Doanh nghiệp đang rất cần được tháo gỡ khó khăn để duy trì sản xuất ổn định, hàng hóa được lưu thông thông suốt. Trong ảnh: Cảng Đình Vũ. Ảnh: Đ.T

Doanh nghiệp đang rất cần được tháo gỡ khó khăn để duy trì sản xuất ổn định, hàng hóa được lưu thông thông suốt. Trong ảnh: Cảng Đình Vũ. Ảnh: Đ.T

Những chờ đợi sau cuộc gặp Thủ tướng với doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Những tác động tiêu cực chưa thể tính hết do Covid-19 gây ra đặt doanh nghiệp vào thế phải linh hoạt mới có thể vừa đảm bảo an toàn phòng dịch, vừa duy trì sản xuất.

Mô hình nhà máy an toàn

7 phút phát biểu dành cho mỗi doanh nghiệp tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Chính phủ với đại diện hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp để chia sẻ, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19, diễn ra hôm 8/8, thực sự quá ngắn so với những gì doanh nghiệp đang đối mặt.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) không kịp chia sẻ cẩm nang kiểm soát lây nhiễm và các biện pháp an toàn trước Covid-19 áp dụng cho nhà máy sản xuất.

“Tôi đã gửi Thủ tướng Chính phủ, đề xuất các bộ, ngành có thể tham khảo, phối hợp cùng với doanh nghiệp để sớm đưa ra cẩm nang, hướng dẫn chung”, ông Lộc chia sẻ ngay sau cuộc làm việc.

Cẩm nang này đã được VCCI và nhiều hiệp hội doanh nghiệp trong các ngành dệt may, da giày, điện tử, chế biến thủy sản, chế biến gỗ... thảo luận suốt tuần vừa rồi, sau khi mô hình “3 tại chỗ, 1 cung đường 2 điểm đến” bộc lộ những bất cập, gây bất an cho người lao động, khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải dừng sản xuất.

Cẩm nang được xây dựng trên cơ sơ hướng dẫn của cơ quan y tế và các cơ quan có thẩm quyền khác tại địa phương, có bổ sung giải pháp để tái khởi động sản xuất theo quy mô nhỏ cho đến khi vắc-xin được phủ kín cho toàn bộ lao động cũng như tham khảo mô hình một số nước đang áp dụng. Từng khâu đoạn đều được làm rõ nguyên tắc, yêu cầu để kiểm soát lây nhiễm, từ di chuyển an toàn, sàng lọc tại cổng, đến các biện pháp an toàn tại nơi làm việc. Các bước này đều được mô hình hóa, kể cả các trường hợp xử lý đặc biệt khi có nhân viên gặp rủi ro.

Để đảm bảo thực hiện hiệu quả các biện pháp an toàn và kiểm soát lây nhiễm tại nơi làm việc, doanh nghiệp được khuyến nghị thành lập đội ứng cứu khẩn cấp chuyên trách, bao gồm những người chịu trách nhiệm chính trong việc giám sát và thực thi các quy trình y tế hàng ngày...

Mấu chốt của mô hình này là khi an toàn nhà máy được thiết lập cùng với việc ứng dụng công nghệ thông tin để quản trị, thì môi trường nhà máy sẽ an toàn một cách bền vững. Đây là điều mà nhiều doanh nghiệp trông chờ.

Trong cuộc làm việc với Thủ tướng Chính phủ, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đã kể lại cuộc điện thoại của một đối tác lớn chỉ để hỏi tại sao cùng áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống Covid-19, mà có doanh nghiệp hoạt động được, có doanh nghiệp không.

“Doanh nghiệp rất cần mở cửa các nhà máy, nếu không sẽ đứt gãy nguồn cung, đứt gãy sản xuất, ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp và cả đến việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đang tham gia”, ông Vũ Đức Giang gửi tâm tư tới người đứng đầu Chính phủ.

Nhưng, các hiệp hội doanh nghiệp cũng nói rõ, cẩm nang chỉ có thể thực hiện được khi có hướng dẫn thống nhất bộ quy tắc chống dịch.

“Chúng tôi rất mừng vì trong đề xuất các giải pháp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Thủ tướng Chính phủ đã tổng hợp rất cụ thể các khuyến nghị của doanh nghiệp, trong đó có nội dung nghiên cứu khung quy định về nhà máy an toàn để có thể linh hoạt áp dụng, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và doanh nghiệp. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã nói cố gắng tuần sau sẽ có cẩm nang điện tử chống dịch Covid-19. Vào lúc này, mọi quyết định cần được thực hiện sớm nhất có thể”, ông Lộc chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư.

Những hành động, quyết sách nhất quán

Không chỉ Chủ tịch VCCI vui mừng, các hiệp hội, doanh nghiệp cũng thực sự chờ đợi hành động của các bộ, ngành sau kiến nghị 8 nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình Thủ tướng Chính phủ.

“Nhiều đề xuất của chúng tôi đã có trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, như cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí cho doanh nghiệp... Thủ tướng Chính phủ đã nhắc đến một nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp, bên cạnh nghị quyết về hỗ trợ thuế, phí, sẽ được ban hành dựa trên các đề xuất trên. Chúng tôi chờ đợi, mong nghị quyết được ban hành ngay, để thêm trợ lực cho doanh nghiệp”, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) chia sẻ.

VASEP là một trong số hiệp hội có ngay tin mừng để báo với hội viên sau cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ. Ngay tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã thông báo sẽ đưa nhóm doanh nghiệp chế biến thủy sản, bảo quản nông thủy sản vào nhóm hỗ trợ giảm giá điện.

Trước đó, ông Nam đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành rằng, cá, tôm không dễ để tồn kho vì chi phí cho kho lạnh đang rất lớn, không phải doanh nghiệp nào cũng chịu được.

Nhưng vẫn còn nhiều đề xuất hỗ trợ cấp bách đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ mà các hiệp hội đã nhắc đến nhiều lần với người đứng đầu Chính phủ, với mong muốn sớm có giải pháp cụ thể và được áp dụng nhất quán.

Ví dụ như việc sửa đổi điều kiện đối với doanh nghiệp được giãn đóng kinh phí công đoàn, phương án giảm phí công đoàn, miễn nộp phí bảo trì đường bộ đến hết tháng 12/2021; điều chỉnh tăng thời hạn kiểm định cho xe ô tô kinh doanh vận tải; giảm giá bán điện cho doanh nghiệp du lịch...

Hay các đề xuất nghiên cứu xây dựng phương án hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không của cả khu vực tư nhân và nhà nước; kéo dài thời gian cơ cấu lại khoản nợ, thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) phù hợp với mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với khách hàng; tiếp tục nghiên cứu đề xuất giải pháp tái cấu trúc nợ, gia hạn các khoản nợ cũ; giảm lãi suất cho các khoản vay hiện tại; xem xét giảm khoảng 2% lãi suất vay trong ít nhất một năm đối với khoản vay của doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi Covid-19...

Đề xuất về tổ chức và thực hiện “luồng xanh” hàng hóa quốc gia, liên tỉnh, liên vùng để vận chuyển hàng hóa trên nguyên tắc giảm thiểu thủ tục, nhanh nhất, thuận lợi nhất vẫn tiếp tục được nhắc lại.

Đặc biệt, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia (TAB) và Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh, đại diện cho nhóm doanh nghiệp không có doanh thu trong đợt Covid-19 bùng dịch lần thứ tư này chờ đợi nhiều hơn, cả ngắn hạn, dài hạn.

“Đã có câu hỏi có nên coi du lịch là ngành mũi nhọn không? Câu trả lời là có, vì đây vẫn là ngành có tốc độ tăng trưởng rất tốt, có tác động tới nhiều ngành như hàng không, bất động sản, thương mại... Chúng tôi dự tính, năm 2024, ngành sẽ quay lại tốc độ tăng trưởng của năm 2019. Nhưng lúc này, bên cạnh các giải pháp căn cơ đã được nhắc đến, cần phải được thực hiện nhanh để đến ngay với doanh nghiệp, chúng tôi có 2 đề xuất riêng mà doanh nghiệp chờ đợi nhất, đó là thông thoáng và mở cửa”, ông Kiên đề xuất.

Vấn đề là, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, các đề xuất này cần được nghiên cứu và có kịch bản cụ thể.

“Việc chuẩn bị mở của cho “vùng xanh”, “nước xanh” (những nơi không có dịch - PV) sẽ phải mất 2-6 tháng đề chuẩn bị. Đề nghị Chính phủ có kế hoạch, công bố để doanh nghiệp phối hợp thực hiện”, ông Kiên nói.

8 nhóm vấn đề khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối diện:

1. Tổng cầu giảm mạnh khiến các đơn hàng, hợp đồng, sản lượng đều sụt giảm. Trung bình nhu cầu trong các ngành giảm 40-50%, trong đó, nặng nề nhất là ngành hàng không, vận chuyển hành khách, du lịch, nhà hàng khách sạn (giảm đến 70-80%).

2. Doanh thu giảm mạnh. Ngành du lịch không phát sinh doanh thu; các nhà hàng, khách sạn bị tê liệt, đặc biệt từ tháng 4/2021 trở lại đây. Doanh thu ngành hàng không sụt giảm trung bình 61% so với năm 2019, đợt dịch cao điểm đầu năm 2021 giảm 80% so với cùng kỳ năm 2020.

3. Dòng tiền vào bị thiếu hụt nghiêm trọng dẫn đến khó khăn để có thể trang trải các khoản chi phí để duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh, như các khoản chi phí cho người lao động (trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn).

4. Chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, đội chi phí, tăng giá thành sản xuất. Tình trạng thiếu nghiêm trọng container rỗng, giá thuê container tăng 5-10 lần, chi phí vận chuyển logistics tăng 2-4 lần, có thời điểm lên đến 5 lần so với trước khi có dịch.

5. Chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu bị gián đoạn, đình trệ cục bộ.

6. Lưu thông hàng hóa gặp khó khăn, kể cả lưu thông trong nước giữa một số tỉnh, thành phố do áp dụng các chính sách phòng, chống dịch bệnh chưa hợp lý.

7. Khó khăn về lao động và nhập cảnh cho chuyên gia.

8. Khó khăn về tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Các doanh nghiệp cho biết, điều kiện của một số chính sách còn chặt chẽ, gây khó khăn cho đối tượng hỗ trợ, chưa bao quát hết các tình huống và chưa được hướng dẫn cụ thể, nên số doanh nghiệp tiếp cận các chính sách này còn thấp, chưa tạo tác động rõ rệt.

Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Tin bài liên quan