Đằng sau thành quả, sự cảm phục của bè bạn quốc tế đối với Việt Nam trong cuộc chiến chống “giặc” Covid-19 là sự hy sinh thầm lặng của những y, bác sĩ, nhân viên y tế - những “chiến binh áo trắng” quả cảm, xông pha nơi tuyến đầu chống dịch, với bao hiểm nguy cận kề.
Những ngày tháng không thể nào quên
Trong những ngày đại dịch Covid-19 “nóng” nhất ở Sơn Lôi, Vĩnh Phúc; Hạ Lôi, Hà Nội hay ổ dịch tại Bệnh viện C Đà Nẵng, hàng ngàn nhân viên y tế đã trực chiến đêm ngày, giành giật sự sống cho bệnh nhân từ tay tử thần.
Bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng khoa Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương nhớ lại, khi ca Covid-19 thứ 17 của Việt Nam xuất hiện tại Hà Nội, liên tục sau đó, bệnh nhân tăng từng ngày, nhiều ca diễn biến nặng khiến đội ngũ y, bác sĩ phải căng mình làm việc. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương là nơi tiếp nhận số lượng bệnh nhân điều trị Covid-19 cao nhất của cả nước. Để dồn toàn lực cho nhiệm vụ điều trị bệnh nhân, các nhân viên y tế phải ăn tranh thủ, ngủ thay ca. Việc dành thời gian chăm sóc bản thân như cắt tóc cũng là điều “xa xỉ”. Vì thế, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp (khi ấy là Trưởng khoa), bác sĩ Thân Mạnh Hùng và một số đồng nghiệp đã cùng nhau cạo hết tóc, vừa nhanh, gọn gàng, lại lâu phải cắt.
Khi nhắc tới những nỗ lực chống Covid-19 của mình và đồng nghiệp, bác sĩ Hùng cho rằng, đó chỉ là những kỷ niệm khó quên trong nghề, những việc mà bất kỳ người bác sĩ nào cũng phải làm, nên làm khi sức khỏe của người dân đang gặp nguy hiểm.
Điều may mắn là trong giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương không có quá nhiều bệnh nhân và các ca bệnh cũng không quá nặng. Vì vậy, các bác sĩ tại Khoa Cấp cứu có thêm khoảng thời gian để xem xét, sửa đổi, thay đổi kế hoạch, chiến lược điều trị và xây dựng bản kế hoạch hoàn chỉnh hơn.
Nhắc tới khoảng thời gian không thể quên khi đại dịch Covid-19 hoành hành, bác sĩ Thân Mạnh Hùng nhớ lại “chuyến bay bão táp”, khi anh và đồng nghiệp lên đường vào ngày 28/7/2020 để đón 219 công dân Việt Nam ở Guinea Xích Đạo về nước. Đây là chuyến bay chưa có trong tiền lệ, với nhiều âu lo, nguy cơ về an toàn y tế, khi trong đoàn có hơn một nửa bị mắc Covid-19.
Điều khó khăn nhất với đoàn cứu hộ, theo bác sĩ Thân Mạnh Hùng là trên máy bay, trong môi trường kín, nồng độ virus trong không khí rất đậm đặc, dễ lây nhiễm virus từ người mang bệnh tới các thành viên khác. Chưa kể, công tác cấp cứu phải luôn sẵn sàng khi bay, vì có nhiều bệnh nhân diễn biến nặng.
Sau nhiều tháng, mái tóc của bác sĩ Thân Mạnh Hùng đã mọc xanh trở lại |
Anh và đồng nghiệp phải tự tìm tòi, chế tạo, cải tiến các phương tiện, trang thiết bị phòng hộ, các biện pháp đảm bảo an toàn, từ việc tính toán các yếu tố thông gió tự nhiên, các luồng thông gió đến cải tiến các trang thiết bị phòng hộ cho phù hợp.
“Lúc nhận được thông báo kết quả toàn bộ đoàn đi đón các công dân về nước, từ bác sĩ, phi hành đoàn, tiếp viên đều khỏe mạnh, không ai bị lây nhiễm, chúng tôi vỡ òa niềm vui, cảm thấy những nỗ lực của mình đã được đền đáp”, bác sĩ Hùng nhớ lại.
Ở đầu phía Nam của Tổ quốc, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng là nơi tiếp nhận điều trị một số ca bệnh Covid-19 nặng và hỗ trợ các cơ sở y tế khác chống dịch. Trước áp lực công việc, bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó trưởng khoa Khoa Hồi sức tích cực cùng nhiều nhân viên y tế đã có 4 tháng liên tiếp gần như không về nhà.
Bác sĩ Trần Thanh Linh còn được đặt biệt danh là “bác sỹ 91”, khi anh là người điều trị trực tiếp cho bệnh nhân số 91 - nam phi công người Anh bị rất nặng, tưởng như không vượt qua được, nhưng sau đó đã có sự hồi phục kỳ diệu. Anh cũng là Đội trưởng Đội Phản ứng nhanh số 1 của Bệnh viện Chợ Rẫy ra Đà Nẵng ngay những ngày đầu tiên dịch bùng phát tại đây.
Khi ở trong tâm dịch Đà Nẵng, toàn bộ thời gian của anh là dành cho bệnh viện. Nhưng ngay cả khi có chút ít thời gian hiếm hoi nghỉ ngơi, có lúc anh cũng không dám gọi điện thoại về nhà, chỉ vì sợ nghe giọng người thân, nỗi nhớ gia đình lại cào xé.
Có hôm, nửa đêm, đứa con nhỏ nhớ bố, gọi điện hỏi: “Ba ơi, hết dịch chưa? Khi nào ba về? Con nhớ ba quá!” khiến anh chỉ trực trào nước mắt. Nhưng mỗi buổi sáng, khi vào bệnh viện, thấy con số bệnh nhân tiếp tục tăng lên, thấy còn nhiều bệnh nhân nặng, tính mạng đang nguy hiểm, anh và đồng nghiệp lại lao vào công việc, không còn giây phút nào nghĩ tới bản thân.
“Khi ấy, mong mỏi lớn nhất của tôi và có lẽ cũng là của tất cả y, bác sĩ, nhân viên y tế trên cả nước là dập được dịch, cứu được nhiều người. Những hy sinh của chúng tôi chỉ là nhỏ nhoi, nhưng để cộng đồng trở lại cuộc sống bình yên, đó là niềm hạnh phúc lớn nhất với chúng tôi”, bác sĩ Linh chia sẻ.
Mong một bữa cơm gia đình
Trong cuộc chiến với “giặc Covid-19”, bên cạnh các “chiến sĩ áo trắng” nơi tuyến đầu phòng, chống dịch, còn có những chiến binh mang “blouse trắng” thầm lặng khác - những người làm nhiệm vụ xét nghiệm, sàng lọc bệnh nhân Covid-19.
Thời điểm tháng 7/2020, khi dịch bùng phát tại Đà Nẵng, số lượng người từ Đà Nẵng trở về Hà Nội lên tới cả trăm ngàn người, lượng mẫu xét nghiệm Covid-19 tăng chóng mặt, các cơ sở y tế được huy động để thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp xét nghiệm mẫu bệnh phẩm nhằm phân loại ca bệnh.
Nhận nhiệm vụ trợ giúp Hà Nội thực hiện xét nghiệm 10.000 mẫu bệnh phẩm Covid-19, những cán bộ y tế của Khoa Sinh học phân tử các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương đã làm việc không ngừng nghỉ. Mỗi ngày đi làm rồi trở về nhà, vốn rất đỗi bình thường với bao người, thì lúc bấy giờ với họ cũng là niềm mơ ước.
PGS-TS. Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, xét nghiệm 10.000 mẫu chỉ trong hai tuần lễ thực sự rất áp lực, bởi khối lượng công việc lớn, vượt quá 150% công suất nhân lực, máy móc, vật tư của Bệnh viện.
Dù vậy, các cán bộ, nhân viên y tế của Bệnh viện đều không ngại khó với suy nghĩ, đây không chỉ là nghĩa vụ, mà còn là trách nhiệm cộng đồng, là bài học nằm lòng mà từ khi bước chân vào giảng đường đại học, họ đều khắc ghi trong tim.
Với những cán bộ thực hiện công việc xét nghiệm Covid-19 như TS. Phùng Thị Bích Thủy, Trưởng khoa Khoa Sinh học phân tử các bệnh truyền nhiễm, ThS. Khúc Thị Rềnh Hoa hay điều dưỡng Hồ Thị Bích, bao vất vả nhọc nhằn, làm việc thâu đêm suốt sáng; những đôi bàn tay chai sần, đau cước, bật móng vì bóc, mở các tuýp xét nghiệm; những bữa cơm ăn vội, những giấc ngủ chập chờn… vẫn không đáng gì so với nỗi nhớ con, nhớ nhà, mong được ôm đứa con thơ vào lòng, mong một bữa cơm gia đình đơn sơ.
Có con nhỏ sắp vào lớp 1, như mọi bà mẹ khác, chị Hoa muốn chuẩn bị hành trang cho con thật tốt, thật kỹ, để con có thể tự tin bước vào ngưỡng cửa quan trọng của cuộc đời. Nhưng đúng vào thời điểm dịch bùng phát, chị đành gác lại tất cả dự định để dồn sức cho công việc chuyên môn. Hai mẹ con chỉ gặp nhau qua những cuộc điện thoại vội vàng trong ngày, hay cả lúc nửa đêm khi có được chút thời gian ngơi tay hiếm hoi. Thế nhưng, trong câu chuyện của mình, chị Hoa nói nhiều hơn đến những đồng nghiệp trẻ.
TS. Phùng Thị Bích Thủy cho biết, ngoài thực hiện sàng lọc Covid-19, Khoa Sinh học phân tử các bệnh truyền nhiễm còn phải đáp ứng xét nghiệm thường quy 300 - 400 mẫu/ngày và làm sàng lọc cấp cứu tại các khoa, phòng. Khối lượng mẫu lớn tăng nhanh từng ngày. Có thời gian, Khoa chỉ có thể vận hành được hai máy, một máy còn lại do không có hóa chất, nên toàn bộ thao tác phải làm thủ công vô cùng vất vả.
“Có lúc chúng tôi quá mệt, không muốn nói, cũng chẳng thể cười, ăn không còn cảm giác ngon miệng, mắt đỏ ngàu vì những đêm thiếu ngủ. Chúng tôi phải mở nhạc to lên để tinh thần tỉnh táo hơn và át bớt tiếng máy xét nghiệm chạy đều đều, khô khốc”, TS. Thủy tâm sự.
Những nỗ lực không mệt mỏi của họ đã được đền đáp, 10.000 mẫu xét nghiệm đã được hoàn thành và tất cả đều âm tính. Sau những ngày tháng nhọc nhằn, họ sẽ được trở về bên gia đình, được ăn bát cơm nóng và ôm con thơ vào lòng sau nhiều ngày dài mong nhớ.
Hơn một năm đã trôi qua, nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19 đã đem lại thành quả bước đầu, nhịp sống yên bình đã trở lại trên nhiều vùng quê trong điều kiện “bình thường mới”. Thành quả này in đậm dấu ấn của sự đồng lòng, tinh thần đoàn kết, sẵn sàng hy sinh của bao người, trong đó có đội ngũ những chiến binh khoác “blouse trắng” kiên cường.
Với các y, bác sĩ, nỗi vất vả nhọc nhằn, làm việc thâu đêm suốt sáng; những đôi bàn tay chai sần, đau cước, bật móng vì bóc, mở các tuýp xét nghiệm; những bữa cơm ăn vội, những giấc ngủ chập chờn… vẫn không đáng gì so với nỗi nhớ con, nhớ nhà, mong được ôm đứa con thơ vào lòng, mong một bữa cơm gia đình đơn sơ.