Mùa hè năm nay, toàn Trung Quốc có 7,95 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học và cao đẳng, tăng 300.000 người so với năm 2016. Lượng sinh viên này chiếm 50% lực lượng lao động mới của cả nước trong năm nay, theo SCMP.
Trong một cuộc khảo sát 21.000 sinh viên mới tốt nghiệp của công ty nhân sự RenruiHR.com, chỉ 17% ngỏ ý muốn về quê lập nghiệp, còn đa số lựa chọn ở lại thành phố có ngôi trường vừa tốt nghiệp, hoặc chuyển tới một đô thị khác.
44% chọn sống ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến, còn 45% chọn các thành phố hạng hai như thủ phủ tỉnh hoặc đô thị ven biển. Theo khảo sát công bố cuối tháng 6, cứ 10 sinh viên thì chỉ có 1 người sẵn sàng đi tới các thành phố hạng ba hoặc hạng bốn.
Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, là thành phố hạng hai được nhiều sinh viên lựa chọn nhất, tiếp theo là Nam Kinh, Thiên Tân, Trùng Khánh, Hàng Châu và Vũ Hán.
Trong khi các thành phố như Bắc Kinh và Thượng Hải đang thắt chặt đăng ký hộ khẩu để kiềm chế lượng người nhập cư thì các thành phố hạng hai đang cạnh tranh khốc liệt để thu hút nhân tài bằng các chính sách ưu đãi hộ khẩu và mua nhà.
Chính quyền Trường Sa, thủ phủ tỉnh Hồ Nam, sẽ cung cấp 30.000 - 60.000 tệ (4.400-8.800 USD) cho sinh viên tốt nghiệp thạc sĩ hoặc tiến sĩ mua căn nhà đầu tiên trong thành phố. Ngoài ra, họ cũng được hỗ trợ tiền thuê nhà, sinh hoạt phí trong hai năm đầu định cư tại Trường Sa.
Thâm Quyến, trung tâm công nghệ ở miền nam đất nước, đang cung cấp gói hỗ trợ một lần từ 15.000 - 30.000 tệ (2.200 - 4.400 USD) cho sinh viên tốt nghiệp có hộ khẩu Thâm Quyến. Đây là thành phố được lựa chọn nhiều thứ ba trong khảo sát.
Thâm Quyến, thành phố mệnh danh "Thung lũng Silicon" của Trung Quốc. Ảnh: CSOFT.
Tuy nhiên, đối với nhiều sinh viên trẻ mới đi làm, chính sách ưu đãi hay trợ cấp không phải điều họ quan tâm, mà là số lượng và chất lượng việc làm, cũng như lối sống của thành phố.
Wu Shangqing, 24 tuổi, đang làm việc cho một ngân hàng ở Thâm Quyến sau khi tốt nghiệp đại học tài chính ở Quảng Châu năm 2016. Cô nhận trợ cấp 15.000 tệ sau khi đơn xin nhập hộ khẩu ở Thâm Quyến được chấp nhận.
"Tiền thuê nhà ở Thâm Quyến rất đắt đỏ, gói trợ cấp cũng giúp đỡ tôi được một ít nhưng đó không phải lý do chính tôi tới đây", Wu nói. "Tôi thích lối sống gấp ở đây, đó là lý do tôi tới. Còn một lý do nữa là ngành công nghiệp tài chính ở Thâm Quyến rất sôi động".
Wu thừa nhận sẽ không bao giờ chọn về quê hương Quý Châu, một trong những tỉnh nghèo nhất Trung Quốc để lập nghiệp vì chỉ Thâm Quyến mới có nhiều cơ hội cho cô phát triển sự nghiệp.
Fan Haoran, 23 tuổi, đang làm việc cho một công ty IT ở Thâm Quyến sau 4 năm học đại học ở Tứ Xuyên. Sau khi tốt nghiệp năm ngoái, Fan đã thử tìm việc ở Thành Đô nhưng anh nhận ra, thủ phủ tỉnh không có nhiều cơ hội việc làm như ở Thâm Quyến.
"Thành Đô cũng là một nơi đáng sống nhưng Thâm Quyến lại có nhiều việc làm hơn, nhiều công ty IT lớn cũng đặt trụ sở tại đây. Vì thế tôi tới đây để khởi nghiệp", Fan nói.