VDSC: Cổ đông chất vấn danh mục đầu tư
Như nhiều công ty cùng ngành, năm qua, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) không tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực từ sự lao dốc về điểm số và thanh khoản của thị trường cổ phiếu, sự cạnh tranh khốc liệt về thị phần môi giới cá nhân và kênh trái phiếu doanh nghiệp tạm “bất động”…
Tại đại hội cổ đông diễn ra vào cuối tuần trước, câu hỏi đầu tiên được đặt ra với ban chủ tọa trong phần chất vấn có liên quan đến hoạt động đầu tư của Công ty. Danh mục đầu tư đang có tỷ trọng lớn ở cổ phiếu DBC ghi nhận lỗ, và có hay không Rồng Việt đang “kẹt” 200 tỷ đồng trái phiếu liên quan đến Hưng Thịnh?
Ông Nguyễn Miên Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị VDSC đã có những chia sẻ thẳng thắn về các nội dung liên quan.
“Tôi có quan điểm rõ ràng, làm công ty chứng khoán không đầu tư cổ phiếu thì chẳng biết tư vấn gì cho khách hàng”, ông Tuấn nói.
Chiến lược phát triển được VDSC đặt ra đến năm 2030 dựa trên 5 trụ cột chính, gồm môi giới, cho vay margin, đầu tư, ngân hàng đầu tư và quản lý tài sản, tỷ trọng tùy vào từng giai đoạn. Tại hầu hết các công ty chứng khoán hiện nay, mảng ngân hàng đầu tư và quản lý tài sản có tỷ trọng khá khiêm tốn, chủ yếu dựa vào mảng cho vay, môi giới và đầu tư.
“Với điều kiện hiện nay của Rồng Việt, hoạt động đầu tư là chủ lực và dĩ nhiên, đầu tư không phải lúc nào cũng thắng. Năm 2022, chúng ta cũng đầu tư thất bại. Nhìn rộng ra thế giới, nhiều nhà đầu tư huyền thoại cũng thua lỗ trong 2022”, ông Tuấn khẳng định.
Nếu đánh giá vị thế về nguồn lực tài chính và nhiều mặt, để cạnh tranh ở mảng môi giới, cho vay margin, ngân hàng đầu tư, quản lý tài sản thì VDSC cần thêm thời gian để xây dựng nền tảng vững hơn.
Chẳng hạn, với năng lực tài chính, dù tăng vốn trong năm 2022, nhưng quy mô vốn của Công ty vẫn chỉ đứng đâu đó trong Top 20. Do đó, năng lực cạnh tranh nói chung của Rồng Việt ở các mảng kia khá khiêm tốn, nếu muốn cải thiện hiệu quả ngắn hạn thì phải dựa thêm hoạt động đầu tư, đặc biệt đầu tư cổ phiếu.
Với khoản đầu tư vào cổ phiếu DBC, ông Tuấn cho rằng, đây là doanh nghiệp có nền tảng tốt, xây dựng được chuỗi giá trị chăn nuôi khá hoàn thiện. Tài sản tích luỹ của DBC đến nay khá tốt, tình hình tài chính ổn định.
Đặc biệt, ở Bắc Ninh, DBC tích luỹ được tài sản là bất động sản giá trị. Về khoản đầu tư này, năm 2021, VDSC lãi khá tốt. Sang năm 2022, do nhiều công ty cùng tham gia vào lĩnh vực này (như HAGL, BaF) và nhu cầu về thịt nói chung giảm sút, dẫn đến kết quả kinh doanh suy giảm, cổ phiếu DBC bị ảnh hưởng. Dù vậy, VDSC xác định, vùng giá hiện tại của DBC là hấp dẫn nên Công ty vẫn giữ dài hạn, chưa có kế hoạch tái cấu trúc lại khoản đầu tư này.
Với khoản đầu tư trái phiếu, ông Tuấn cho rằng, VDSC có khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp 3 đơn vị là: trái phiếu doanh nghiệp niêm yết Masan giá trị 8 tỷ đồng (hiện đánh giá không rủi ro gì), khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp là Hưng Thịnh Incons (số cuối năm khoảng 65 tỷ đồng) và khoản thứ 3 là 170 tỷ đồng trái phiếu Hưng Thịnh Quy Nhơn. Công ty cũng có khoản đầu tư 230 tỷ đồng vào trái phiếu Ngân hàng Vietcombank (VCB, nhận định là không rủi ro). Riêng 2 khoản trái phiếu liên quan tới Tập đoàn Hưng Thịnh thì tài sản đảm bảo được làm chặt chẽ.
Trái phiếu tại Hưng Thịnh Quy Nhơn chưa đáo hạn, dự kiến còn hơn 1 năm nữa. Hiện, với trái phiếu này cũng đã thực hiện nghĩa vụ đầy đủ, với tài sản đảm bảo là dự án Meryland Quy Nhơn.
Lãnh đạo VDSC thông tin, trong quý đầu năm, doanh thu của Công ty đạt 150 tỷ đồng; lãi trước thuế 77,5 tỷ đồng, tương đương 28,5% kế hoạch đề ra. Kết quả này, theo ông Tuấn, là tích cực trong bối cảnh khó khăn hiện nay, giúp Công ty xử lý hết lỗ luỹ kế. Công ty cũng mong 6 tháng sẽ tốt hơn, để cổ phiếu VDS được cấp margin trở lại.
“Xin báo cáo với cổ đông, chúng tôi cũng rất xấu hổ vì cổ phiếu hiện dưới mệnh giá”, Chủ tịch Nguyễn Miên Tuấn nói.
REE: Tại sao lại đầu tư vào VIB?
Các cuộc đại hội cổ đông của Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh (mã REE) thường xuyên kín chỗ, năm nay cũng không ngoại lệ. Các cổ đông, nhà đầu tư luôn mong chờ những thông tin, giải đáp về tình hình hiện tại cũng như định hướng kinh doanh của một doanh nghiệp nằm trong rổ cổ phiếu “kim cương”. Hàng loạt câu hỏi chất vấn chủ tọa đại hội đã được đặt ra tại đại hội cổ đông 2023, đáng chú ý nhất là câu hỏi về việc tại sao REE lại đầu tư vào VIB?
Cổ đông chất vấn qua hình thức trực tuyến tại đại hội cổ đông FPT 2023. |
Theo bà Mai Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị REE, trong hai năm qua, đầu tư vào lĩnh vực năng lượng bị tắc. Với mảng bất động sản, REE chỉ mua những dự án sạch, không đi gom đất rồi làm thủ tục. Dự án ở Thái Bình là đấu giá đất, chỉ có 2 ha, năm 2023 đã phải ghi nhận doanh thu, 47 căn villa đã đặt hàng 30 căn. Trong khi VIB là một ngân hàng mới nổi, nhưng rất năng động. Ngân hàng này chuyên tập trung vào bán lẻ, cho vay mua nhà đã có sổ đỏ và mua xe hơi, tỷ lệ ROE tới 30%. VIB rất an toàn vì tỷ lệ cho vay bất động sản chưa tới 3%.
“Đây là cơ hội đầu tư là khá tốt. Tính trên giá cổ phiếu, REE đã lời 20%. Tổng đầu tư hơn 700 tỷ đồng. Công ty sẽ giữ cho tới khi dự án năng lượng tái tạo lớn thì cân nhắc bán”, bà Mai Thanh cho biết.
Trước câu hỏi dự báo 5 năm tới, Công ty phát triển như thế nào? Bà Mai Thanh cho rằng, đây là câu hỏi khó khi chính sách quốc gia chưa rõ. Ví dụ, mục tiêu tăng gấp đôi công suất điện, nhưng giá chưa có, chưa rõ chính sách nên không thể nói. REE chỉ có thể nói là định hướng kinh doanh trong ba mảng chính gồm điện, nước, hạ tầng.
Với mảng bất động sản - sở trường là văn phòng và văn phòng cho thuê - dự án Etown 6 sẽ bổ sung gần 40.000 m2, nâng tổng diện tích cho thuê lên gần 182,000 m2. Ngoài ra, bất động sản của REE sẽ nhắm đến các dự án đất sạch. Nhìn chung, Công ty dự kiến mức tăng 15%/năm với các ngành.
DGC: Bao giờ cổ phiếu về bờ?
Trong vòng hơn 2 năm trở lại đây, cổ phiếu DGC (của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoá chất Đức Giang) trở thành một hiện tượng khi liên tục tăng nóng và sau đó rớt mạnh.
Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2023, một nhà đầu tư cá nhân đã than thở về việc mua cổ phiếu DGC ở vùng giá 140.000 đồng/cổ phiếu (giá chưa điều chỉnh cổ tức cổ phiếu và tiền đã thực hiện trong năm 2022) và sau đó cổ phiếu liên tục giảm. Tính tới ngày 30/3/2023, thị giá cổ phiếu này chỉ còn 51.300 đồng/cổ phiếu, tức tạm lỗ khoảng 50% tổng danh mục.
Nhà đầu tư này chỉ là một trong số nhiều nhà đầu tư đã trót “đu đỉnh” cổ phiếu DGC. Được biết, thống kê từ ngày 16/6/2022 đến ngày 4/4/2023, cổ phiếu DGC liên tục giảm với mức giảm 58,5% từ đỉnh 128.770 đồng về 53.400 đồng/cổ phiếu. Trước đó, từ 31/12/2019 đến ngày 16/6/2022, cổ phiếu DGC đã tăng 15,66 lần, từ 7.730 đồng lên 128.770 đồng/cổ phiếu.
Dữ liệu thống kê trên iBoard của Chứng khoán SSI cho thấy, thời điểm quý IV/2019, cổ phiếu DGC giao dịch vùng định giá với P/E là 5,57 lần và P/B là 0,95 lần. Tuy nhiên, sau đó, cổ phiếu liên tục tăng nóng, đỉnh điểm định giá là quý II/2021 với P/E là 24,36 lần và P/B là 5,82 lần. Hiện tại, sau khi giảm mạnh, định giá tới quý IV/2022 lần lượt với P/E là 3,48 lần và P/B là 1,89 lần.
Để giải thích đà tăng nóng của cổ phiếu DGC giai đoạn trước tháng 6/2022, có hai lý do chính hỗ trợ đà tăng của cổ phiếu. Trong đó, đầu tiên là đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy giá các sản phần như phốt pho vàng (chiếm 50% doanh thu của Hoá chất Đức Giang) và giá phân bón liên tục tăng cao là động lực cho việc tiêu thụ sản phẩm phân bón và phốt pho vàng của Công ty, giúp lợi nhuận tăng mạnh trong giai đoạn 2020 - 2022 (cuối năm 2022 bắt đầu tăng trưởng âm trở lại). Ngoài ra, giai đoạn đại dịch cũng là thời điểm tiền rẻ ngập tràn thị trường, thúc đẩy tài sản tài chính tăng chóng mặt.
Tại đại hội cổ đông thường niên 2023, Chủ tịch Hội đồng quản trị DGC Đào Hữu Huyền cũng thừa nhận, sau năm đại thắng 2022 với lợi nhuận đạt 6.036,98 tỷ đồng, tăng 140,2% so với cùng kỳ năm trước, chưa biết khi nào Công ty mới quay trở lại mức lợi nhuận kỷ lục này.
Để dự phòng cho kịch bản giá phốt pho vàng và giá phân bón giảm, Hoá chất Đức Giang đã đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu giảm 24,7%, về 10.875 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm 50,3%, về 3.000 tỷ đồng. Trong quý I/2023, ước tính lợi nhuận của Công ty đạt 700 tỷ đồng, giảm 53,5% so với thực hiện cùng kỳ năm trước.
Việc triển vọng kinh doanh đi qua thời điểm thuận lợi nhất chính là nguyên nhân dẫn tới đà lao dốc của cổ phiếu DGC trong giai đoạn vừa qua.
Quay trở lại với câu chuyện nhà đầu tư “đu đỉnh” cổ phiếu DGC, trái với hy vọng của cổ đông về việc gia đình Chủ tịch sẽ mua vào “đỡ giá” cổ phiếu, Chủ tịch Đào Hữu Huyền chia sẻ, thị giá chứng khoán hoàn toàn do quy luật thị trường quyết định, một mình ông không thể chống lại xu hướng thị trường, vì vậy, sẽ không có kế hoạch mua lại. Ngược lại, nếu có điều kiện, gia đình Chủ tịch sẽ bán ra giảm sở hữu từ mức hơn 40% vốn điều lệ hiện tại.
“Chuyện chúng tôi làm được là đảm bảo sản xuất - kinh doanh và đảm bảo cuộc sống cán bộ nhân viên. Chúng tôi không can thiệp vào giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài và không đi giải quyết nỗi buồn của cổ đông”, ông Đào Hữu Huyền nhấn mạnh.