Theo đuổi giá trị lâu dài
Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Để chiến thắng trong cuộc chiến toàn cầu với biến đổi khí hậu, đoàn kết toàn cầu là cách thức duy nhất, chúng ta cùng bàn, cùng làm và cùng chiến thắng: Bắt đầu từ ý chí, nhận thức và giải pháp, tổ chức thực hiện cho đến đảm bảo nguồn lực”.
Theo đó, việc triển khai tín dụng xanh đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức tài chính, doanh nghiệp và cộng đồng. Trong đó, các tổ chức tài chính giữ vai trò quan trọng trong việc định hướng, xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá các dự án xanh, cân nhắc giữa khả năng sinh lời và tác động môi trường, tác động xã hội của dự án.
Thực tế cho thấy, nguồn lực tài chính từ ngân hàng là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế, đồng thời là đòn bẩy thúc đẩy chuyển đổi mô hình phát triển hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt khi mô hình cũ về tăng trưởng kinh tế gắn liền với việc khai thác và sử dụng các tài nguyên thiên nhiên, bao gồm các tài nguyên không tái tạo được (nguyên nhiên liệu, năng lượng...) dẫn đến suy thoái môi trường thiên nhiên, phá vỡ cân bằng sinh thái, đã không còn đáp ứng được các điều kiện phát triển của thời đại mới...
Trên cơ sở bám sát những định hướng chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về thúc đẩy tín dụng xanh, ngân hàng xanh, hệ thống ngân hàng đã và đang triển khai một cách nghiêm túc và đưa ra lộ trình phù hợp cho các nhóm công việc, giải pháp liên quan đến phát triển sản phẩm tín dụng xanh và nghiên cứu triển khai Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 07/8/2018 về Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam.
Tầm nhìn chiến lược
Một trong những minh chứng rõ nét trong định hướng ưu tiên tín dụng xanh của hệ thống ngân hàng là Nghị quyết Hội đồng quản trị về chiến lược phát triển kinh doanh của BIDV đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 nêu rõ, BIDV sẽ nghiên cứu mô hình chi nhánh/phòng giao dịch “Ngân hàng xanh” gắn với yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.
Đồng thời, BIDV cam kết triển khai các gói “tín dụng xanh”, dành tỷ trọng tương xứng để tài trợ cho các khách hàng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, các ngành sản xuất và tiêu dùng phát thải các-bon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu; qua đó góp phần chuyển đổi nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, ngăn chặn biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng và môi trường.
Bên cạnh đó, BIDV xác định phát triển bền vững và thực hành ESG (Environment (môi trường), Social (xã hội) và Governance (quản trị), cần được tích hợp vào hoạt động của ngân hàng như một chiến lược cốt lõi và tổng thể. BIDV đã thành lập Ban Quản lý dự án về tài chính bền vững nhằm nghiên cứu, chỉ đạo, điều phối và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến triển khai tài chính bền vững tại Ngân hàng. Đồng thời, quản lý rủi ro ESG trong hoạt động tín dụng và định hướng BIDV trở thành ngân hàng trung hòa các-bon/ngân hàng phát thải ròng bằng không (net-zero) trong giai đoạn tới.
Liên quan đến quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, BIDV là ngân hàng trong nước đầu tiên ban hành Hệ thống quản lý rủi ro Môi trường và Xã hội (ESMS) từ năm 2018, được áp dụng cho các dự án, khách hàng tiếp nhận nguồn vốn quốc tế, cũng như khuyến khích các dự án còn lại thực hiện.
Trong hoạt động cấp tín dụng sử dụng nguồn vốn từ các nhà tài trợ quốc tế khác như WB, NIB, ADB, AFD, BIDV đã có kinh nghiệm rà soát, đánh giá các dự án đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về môi trường xã hội, khung an toàn môi trường xã hội của các nhà tài trợ.
Ngoài ra, BIDV đang làm việc với các tổ chức và tư vấn quốc tế để hoàn thiện Hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội (QLRR MT&XH) trong hoạt động cấp tín dụng theo Thông tư 17/2022/TT-NHNN ngày 23/12/2022 hướng dẫn thực hiện QLRR về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Trên cơ sở bám sát quy định của pháp luật, cũng như tham khảo các tổ chức tư vấn quốc tế, Ngân hàng sẽ chủ động nghiên cứu để xây dựng quy định nội bộ về QLRR MT&XH trong hoạt động cấp tín dụng phù hợp.
Đẩy mạnh các sản phẩm tín dụng xanh
Căn cứ khung chiến lược và lộ trình hướng tới phát triển ngân hàng xanh theo Đề án phát triển Ngân hàng xanh số 1604/QĐ-NHNN, ở cấp độ 2, ngân hàng cần phát triển thêm các sản phẩm dịch vụ xanh riêng biệt bên cạnh các sản phẩm dịch vụ ngân hàng truyền thống. Được biết, BIDV tích cực tìm kiếm nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế để hỗ trợ xây dựng và hoàn thiện các tài liệu Khung hướng dẫn cho các sản phẩm xanh, tạo tiền đề cho việc phát triển các sản phẩm tài chính xanh, tài chính bền vững riêng biệt.
Cụ thể, BIDV đã hoàn thiện dự thảo Khung phát hành Trái phiếu xanh với nguồn tài trợ của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) và hỗ trợ kỹ thuật từ đơn vị tư vấn Climate Bond Initiatives (CBI), hướng tới mục tiêu là ngân hàng đầu tiên phát hành thành công trái phiếu xanh sau khi Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy định tiêu chí môi trường và xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh được ban hành;
Gần đây, tháng 02/2023 vừa qua, BIDV trở thành ngân hàng Việt Nam tiên phong công bố Khung khoản vay bền vững. Việc xây dựng và ban hành Khung khoản vay bền vững sẽ giúp BIDV cung cấp các sản phẩm tài chính bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế cho các doanh nghiệp trong nước, đồng thời là cơ sở để BIDV tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực phát triển bền vững tại Việt Nam. Khung khoản vay bền vững được xây dựng với sự tư vấn của tổ chức Carbon Trust.
Tại thời điểm 31/12/2022, BIDV tiếp tục dẫn đầu thị trường về tài trợ lĩnh vực xanh với dư nợ tín dụng đạt 63.773 tỷ đồng (khoảng 2,7 tỷ USD), chiếm 4,3% và 13% tổng dư nợ cho vay lĩnh vực xanh toàn bộ nền kinh tế.
Song song với việc xây dựng các Khung sản phẩm tài trợ xanh riêng biệt, BIDV cũng đã thiết kế/ xây dựng các gói tài trợ, chính sách ưu đãi khi cấp tín dụng đối với lĩnh vực xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, thực thi trách nhiệm xã hội, cộng đồng.
Theo đó, dư nợ tín dụng xanh có sự tăng trưởng rõ rệt trong giai đoạn 2019-2022 với tốc độ tăng trưởng bình quân 45%/năm. Tại thời điểm 31/12/2022, BIDV tiếp tục dẫn đầu thị trường về tài trợ lĩnh vực xanh với dư nợ tín dụng đạt 63.773 tỷ đồng (khoảng 2,7 tỷ USD), chiếm 4,3% và 13% tổng dư nợ cho vay lĩnh vực xanh toàn bộ nền kinh tế.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và hợp tác quốc tế
Cùng với việc đầu tư đẩy mạnh các hệ thống, kênh giao dịch điện tử giúp khách hàng có thể trải nghiệm các dịch vụ ngân hàng trên thiết bị điện thoại thông minh, máy tính… hạn chế di chuyển đến các địa điểm giao dịch của Ngân hàng, tiết kiệm các chi phí như in ấn chứng từ, lưu trữ vật lý, di chuyển…
Đồng thời, nhằm khuyến khích khách hàng tăng cường sử dụng các dịch vụ số của Ngân hàng, BIDV đã thực hiện xây dựng các chính sách ưu đãi (bao gồm nhưng không giới hạn ở các dịch vụ thanh toán, dịch vụ tín dụng, dịch vụ tài trợ thương mại) như chính sách miễn giảm phí đối với các khách hàng mới sử dụng sản phẩm dịch vụ trên kênh iBank, miễn phí chuyển tiền trong hệ thống trên kênh iBank đối với khách hàng hiện hữu, chương trình BIDV Trade up...
Bên cạnh đó, BIDV tích cực tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực phát triển bền vững, để hỗ trợ triển khai nguồn vốn xanh và bền vững tại Việt Nam, qua đó góp phần thúc đẩy tài chính bền vững, tiết kiệm năng lượng và chuyển đổi năng lượng sạch, điển hình. BIDV có kinh nghiệm và năng lực hàng đầu trong tiếp nhận và triển khai các dự án vì mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững từ các định chế tài chính quốc tế, phấn đấu số tiền huy động từ các dự án quốc tế có thể đạt mốc 3 tỷ USD vào năm 2025.
Là đối tác hơn 30 năm của các tổ chức tài chính: WB, ADB, JICA, JBIC, AFD…, BIDV hiện là ngân hàng có thị phần lớn nhất (21%) trong huy động nguồn vốn ODA, các nguồn vốn ủy thác quốc tế. BIDV đồng thời là định chế tài chính trong nước đầu tiên hợp tác với Bộ Tài nguyên và Môi trường, xây dựng các giải pháp và hành động cụ thể nhằm hướng đến thực hiện các mục tiêu chiến lược về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển tài chính xanh bền vững tại Việt Nam thông qua các nội dung hợp tác toàn diện…
Nỗ lực xây dựng ngân hàng xanh
Tín dụng xanh, ngân hàng xanh vẫn còn là những khái niệm mới tại Việt Nam và việc triển khai vẫn còn gặp một số khó khăn, thách thức đối với các tổ chức, doanh nghiệp và các nhà quản lý; dẫu vậy, chủ động và dẫn đầu xu hướng - vẫn luôn là định hướng xuyên suốt được các ngân hàng thực hiện.
Theo đó, tại BIDV đã áp dụng thường xuyên các biện pháp như giảm thiểu sử dụng giấy, nhựa và tiết kiệm năng lượng, nước thông qua xây dựng không gian giao dịch thân thiện với môi trường, không gian làm việc xanh - sạch - đẹp.
Chú trọng đầu tư và phát triển các hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động nội bộ: hệ thống Văn phòng điện tử Boffice, hệ thống Hội nghị truyền hình (Video Conference), hệ thống Đào tạo trực tuyến (E-learning), hệ thống quản lý nội dung doanh nghiệp (ECM), thực hiện số hóa hồ sơ, tài liệu của ngân hàng, giảm thiểu giấy tờ, không gian lưu trữ, luân chuyển…
Bên cạnh đó, Ngân hàng triển khai các hoạt động an sinh xã hội như giải chạy thường niên BIDV RUN - Cho cuộc sống Xanh (ứng dụng công nghệ) đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo khách hàng và cán bộ BIDV, đóng góp chi phí cho chương trình trồng 01 triệu cây xanh, hưởng ứng chương trình 01 tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Đặc biệt là “Chương trình hành động thực hiện ESG, phát triển tài chính bền vững giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn 2030” nhằm triển khai đồng bộ ESG trong hoạt động kinh doanh của BIDV, hướng tới phát triển bền vững và góp phần thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.