Những chiêu M&A khác lạ của “nhóm Louis”

Những chiêu M&A khác lạ của “nhóm Louis”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau chuỗi biến động tăng giảm mạnh bất thường vào cuối năm 2021 của cổ phiếu “nhóm Louis” với câu chuyện thâu tóm và sáp nhập (M&A), nhóm này tiếp tục tạo nên câu chuyện tương tự khi muốn góp mặt trong HĐQT Hoàng Quân (mã HQC).

Theo đó, ngay khi HQC thông báo tạm hoãn tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 ngày 21/3, nhóm 27 cổ đông, đại diện 10% vốn của HQC. Trong đó, Dược Lâm Đồng (mã LDP) sở hữu gần 5 triệu cổ phiếu và Chứng khoán APG (mã APG) sở hữu hơn 3 triệu cổ phiếu (tương đương 1,74% vốn tại HQC) đã cùng yêu cầu HQC tổ chức Đại hội cổ đông.

Trước đó, nhóm cổ đông đã đề cử bà Nguyễn Giang Quyên, hiện là Tổng giám đốc Louis Land (mã BII) vào thành viên HĐQT của HQC.

Tuy nhiên, sau đó nhóm cổ đông này tiếp tục tập hợp 25 nhà đầu tư, đại diện 8,26% vốn điều lệ và trong danh sách không còn xuất hiện của cổ đông LDP và APG để đưa ra những yêu cầu đối với ban lãnh đạo HQC.

Với những động thái nêu trên, nhiều khả năng nhóm cổ đông này có liên quan và đứng sau là “nhóm Louis”, nhóm đã gây sự chú ý của giới đầu tư cuối năm 2021 khi thực hiện nhiều thương vụ thâu tóm, sáp nhập nhưng sau đó bất ngờ “quay xe”.

Tuy nhiên, ngày 20/04/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán" và bắt tạm giam đối với ông Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch Công ty cổ phần Louis Holdings, thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Louis Capital, Công ty cổ phần Louis Land.

“Nhóm Louis” và truyền thống quay xe

Trong giai đoạn giữa và cuối năm 2021, nhóm cổ phiếu Louis đã gây chú ý thị trường khi lập ra nhóm “Louis Family” để hô hào về câu chuyện thâu tóm, bức tranh khả quan của hệ sinh thái Louis Family gồm Louis Land (mã BII), Louis Capital (mã TGG), Chứng khoán APG (mã APG), Xuất nhập khẩu An Giang (mã AGM), Cáp nhựa Vĩnh Khánh (mã VKC), Nhà Thủ Đức (mã TDH), Dap-Vinachem (mã DDV).

Nhờ câu chuyện M&A, cùng với giá cổ phiếu nhóm này bất ngờ tăng dựng đứng trong thời gian ngắn đã thu hút sự chú ý của giới đầu tư. Tuy nhiên, khi câu chuyện được phổ biến và nhiều nhà đầu tư bắt đầu quan tâm mua vào cổ phiếu, nhóm cổ phiếu này quay sang lao dốc với thông tin không giống kỳ vọng, nhóm cổ đông lớn bất ngờ “quay xe” bán ra cổ phiếu và thậm chí có hiện tượng giao dịch cổ phiếu không giống như đăng ký.

Cụ thể, tại VKC, ngày 17/9/2021, TGG mua vào 900.000 cổ phiếu VKC nâng sở hữu từ 4,67% lên 5,71% và trở thành cổ đông lớn. Ngày 22/9/2021, TGG tiếp tục mua thêm 900.000 cổ phiếu VKC và nâng sở hữu lên 10,37% vốn điều lệ. Tuy nhiên, tới ngày 1/11/2021, TGG bán ra toàn bộ 2 triệu cổ phiếu VKC và giảm sở hữu về 0% vốn điều lệ.

Điểm đáng lưu ý, từ 30/8 đến 22/9/2021, cổ phiếu VKC bất ngờ tăng 273% từ 7.500 đồng lên 28.000 đồng/cổ phiếu. Sau đó, lao dốc với chuỗi sàn liên tục, hiện tại chỉ giao dịch vùng 13.100 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 53% so với đỉnh.

Tại DDV, ngày 10/9/2021, TGG mua vào 7,35 triệu cổ phiếu để nâng sở hữu từ 0% lên 5,03% vốn điều lệ tại DDV. Tuy nhiên, ngày 7/12/2021, TGG đã bán 4,85 triệu cổ phiếu DDV để giảm sở hữu về 1,71% vốn điều lệ và không còn là cổ đông lớn.

Được biết, từ 19/7 đến 17/9/2021, cổ phiếu DDV tăng 214% từ 12.300 đồng lên 38.600 đồng/cổ phiếu. Sau đó, cổ phiếu lao dốc tới ngày 25/1/2022 chỉ còn 16.400 đồng/cổ phiếu, giảm 42,5% từ đỉnh và sau đó đi ngang hồi phục nhẹ thời gian gần đây.

Tại TDH, trong giai đoạn tháng 9/2021, TDH và BII đồng loạt đưa tin ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược nhằm triển khai hàng loạt dự án bất động sản thông qua thành lập các pháp nhân mới. Trong đó, dự án Cần Thơ với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng; dự án Nhà văn hoá Long Xuyên vốn điều lệ 450 tỷ đồng; dự án trụ sở Công an An Giang vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng; dự án Hóc Môn vốn điều lệ 375 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau đó 1 tháng, cả BII và TDH thông báo chấm dứt chủ trương ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược đầu tư danh mục dự án bất động sản.

Ở một diễn biến khác, ngày 16/9/2021, BII mua vào 1,46 triệu cổ phiếu TDH để nâng sở hữu từ 3,86% lên 5,16% vốn điều lệ tại TDH, chính thức trở thành cổ đông lớn. Ngày 23/9, BII tiếp tục mua thêm 5,5 triệu cổ phiếu TDH để nâng sở hữu lên 10,07% vốn điều lệ.

Tuy nhiên, tới ngày 18/10/2021, BII đã thoái ra toàn bộ 11,3 triệu cổ phiếu TDH để giảm sở hữu về 0% vốn điều lệ và chính thức không còn là cổ đông lớn tại TDH.

Động thái tạo câu chuyện kỳ vọng hợp tác chiến lược giữa BII và TDH đã giúp cổ phiếu TDH từ 19/7/2021 đến 23/9/2021 tăng 147% từ 6.090 đồng lên 15.050 đồng/cổ phiếu và sau đó với thông tin quay xe của nhóm BII, cổ phiếu TDH bước vào chuỗi giảm liên tiếp và tới ngày 24/1/2022 chỉ còn 9.980 đồng/cổ phiếu.

Biểu đồ cổ phiếu BII, TGG và VKC đều rơi tự do sau khi tăng nóng (Nguồn: Investing)

Biểu đồ cổ phiếu BII, TGG và VKC đều rơi tự do sau khi tăng nóng (Nguồn: Investing)

Không chỉ có những cổ phiếu đối tượng M&A, các cổ phiếu như BII, TGG, APG… đều có hiện tượng lên mạnh với câu chuyện M&A, sau đó bất ngờ lao dốc khi thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư.

Đối tượng thâu tóm của “nhóm Louis” là các cổ phiếu gặp vấn đề về kinh doanh, đang khó khăn tài chính và câu chuyện kỳ vọng công ty sẽ “lột xác” nhờ nhóm cổ đông mới. Tuy nhiên, trái với việc nắm giữ lâu dài, “nhóm Louis” thường tạo câu chuyện tái cơ cấu và nhanh chóng chốt lời nhóm cổ phiếu khi đạt được giá mục tiêu.

Hoạt động M&A của “nhóm Louis” khác thường so với phần còn lại

Trái ngược với các Tập đoàn lớn trong nước và thế giới sẽ theo đuổi thương vụ M&A trong một thời gian dài, tập trung mọi nguồn lực thực hiện tái cấu trúc, sắp xếp lại doanh nghiệp và gắn kết dài hạn với doanh nghiệp.

Tại Vinamilk (mã VNM), với mục tiêu tăng thị phần sữa, công ty thực hiện thâu tóm GTNFoods, đơn vị gián tiếp sở hữu Mộc Châu Milk (mã MCM). Sau khi thâu tóm, VNM đã thực hiện tái cơ cấu, sắp xếp lại kênh bán hàng để tăng hiệu quả, sáp nhập GTNFoods vào Chăn nuôi Việt Nam (mã VLC) và trực tiếp phát hành thêm cổ phiếu MCM thông qua phát hành cho cổ đông chiến lược.

Tại Vinaconex (mã VCG), cuối năm 2018, nhóm cổ đông mới tham gia vào và trở thành cổ đông lớn, công ty trải qua một giai đoạn tái cơ cấu, sắp xếp lại tổ chức, tới cuối năm 2020 mới bắt đầu triển khai trực tiếp các dự án bất động sản lớn như dự án Cát Bà Amatina với quy mô 172 ha, bắt đầu khai thác quỹ đất gần 2.000 ha mà công ty sở hữu.

Tại Coteccons (mã CTD), sau khi thay đổi ban điều hành từ quý III/2020 vì xung đột lợi ích, ban lãnh đạo mới thực hiện tái cấu trúc, đẩy mạnh trích lập dự phòng và chỉ mới bắt đầu tăng tốc độ ký mới hợp đồng cuối năm 2021, luỹ kế năm 2021 ký mới tới 25.000 tỷ đồng giá trị hợp đồng.

Nhìn chung, để tái cơ cấu một doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh tốt như VCG, CTD, MCM… cần một thời gian dài và ban lãnh đạo mới sẽ phải dồn toàn lực triển khai kế hoạch dài hạn với chiến lược M&A theo chiều dọc để tối ưu hoá trong sản xuất, M&A theo chiều ngang để tăng thị phần…

Ngược lại, mặc dù cũng phát đi thông điệp thâu tóm, tái cơ cấu nhưng “nhóm Louis” lại tham gia cùng một lúc nhiều doanh nghiệp trong thời gian ngắn, ngay khi cổ phiếu tăng nóng đã thực hiện bán ra chốt lời. Ngoài ra, các đối tượng thâu tóm chủ yếu là doanh nghiệp khó khăn kéo dài, lỗ luỹ kế kéo dài và có nguy cơ huỷ niêm yết.

Nói như vậy có thể thấy, hoạt động M&A của “nhóm Louis” đang và sẽ mang bóng dáng tạo câu chuyện lướt sóng cổ phiếu hơn là thực tế vào tái cấu trúc doanh nghiệp và HQC nhiều khả năng cũng không phải ngoại lệ.

Tin bài liên quan