Những chiếc cần cẩu đã phơi mưa nắng từ lâu trên công trường dự án Khu tứ giác Bến Thành

Những chiếc cần cẩu đã phơi mưa nắng từ lâu trên công trường dự án Khu tứ giác Bến Thành

Những chiếc cần cẩu bất động theo dự án bất động sản

(ĐTCK) Lưu thông trên các con đường ở khắp các quận, huyện TP.HCM, người dân không khó bắt gặp cảnh một khu đất rộng được quây kín và bên trong có những chiếc cần cẩu xây dựng bất động.

Bất động cùng dự án

Dự án Diamond Lotus Lakeview có diện tích 11.458 m2, gồm 3 tháp với 21 tầng do Công ty Bất động sản Ngôi Nhà Xanh làm chủ đầu tư. Trong đó, toà A và C gồm khoảng 799 căn hộ đã được tiến hành làm móng và mở bán từ tháng 7/2016, nhưng sau đó phải dừng triển khai.

Lý do được phía chủ đầu tư cho biết, trước đây doanh nghiệp mua quỹ đất của Công ty cổ phần Nhựa Tân Tiến khi doanh nghiệp này cổ phần hóa. Sau đó, doanh nghiệp tiến hành làm thủ tục pháp lý để lập dự án và đã được UBND TP.HCM chấp thuận, nên doanh nghiệp tiến hành xây dựng và bán nhà cho khách hàng.

Thế nhưng tới năm 2017, dự án phải dừng triển khai vì UBND Thành phố thanh tra việc cổ phần hóa doanh nghiệp, cũng như mua bán quỹ đất này có đúng giá trị hay không.

Do dự án dừng triển khai, nên 2 chiếc cần cẩu để được sử dụng để thi công dự án này cũng bất động từ năm 2017 tới nay và đang rỉ sét vì mưa nắng.

Cùng cảnh ngộ như dự án Diamond Lotus Lakeview là dự án The Park Avenue tọa lạc mặt tiền đường 3/2, quận 11 ngay gần giao lộ với Lê Đại Hành trường đua Phú Thọ. Khu đất triển khai dự án trước thuộc doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa, chủ đầu tư mua lại năm 2016. Dự án sau đó đã được cấp giấy phép xây dựng và các thủ tục khác. Sau khi bán hết nhà cho khách, chủ đầu tư tích cực triển khai để kịp bàn giao nhà năm 2018, nhưng khi mới triển khai tới tầng 6, thì buộc phải dừng lại để thanh tra việc mua bán khu đất này có đúng giá trị hay không.

Hay như khu đất của Công ty cổ phần Địa ốc Him Lam Land tại mặt tiền đường Nguyễn Hữu Thọ, quận 7 cũng chỏng chơ chiếc cần cẩu từ năm 2017 tới nay. Dự án này được doanh nghiệp làm thủ tục xin phép xây dựng, tuy không phải là đất cổ phần hóa, nhưng năm 2017, khi chủ đầu tư xin phát triển dự án, thì chính quyền quận 7 trả lời, vì mật độ xây dựng và dân số khu vực này chỉ có thể cấp được khoảng 6%, nghĩa là chỉ xây được chung cư thấp tầng. Để đảm bảo mật độ theo quy định và có lãi, Công ty Him Lam Land nộp hồ sơ xin thêm phần căn hộ văn phòng (officetel) và đã đóng tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, tới thời điểm cấp phép, thì đúng lúc TP.HCM dừng cấp phép cho các dự án có officetel, vậy là dự án này phải dừng triển khai.

Đó chỉ là số ít trong cả trăm dự án bất động sản đang bất động tại TP.HCM, kéo theo hàng trăm chiếc cần cẩu cũng đứng hình theo.

Có thể kế đến dự án chung cư cao cấp tại số 11D đường Thi Sách, quận 1 của Công ty Him Lam Land, dự án 134A Lý Chính Thắng, quận 3, dự án Khu tứ giác Bến Thành, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1...

Tiếp tục khẩn cầu được “cởi trói”

Ngày 21/2, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có văn bản gửi UBND TP.HCM với nội dung tập hợp ý kiến cầu cứu của 19 doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM để gửi lãnh đạo Thành phố sớm có giải pháp giúp doanh nghiệp thoát khó khăn.

Cụ thể, Công ty cổ phần Xây dựng kinh doanh nhà Đại Phúc cho biết, Công ty là chủ đầu tư dự án Khu đô thị mới Vạn Phúc có diện tích 198 ha tại phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức. Theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, có các khu đất dành cho các công trình giáo dục, y tế.

Trước đây, theo Luật Đất đai 2003, thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư trên lĩnh vực giáo dục, y tế, thì chủ đầu tư dự án nếu có nhu cầu xin được đầu tư các công trình giáo dục, y tế trong phạm vi dự án thì được Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu trình UBND Thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư. Khi thực hiện các dự án này, chủ đầu tư phải thuê lại đất của Nhà nước, nhưng hiện nay, tất cả hồ sơ xin đầu tư trong trường hợp này đều bị dừng lại, chưa được giải quyết. 

Vì vậy, Công ty Đại Phúc đề nghị UBND TP.HCM, Chính phủ xem xét cho phép các chủ đầu tư dự án được thực hiện đầu tư xây dựng các công trình giáo dục, y tế trong phạm vi dự án nếu có yêu cầu.

Còn Tập đoàn Novaland cho biết, trong quá trình phát triển dự án những năm gần đây, Tập đoàn gặp những khó khăn bởi các chính sách liên quan đến quản lý đất đai. Đây không là vấn đề chỉ riêng Novaland gặp phải, mà là vấn đề chung của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.

Đơn cử, dự án 30,2 ha tại phường Bình Khánh, quận 2. Hiện các bộ, ngành đang rà soát lại các thủ tục pháp lý dự án chung với Thủ Thiêm, song song đó, các sở, ngành TP.HCM đã và đang nỗ lực tìm kiếm, đề xuất các giải pháp báo cáo bộ, ngành, Chính phủ để sớm có hướng thực thi nghiêm túc.

Với dự án này, Novaland đề xuất với các bộ, sở ngành 2 phương án để thực hiện. Phương án 1, được giao tiếp tục triển khai phần dự án đã hoàn thành thi công là Lô D07 và phần dự án đã hoàn thành thi công phần móng như D02-D06, D08-D10. Đối với phần dự án chưa triển khai thi công là Lô D01 và các hạng mục thương mại dịch vụ, sẽ bàn giao lại để cơ quan, ban ngành tiến hành đấu giá.

Phương án 2, được tiếp tục thực hiện toàn bộ dự án với chức năng nhà ở tái định cư theo các hồ sơ pháp lý đã được phê duyệt…

Còn Công ty cổ phần Địa ốc Him Lam Land cho biết, Công ty là chủ đầu tư dự án Khu nhà ở Him Lam, phường Phước Bình, quận 9, có diện tích 2,16 ha với 34 nền nhà biệt thự, đã hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng từ năm 2003 và đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực dự án từ năm 2010. Đây là dự án thành phần thuộc dự án Khu đô thị mới Bắc Rạch Chiếc do Công ty cổ phần Địa ốc 10 làm chủ đầu tư chính, có trách nhiệm đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng trục chính trên toàn bộ dự án.

Tuy nhiên, do Công ty Địa ốc 10 đến nay vẫn chưa hoàn thành trách nhiệm của chủ đầu tư chính, chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, xây dựng hệ thống hạ tầng và dự án này đã bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thanh tra, điều tra, nên Dự án Khu nhà ở Him Lam vẫn chưa được giao đất để Công ty Him Lam thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất và làm sổ đỏ cho khách hàng.

Công ty Him Lam đề nghị được thực hiện nghĩa vụ đóng góp tài chính theo tỷ lệ phân bổ cho dự án, để Công ty Địa ốc 10 hoàn thành trách nhiệm xây dựng cơ sở hạ tầng trục chính của dự án theo quy hoạch được duyệt…

Theo bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Đại Phúc Land, việc nhiều dự án không thể triển khai hiện nay do sự chồng chéo của chính sách, công tác phối hợp giữa các đơn vị chưa thống nhất và một số cán bộ sợ sai nên thận trọng trong việc trình hồ sơ.

Bà Hương kiến nghị, cơ quan chức năng cần hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường bằng việc đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn các bước không cần thiết nhưng vẫn bảo đảm đúng quy định pháp luật, có như vậy doanh nghiệp mới dễ phát triển.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục cải cách thể chế, kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, đi đôi với trách nhiệm giải trình, trách nhiệm đối thoại của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền với người dân và cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản.

Ông Châu cũng khiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật về đất đai, về đầu tư, về xây dựng, về nhà ở, về kinh doanh bất động sản, về dân sự để đảm bảo tính hệ thống, tính đồng bộ và tính liên thông.

Ngoài ra, ông Châu cũng mong muốn Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt để sớm tháo gỡ các vướng mắc, “điểm nghẽn” cụ thể của thị trường bất động sản, để thị trường phục hồi và tăng trưởng trở lại, tạo điều kiện cho tất cả mọi người, trước hết là người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp khu vực đô thị có nhà ở.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan