Thời gian đi lính nghĩa vụ của công an giảm còn hai năm
Có hiệu lực từ ngày 10/10, nghị định 70/2019 quy định thời gian nghĩa vụ trong công an nhân dân từ 36 tháng xuống còn 24 tháng. Trong trường hợp hết thời hạn nghĩa vụ, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ có thể được kéo dài thời gian nhưng không quá 6 tháng.
Chính phủ cũng ưu tiên các sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học có năng khiếu, khả năng phù hợp với chuyên môn, công tác, chiến đấu được tham gia nghĩa vụ trong công an nhân dân.
Nghị định 70/2019 bỏ quy định người tham gia nghĩa vụ công an nhân dân được phong, thăng cấp bậc hàm binh nhì, binh nhất, hạ sĩ, trung sĩ, thượng sĩ như trước đây.
Thay vào đó, trong thời gian tại ngũ, hoặc xuất ngũ, hạ sĩ quan, chiến sĩ được hưởng chế độ chính sách với bậc hàm tương đương theo Luật Nghĩa vụ quân sự 2015.
Xe máy chạy tối đa 60 km/h trong đô thị
Thông tư 31/2019 của Bộ Giao thông Vận tải về tốc độ của xe khi tham gia giao thông có hiệu lực ngày 15/10, quy định xe máy, ôtô khi chạy trong khu vực đông dân cư được phép chạy tối đa 60 km/h nếu chạy trên đường đôi hoặc đường một chiều có từ 2 làn trở lên; 50 km/h nếu là đường hai chiều không có dải phân cách giữa hoặc đường một chiều có một làn xe.
Trường hợp ở ngoài khu vực dân cư và trên đường đôi có 2 làn trở lên, xe máy được chạy tối đa 70 km/h, ôtô chạy 90 km/h.
Riêng với xe gắn máy (xe dưới 50 phân khối), tốc độ tối đa là 40 km/giờ, bất kể trên đoạn đường nào và trong khu vực nào.
Bày bán thuốc diệt côn trùng chung với thực phẩm bị phạt 3 triệu
Cũng có hiệu lực từ 15/10, Nghị định 71/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp quy định, phạt tiền từ 1 -3 triệu đồng nếu bày bán chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn không tách biệt với nơi bày bán các loại thực phẩm;
Không cung cấp đầy đủ thông tin hoặc cung cấp sai về các đặc tính nguy hiểm của hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn, gây hại cho sức khỏe...
Ngoài bị phạt tiền, người vi phạm còn có thể bị đình chỉ hoạt động mua bán chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế từ 1 - 3 tháng.
Ba điều kiện để trở thành bác sĩ gia đình
Thông tư 21/2019 của Bộ Y tế hướng dẫn thí điểm về hoạt động y học gia đình có hiệu lực từ ngày 15/10, nêu rõ các các điều kiện về mở phòng khám đa khoa, chuyên khoa tư nhân.
Theo đó, bác sĩ đa khoa, bác sĩ chuyên khoa hệ lâm sàng đã được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh sẽ được khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình sau khi đáp ứng các điều kiện như: Có một trong các văn bằng bác sĩ nội trú, chuyên khoa I, chuyên khoa II, thạc sĩ, tiến sĩ về chuyên ngành y học gia đình;
Có giấy chứng nhận đã được đào tạo, bồi dưỡng về y học gia đình tối thiểu 3 tháng; có giấy chứng nhận theo học từng đợt học có các nội dung ghi trong giấy xác nhận hoặc tín chỉ hoặc chương trình đào tạo, bồi dưỡng về y học gia đình với tổng thời gian tối thiểu 3 tháng.
Người ở huyện nghèo đi xuất khẩu lao động được vay vốn không cần thế chấp
Quyết định 27/2019 do Thủ tướng ban hành có hiệu lực từ ngày 25/10, quy định những người lao động tại các huyện nghèo được vay đến 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài mà không cần phải đặt cọc, thế chấp, cầm cố tài sản...
Tuy nhiên, để được vay số tiền này, người lao động phải có hộ khẩu thường trú tại huyện nghèo từ đủ 12 tháng trở lên; đã ký hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài và được phía nước ngoài chấp nhận vào làm việc.
Trong trường hợp người lao động thuộc hộ nghèo được vay vốn với lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo do Chính phủ quy định; nếu không thuộc hộ nghèo vẫn được vay vốn bằng mức lãi suất đối với hộ nghèo.
Thời hạn cho vay không quá thời gian làm việc ghi trong hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.