghệ nhân lực để cạnh tranh được ở lĩnh vực này. Chúng tôi không coi DN nước ngoài là động lực để tăng năng lực tranh của chính mình”, ông Bình khẳng định.
Tham gia Diễn đàn, bà Nguyễn Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT CTCP Cơ điện lạnh (REE) lại đặc biệt quan tâm tới dự án nuôi bò thịt và bò sữa của Hoàng Anh Gia Lai (HAG) ở 2 khía cạnh: Giá bò sữa của HAG có cạnh tranh được với thịt bò Úc nhập khẩu về và có góp phần làm giảm giá sữa đang rất cao ở Việt Nam hay không?
Trả lời câu hỏi này, ông Võ Trường Sơn, Phó tổng giám đốc HAG cho biết, Úc có thế mạnh là có quỹ đất rộng để nuôi bò, nhưng điều kiện nguồn nước sông suối không có nên 6 tháng vào mùa nắng, bò sinh trưởng chậm, chỉ sinh trưởng vào mùa mưa. Chi phí vận chuyển thịt bò từ Úc về Việt Nam vào khoảng 1 USD/kg. Trong khi HAG có quỹ đất lớn gần sông suối, lại áp dụng công nghệ nuôi của Israel, tự chủ về nguồn thức ăn và chi phí vận chuyển gần như không đáng kể, nên khả năng cạnh tranh cao. Đối với bò sữa, HAG hy vọng, với năng suất cao, quy mô nuôi lớn, Tập đoàn sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh nhất định để giá sữa ở Việt Nam giảm xuống.
Trước những băn khoăn về khả năng cạnh tranh và đo lường mức độ rủi ro đối với hoạt động đầu tư bất động sản tại Myanmar cho bất động sản và đầu tư vào nông nghiệp tại Lào và Campuchia, ông Sơn thẳng thắn nói: “Nếu so sánh, đánh giá khả năng cạnh tranh và rủi ro thì với bất động sản, chúng tôi chọn Myanmar hơn là đầu tư ở trong nước. Tính toán số mét vuông căn hộ ở những dự án hiện hữu tại Việt Nam nhân với giá thì ra con số hàng chục tỷ USD, phải mất nhiều thời gian nữa mới tiêu thụ hết. Còn chúng tôi chọn lĩnh vực nông nghiệp vì khả năng sinh lời nhanh hơn bất động sản, đồng thời tập trung vào Campuchia và Lào vì có quỹ đất lớn. Còn ở Việt Nam, dù cố gắng hết sức, HAG chỉ có 10.000 héc-ta”.
Phát biểu tại phiên thảo luận, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Báo Đầu tư cho rằng, những DN xuất hiện tại diễn đàn về cơ hội đầu tư lần này đã tạo ra những cơ hội đầu tư rất hấp dẫn, bởi DN đều có một chiến lược phát triển bài bản. Đồng thời, các công ty này đều hoạt động trong các lĩnh vực rất tiềm năng, nhất là trong một thị trường mới nổi như Việt Nam.
“Chính phủ quyết tâm bảo vệ và hỗ trợ DN”
Trong khi những thách thức và cơ hội đang đan xen một cách phức tạp trên phạm vi toàn cầu thì Việt Nam cũng không đứng ngoài bối cảnh nhạy cảm đó. Nhận thức những yếu kém, hạn chế nội tại của nền kinh tế trong nước, Việt Nam đã đặt ra nhiệm vụ tập trung vào 3 khâu đột phá chiến lược cho giai đoạn từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Đó là: cải cách thể chế, trong đó trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện điều kiện kinh doanh; đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó tập trung đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó tập trung đào tạo lao động có tay nghề cao. Đồng thời, thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó tập trung vào tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu DNNN và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Các công việc trên đang được triển khai một cách đồng bộ và thể hiện những hiệu quả nhất định.
Sự kiện Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã gây nên sự phẫn nộ của nhân dân. Ở một số địa phương, người dân đã biểu tình phản đối và lợi dụng điều đó, một số kẻ xấu đã kích động đập phá tài sản của DN, ảnh hưởng đến sản xuất. Ngay sau khi sự việc xảy ra, Chính phủ và các bộ, ngành đã có những biện pháp quyết liệt, ngăn chặn không để diễn biến xấu tiếp diễn. Đồng thời, Chính phủ nhanh chóng đưa ra giải pháp hỗ trợ sản xuất - kinh doanh đối với DN bị ảnh hưởng, cho thấy quyết tâm bảo vệ và hỗ trợ DN của chính quyền. Bên cạnh đó, có thể thấy Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Việt Nam đang đàm phán Hiệp định TPP, Hiệp định FTA với EU, Hiệp định khu vực mậu dịch tự do với Liên minh hải quan Nga, Belarus, Kazakhstan và tham gia Cộng đồng kinh tế Asean vào năm 2015. Với đà hội nhập này, chúng ta sẽ phải đối mặt hàng loạt thách thức như sức ép cạnh tranh gia tăng, vấn đề nguồn gốc của nguyên liệu nhập khẩu, vấn đề áp dụng tiêu chuẩn mới về sở hữu trí tuệ…, nhưng cũng mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam như tăng cường sự chủ động sản xuất nguyên liệu trong nước, tăng khả năng mở rộng và tiếp cận thị trường, thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư và công nghệ mới. Môi trường đầu tư kinh doanh sẽ được hoàn thiện và minh bạch hơn do tuân thủ luật chơi quốc tế, tạo sức ép để tiến trình cải cách thể chế, tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh được đẩy nhanh hơn. |