Hãng cung cấp dịch vụ đi chung xe – Lyft mới đây đã nộp đơn xin niêm yết trên sàn Nasdaq với mã LYFT.
Hồ sơ niêm yết của công ty này đã hé lộ danh sách những cổ đông lớn, đó là các nhà điều hành, nhà đầu tư mạo hiểm, ngân hàng đầu tư. Những cổ đông này dự kiến thu về lợi nhuận cao nếu cổ phiếu của Lyft được quan tâm và đẩy giá.
Theo tính toán của các ngân hàng đầu tư, định giá cho Lyft - đối thủ của Uber tại thị trường Mỹ, có thể đạt từ 20 đến 25 tỷ USD, cao hơn mức định giá 15 tỷ USD trong lần gọi vốn gần nhất.
Và dưới đây là danh sách những cổ đông sở hữu nhiều cổ phiếu nhất của Lyft.
Sean Aggarwal
Sean Aggarwal được biết đến ở Thung lũng Silicon với vai trò là Phó chủ tịch tài chính cho eBay, PayPal và Trulia. Tuy nhiên, ông cũng là một nhà đầu tư thiên thần và cố vấn cho Lyft (tham gia hội đồng quản trị vào năm 2016).
Sean Aggarwal. Ảnh: Trulia
Sean Aggarwal hiện là cổ đông cá nhân lớn nhất của ứng dụng gọi xe này với sở hữu khoảng 1,4 triệu cổ phiếu.
Logan Green
Green và đồng sáng lập John Zimmer bắt đầu hợp tác từ năm 2007 với ứng dụng có tên Zimride giúp mọi người chia sẻ lộ trình đi lại. Năm 2012, họ ra mắt ứng dụng đi chung xe có tên Lyft.
Logan Green, nhà sáng lập kiêm CEO của Lyft. Ảnh: Reuters
Green - CEO của Lyft, hiện là cổ đông cá nhân lớn thứ hai trong số các giám đốc điều hành của công ty, với sở hữu khoảng 1,2 triệu cổ phiếu.
John Zimmer
Zimmer dành nhiều thời gian ở trường đại học để tìm những người đi chung xe để chia sẻ chuyến đi từ Cornell đến thành phố New York. Thông qua một người bạn trên Facebook, Zimmer đã gặp Green và cùng hợp tác xây dựng ứng dụng đi chung xe, mở đầu cho câu chuyện về sự phát triển của Lyft sau này.
John Zimmer, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT Lyft. Ảnh: Lift
Zimmer hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Lyft và cũng là cổ đông cá nhân lớn thứ hai trong số các giám đốc điều hành của công ty, chia sẻ vị trí đó với người đồng sáng lập Green. Cổ đông này hiện nắm gần 1,2 triệu cổ phần của Lyft.
Công ty thương mại điện tử Rakuten
Công ty thương mại điện tử có trụ sở tại Nhật Bản đã rót 300 triệu USD vào Lyft năm 2015 trong một vòng gọi vốn trị giá 530 triệu USD. Công ty này tiếp tục mua thêm cổ phiếu của Lyft trong các vòng tiếp theo và hiện đã thành cổ đông lớn nhất.
Một cửa hàng Rakuten tại Tokyo. Ảnh: Reuters
Rakuten, theo hồ sơ IPO của Lyft, sở hữu gần 31,4 triệu cổ phiếu, tương đương 13% vốn của công ty. Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của Rakuten, ông Hiroshi Mikitani đã tham gia vào Hội đồng quản trị của Lyft.
Generals Motor và Fidelity
General Motors và Fidelity, mỗi cổ đông sở hữu gần 19 triệu cổ phiếu của Lyft, tương đương gần 8% vốn.
Trong khi "gã khổng lồ" Fidelity thường đầu tư vào các công ty khởi nghiệp kỳ lân trong giai đoạn cuối, thì khoản đầu tư vào Lyft của GM có phần thú vị hơn.
Bên ngoài trụ sở của GM. Ảnh: Reuters
Năm 2016, có tin đồn trên thị trường, GM cố gắng mua lại toàn bộ cổ phần của Lyft với định giá từ 4,5 đến 6 tỷ USD, nhưng ứng dụng gọi xe này đã từ chối lời đề nghị.
Hai công ty này sau đó đã trở thành đối tác chiến lược trong mảng xe tự hành. Các đối thủ của GM, như Ford, cũng đầu tư vào Lyft nhưng ở quy mô nhỏ hơn.
Andreessen Horowitz
Andreessen Horowitz là nhà đầu tư tham gia khá sớm vào Lyft từ vòng gọi vốn series C của ứng dụng gọi xe này vào năm 2013 với quy mô 60 triệu USD. Công ty đầu tư mạo hiểm này sau đó tiếp tục mua thêm cổ phiếu trong những vòng gọi vốn tiếp theo.
Theo hồ sơ IPO của Lyft, Andreessen Horowitz hiện sở hữu hơn 15 triệu cổ phiếu của ứng dụng gọi xe này, tương đương 6,25%.