Từ câu chuyện DRC
Báo cáo tài chính quý II/2017 của CTCP Cao su Đà Nẵng (mã DRC) cho thấy, 6 tháng đầu năm nay, Công ty đạt doanh thu thuần gần 1.844 tỷ đồng, tăng so với mức 1.724 tỷ đồng cùng kỳ năm 2016, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ còn trên 105 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số gần 199 tỷ đồng cùng kỳ năm 2016.
Theo giải trình của DRC, lợi nhuận sụt giảm mạnh chủ yếu do chi phí nguyên vật liệu tăng cao. 6 tháng đầu năm, chi phí nguyên vật liệu đầu vào làm lợi nhuận gộp của DRC giảm 90 tỷ đồng, chưa kể tác động từ việc tăng chi phí bán hàng.
Năm 2017, giá cao su tự nhiên đã tăng khá mạnh, ảnh hưởng không nhỏ đến giá vốn hàng bán của DRC. Thống kê cho thấy, giá bán mủ cao su đã tăng từ mức xấp xỉ 1.333 USD/tấn cuối năm 2016 lên 1.851 USD/tấn.
Lợi nhuận sụt giảm là yếu tố khiến cổ phiếu DRC sụt giảm mạnh trong vòng 1 tháng qua. Ngày 23/6, DRC có giá 33.500 đồng/cổ phiếu, còn kết thúc phiên giao dịch ngày 24/7, giá DRC là 26.800 đồng/cổ phiếu.
Năm 2009, giá cao su tự nhiên cũng tăng khá mạnh, từ mức trung bình khoảng 1.278 USD/tấn vào tháng 1/2009 lên 2.190 USD/tấn vào tháng 12/2009. Thế nhưng, dù giá cao su tự nhiên – nguyên liệu đầu vào chính của DRC tăng mạnh, Công ty vẫn báo cáo kết quả tăng trưởng lợi nhuận đột biến, với lãi sau thuế là hơn 393 tỷ đồng cả năm 2009, gấp gần 8 lần năm 2008 là gần 52 tỷ đồng.
Giá cổ phiếu DRC theo đó tăng mạnh, từ mức 16.900 đồng/cổ phiếu lên 122.000 đồng/cổ phiếu (sau khi đã chia cổ tức), tương đương mức giá tăng thực tế gần 7,9 lần.
Vậy, điều gì tạo nên sự khác biệt giữa DRC của năm 2009 và hiện tại, dẫn đến cùng một sự kiện tăng giá cao su, nhưng một năm lợi nhuận tăng mạnh, còn một năm lợi nhuận sụt giảm mạnh?
Câu chuyện nằm ở việc, năm 2009, DRC đã kịp ký hợp đồng mua được nguyên liệu giá rẻ trước khi giá tăng, dẫn đến giá đầu ra tăng mạnh, trong khi đầu vào vẫn ở mức giá thấp, tạo nên đà tăng đột biến của DRC. Ở thì hiện tại, DRC không có được lợi thế đó.
Nếu chỉ nhìn vào diễn biến giá mủ cao su tăng – DRC tăng mạnh lợi nhuận như năm 2009, nhà đầu tư có nguy cơ lỗ nặng khi gom vào cổ phiếu DRC trước khi Công ty công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm. Không có một công thức chung nào cho dự báo lợi nhuận, nếu không hiểu và theo sát những hoạt động của chính doanh nghiệp.
… tới trường hợp HAX
Cổ phiếu HAX của CTCP Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (Haxaco) những ngày vừa qua, với hai cú sốc liên quan đến sụt giảm giá cổ phiếu và lỗ quý II, dù công bố doanh số bán xe khủng là một ví dụ điển hình cho thấy, kinh doanh tăng trưởng không đồng nghĩa với lợi nhuận lớn.
Những nhà đầu tư mua cổ phiếu dựa vào kỳ vọng tăng trưởng mạnh số lượng xe tiêu thụ của Haxaco đã phải trả giá, vì dù doanh thu tăng, nhưng áp lực cạnh tranh và đặc thù lợi nhuận phụ thuộc vào thưởng doanh số (đến chậm hơn doanh thu) đã dẫn tới việc Công ty phải hạch toán lỗ trong quý II/2017.
Nếu nhà đầu tư hiểu về đặc thù kinh doanh của doanh nghiệp, thì có thể, cơn lên đồng về giá giai đoạn trước của HAX đã không xảy ra; và khi đó, cũng có thể đã không có những phiên giảm sàn không mấy nhà đầu tư muốn mua. Nhưng thực tế, thị trường đã kỳ vọng lớn vào mức lợi nhuận tốt đi kèm với doanh thu tăng trưởng mạnh.
Câu chuyện của Haxaco thực ra không mới với thị trường chứng khoán Việt Nam. Rất nhiều doanh nghiệp trong quá khứ từng ra báo cáo doanh thu tăng đột biến, nhất là nhóm ngành bất động sản, dệt may, sắt, thép, điện, xi măng…, nhưng cuối cùng, hiệu quả kinh doanh không đi kèm với tăng trưởng doanh số.
Có nhiều lý do như lỗ tỷ giá hối đoái, trích lập dự phòng hàng tồn kho, chi phí lãi vay tăng cao, trích lập dự phòng nợ xấu… được doanh nghiệp đưa ra sau đó để giải thích cho sự ngược hướng của doanh thu và lợi nhuận.
Trong những tình huống này, nếu không được cập nhật thông tin chi tiết và đầy đủ từ phía doanh nghiệp, rất khó để nhà đầu tư có thể đưa ra dự báo chính xác về diễn biến lợi nhuận của công ty mà mình đầu tư. Những suy đoán theo logic thông thường như doanh thu tăng – lợi nhuận tăng có thể khiến nhà đầu tư… thổi bay tài khoản cá nhân.